Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn học thiếu nhi ngày càng được quan tâm

Các nhà xuất bản đầu tư làm sách văn học thiếu nhi. Nhiều giải thưởng, cuộc thi được tổ chức để thúc đẩy mảng sách này phát triển.

Trong một cuộc thảo luận văn chương gần đây, khi nói về các xu hướng văn học nổi bật thời gian qua, giới sáng tác và người làm xuất bản đồng ý sách thiếu nhi đang được quan tâm nhiều hơn.

Van hoc thieu nhi anh 1

Sách Chuyện của anh em nhà Mem và Kya. Ảnh: Việt Linh.

Nhiều đơn vị tham gia làm sách văn học thiếu nhi

Thị trường xuất bản đang ngày càng phát triển, trong đó sách thiếu nhi là mảng sôi động. Không chỉ sách phát triển thể chất, cung cấp kiến thức, các tác phẩm nuôi dưỡng tâm hồn thiếu nhi cũng được các bậc phụ huynh tìm mua. Điều đó góp phần thúc đẩy sách văn học thiếu nhi phát triển.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - nói ngày nay nhiều đơn vị xuất bản cùng quan tâm tới sách văn học thiếu nhi. Trong đó, một số đơn vị có doanh thu sách văn học thiếu nhi lên tới 30% tổng doanh thu.

Nhà xuất bản Kim Đồng chuyên làm sách thiếu nhi cũng chú trọng làm sách văn chương. Đơn vị này tìm kiếm bản thảo mới từ các tác giả đương thời. Bên cạnh đó, họ cũng thực hiện các tủ sách văn chương cho thiếu nhi như “Tủ sách Vàng”, “Văn học trong nhà trường”.

Ngoài nhà xuất bản Kim Đồng, nhiều nhà xuất bản, công ty sách đã đầu tư vào mảng văn học thiếu nhi. Nhà xuất bản Trẻ, trong quá trình khai thác văn chương đương thời, thường chọn in tác phẩm văn học thiếu nhi đặc sắc. Loạt sách thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần đều là các tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng và trở thành sách bán chạy.

Bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, biên tập viên công ty sách Nhã Nam, cho biết trước đây, đơn vị của bà mạnh về sách văn học. Gần đây, Nhã Nam đã đầu tư vào văn học thiếu nhi nhiều hơn, có một số tác phẩm ghi dấu ấn. Tiêu biểu, đơn vị này có hai cuốn cho thiếu nhi nổi bật như: Đi trốn (Bình Ca), Tết là nhất, nhất là Tết (Mèo Mốc). Nhã Nam cũng in các tập thơ thiếu nhi như Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ (Nguyễn Phong Việt), Biển là trẻ con (Huỳnh Mai Liên).

“Nhu cầu sách văn chương cho thiếu nhi là có. Chúng ta phải chuẩn bị cho thế hệ đọc trong tương lai”, bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nói về xu hướng làm sách văn học thiếu nhi hiện nay.

Van hoc thieu nhi anh 2

Sách Đi trốn của tác giả Bình Ca. Ảnh: Nhã Nam.

Nhiều chương trình, giải thưởng thúc đẩy sáng tác

Ngoài sự đầu tư của các nhà xuất bản cùng nhu cầu của thị trường, các cuộc thi, giải thưởng cho văn học thiếu nhi cũng góp phần thúc đẩy mảng sách này phát triển.

Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi. Đây là một phần trong hoạt động hợp tác văn hóa “Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch”. Dự án gồm chuỗi hoạt động thành chu trình khép kín từ đào tạo, nâng cao năng lực sáng tác cho đội ngũ tác giả cho đến cuộc vận động sáng tác hàng năm, xuất bản tác phẩm hay, thành lập các câu lạc bộ đọc để đưa sách đến thiếu nhi.

Các cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hiện, trở thành “bà đỡ” cho nhiều tác giả, tác phẩm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - luôn trăn trở với việc phát triển văn học thiếu nhi. Ông cho rằng tác phẩm văn chương của xứ sở nào cũng tốt, nhưng một đứa trẻ phải được lớn lên, trở thành người tốt, tử tế trong tình thần văn hóa của chính dân tộc mình.

Ông Nguyễn Quang Thiều cho biết sắp tới, Hội Nhà văn Việt Nam phát động cuộc thi viết về đề tài thiếu nhi. Đây được coi là chiến lược văn học thời kỳ mới.

Một số giải thưởng về văn hóa nghệ thuật ra đời cũng chú trọng văn học thiếu nhi. "Dế mèn" là giải thưởng nghệ thuật thường niên do báo Thể thao và Văn hóa thực hiện, nhằm tìm kiếm và tôn vinh sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc của thiếu nhi và cho thiếu nhi. Trong đó, một số tác phẩm văn học thiếu nhi của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, Bình Ca, tác giả trẻ Cao Khải An… đã được tôn vinh.

Giải thưởng Sách quốc gia luôn quan tâm tới lĩnh vực sách thiếu nhi. Bởi vậy, khi chấm giải, một trong năm hội đồng sách được thành lập là mảng sách thiếu nhi. Ở mùa thứ tư, Giải thưởng Sách quốc gia đã trao giải cho tác phẩm văn học thiếu nhi Chuyện của anh em nhà Mem và Kya của tác giả Nguyễn Quang Thiều.

Theo nhận định của biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, hiện nay, các nhà xuất bản, công ty phát hành lựa chọn sách thiếu nhi là mảng quan trọng để phát triển văn hóa đọc, lưu giữ niềm yêu thích văn chương. Tuy vậy, bà Thủy cho rằng sáng tác cho thiếu nhi chưa được như kỳ vọng.

“Ta mất cân bằng lớn giữa sách cho thiếu nhi của tác giả trong nước với sách mua bản quyền nước ngoài”, bà Thủy nói.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng sách thiếu nhi nói chung, văn học cho thiếu nhi nói riêng trên thế giới đã đầu tư, phát triển mạnh phần minh họa. Trong khi đó, thị trường xuất bản trong nước chưa chuyển dịch được như vậy.

“Các nhà xuất bản hiện nay gặp khó trong khâu bản thảo. Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi cũng được quan tâm, nhưng ít người say mê viết, minh họa. Chúng tôi thiếu lực lượng sáng tác, trong khi lại tiếp cận sách thiếu nhi nước ngoài dễ dàng”, bà Phượng nói.

Theo giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, chi phí đầu tư tác phẩm trong nước lớn, còn việc mua bản quyền nước ngoài thuận lợi hơn nhiều. Bà Phượng kỳ vọng vào sự đầu tư bài bản, có chiến lược, phát triển đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi.

Những tác phẩm thiếu nhi đáng chú ý của văn học Việt năm 2020

Cùng các tác phẩm lần đầu ra mắt, việc làm mới các sáng tác được bạn đọc nhỏ tuổi nhiều thế hệ yêu thích cũng là điểm đáng chú ý của thị trường sách thiếu nhi trong năm vừa qua.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Văn học thiếu nhi được đầu tư

Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng sau một thời gian bị quên lãng, văn học thiếu nhi đang được đánh thức bởi một số đơn vị và các cây bút tâm huyết.

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm