Từng người một, họ bước ra để kể câu chuyện của mình.
Trẻ em đột nhiên phải mất hai giờ để đến trường và hai giờ nữa để quay về. Những cuộc hẹn hàng tuần với bác sĩ của người về hưu trở thành chuyến đi nửa ngày đầy gian khổ. Công việc kinh doanh của chủ cửa hàng bị tê liệt vì những người đi làm mỗi ngày biến mất, theo New York Times.
Tất cả chỉ vì cầu Hammersmith - cây cầu treo từ thế kỷ 19 nối quận Barnes với phần lớn London - bị ăn mòn nghiêm trọng, phải đóng cửa vào tháng trước do vấn đề an toàn.
“Bây giờ, em cần thức dậy lúc 6h15, mỗi ngày, sáu ngày một tuần”, bé Aston Jenkins, 10 tuổi, cho biết. Câu chuyện này thu hút sự đồng cảm của đám đông tức giận nhưng đang biểu tình một cách cực kỳ lịch sự gần cây cầu.
Biểu tình phản đối việc đóng cửa cầu Hammersmith. Ảnh: New York Times. |
Mặc dù các vấn đề về kết cấu của cầu Hammersmith đặc biệt nghiêm trọng, đây không phải cây cầu duy nhất ở London bị xuống cấp.
Hai cây cầu chính ở trung tâm London - cầu Vauxhall và cầu London - không cho ôtô đi qua vì đang được sửa chữa khẩn cấp. Cầu Tháp London, biểu tượng của thành phố, phải ngưng hoạt động trong hai ngày vào tháng trước sau khi trục trặc máy móc làm cầu không thể hạ xuống.
Tại đám đông biểu tình, Mary Janes, nữ sinh trẻ, khua biểu ngữ với dòng chữ nói lên sự thật không thể tránh khỏi: "Những cây cầu ở London đang sụp đổ!".
Nước Anh không thể xây cầu mới
Philip Englefield - ảo thuật gia chuyên nghiệp sống ở Barnes - chỉ ra rằng khi cầu treo ở Genoa, Italy, bị sập vào năm 2018 khiến 43 người chết, Italy đã cố gắng không mệt mỏi, ngay cả khi phải chiến đấu với Covid-19, để xây dựng cây cầu thay thế. Cây cầu đó được khánh thành vào tháng trước.
"Tại sao chúng ta không thể làm điều đó?", ông Englefield hỏi đám đông. “Không thể tin đây là nước Anh”.
Đó chính là vấn đề. Cầu Hammersmith là phép ẩn dụ cho thấy nước Anh thay đổi sau một thập kỷ thắt lưng buộc bụng về kinh tế, nhiều năm chiến tranh chính trị vì Brexit và nhiều tháng đóng cửa để chống lại Covid-19. Vấn đề cuối cùng trong số đó đã làm tiêu hao quỹ công vốn chịu nhiều áp lực của Anh.
Như những con đường và cây cầu khác ở London, cầu Hammersmith bị bỏ bê trong nhiều thập kỷ. Việc sửa chữa hoàn toàn cây cầu này sẽ tiêu tốn khoảng 187 triệu USD. Đây là số tiền mà cả Hội đồng Hammersmith & Fulham - bên sở hữu cây cầu - cũng như cơ quan giao thông vận tải của London, không có.
Cầu Hammersmith, công trình từ thời Victoria, không cho cả người đi bộ qua lại vì vấn đề an toàn. Ảnh: New York Times. |
Cục Vận tải London - nơi điều hành hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt và một số tuyến đường chính - phải thương lượng khoản cứu trợ gần 2 tỷ bảng Anh (khoảng 2,6 tỷ USD) từ chính phủ để bù đắp doanh thu bị thiếu hụt sau khi lượng hành khách giảm mạnh trong thời gian phong tỏa. Ngoại trừ giờ cao điểm, tàu điện ngầm ở London vẫn giống như những chuyến tàu ma.
Hammersmith đã kêu gọi sự giúp đỡ từ Thủ tướng Anh Boris Johnson. Song, ông Johnson thắng cử bằng việc hứa chi tiền cho các dự án tầm cỡ như đường sắt cao tốc trị giá hơn 130 tỷ USD, chứ không phải cho di tích bằng gang của thời Nữ hoàng Victoria.
Ông Johnson cũng muốn mang lại sự giàu có cho vùng Trung du và phía bắc - hai khu vực đang gặp thách thức về kinh tế của Anh - chứ không phải giải cứu một vùng đất giàu có của London.
“Chính phủ sợ chi tiền vào London vì việc này sẽ đe dọa kế hoạch ‘nâng cấp’ của họ”, Tony Travers, chuyên gia về các vấn đề đô thị tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), nói với New York Times. “Hứa hẹn xây dựng những thứ sáng bóng cho tương lai nghe hấp dẫn hơn việc sửa cầu hay vá đường”.
Việc nghị sĩ Zac Goldsmith thuộc đảng Bảo thủ của ông Johnson - người đại diện cho khu vực bao gồm Barnes - mất ghế trong cuộc bầu cử vừa qua, cũng không giúp ích gì. Ông Goldsmith đã cam kết sửa cây cầu trong chiến dịch tranh cử.
Người kế nhiệm của Goldsmith, Sarah Olney của đảng Dân chủ Tự do, cho biết bà không nhận được bất kỳ câu trả lời nào từ các bộ trưởng cho những lá thư xin giúp đỡ.
London đã tránh được thảm họa
Michael White, cựu biên tập viên chính trị tại tờ Guardian sống ở bờ bắc sông Thames, chỉ ra vấn đề của sự bất đối xứng. Quận Barnes ở bờ nam cần cây cầu hơn quận Hammersmith ở bờ bắc.
Rất nhiều cư dân Barnes băng qua cây cầu này mỗi ngày để đến ga tàu điện ngầm gần nhất. Chiều ngược lại có ít người hơn. Điều này làm hoạt động sửa chữa tốn kém khó chấp nhận với các quan chức ở Hammersmith, khu vực kém giàu có hơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo của Công đảng trong hội đồng - Stephan Cowan - nhấn mạnh rằng Hammersmith sẽ sửa chữa cây cầu nếu tìm được sự hỗ trợ tài chính. Ông cũng nói hội đồng đã ngăn được thảm họa khi thuê kỹ sư đến kiểm tra cây cầu vào năm 2014. Họ đã tìm thấy mạng lưới các vết nứt nhỏ trên bệ đỡ bằng gang của cây cầu, kết quả của nhiều năm bị ăn mòn.
Tháng 4/2019, nhà chức trách ngưng cho ôtô đi qua cây cầu này. Tuy nhiên, người đi bộ và đi xe đạp vẫn được phép qua lại.
Cầu Tháp bắc qua sông Thames bị kẹt, khiến giao thông hỗn loạn ở London vào ngày 22/8. Ảnh: AP. |
Sau đợt nắng nóng gần đây, các vết nứt rộng ra. Vì gang giòn hơn thép, những thay đổi đó làm tăng nguy cơ các bệ đỡ bị vỡ và khiến cây cầu sụp xuống sông Thames. Hội đồng lập tức không cho phép đi lại trên cầu.
“Nếu không xem xét lại cây cầu, tôi tin rằng chúng tôi có thể đã gặp phải một thảm họa”, ông Cowan nói.
Không chỉ phương tiện trên cầu, cơ quan cảng London còn cấm tàu thuyền đi lại bên dưới cầu Hammersmith. Điều đó sẽ làm gián đoạn cuộc đua thuyền hàng năm giữa Đại học Oxford và Cambridge.
Trong thư gửi thủ tướng vào tháng trước, ông Cowan đánh vào ý thức lịch sử của ông Johnson. Sẽ rất “khủng khiếp” nếu để công trình tiên phong về kỹ thuật trong thế kỷ 19 này “sụp xuống sông Thames, ngay trung tâm thủ đô của chúng ta”, ông Cowan viết.
Trên thực tế, thiết kế khác biệt từ lâu đã khiến cây cầu này dễ gặp các vấn đề về kết cấu và chất liệu bằng gang khiến việc sửa chữa khó và tốn kém hơn nhiều, ông Cowan cho biết.
Cây cầu thoát khỏi sự phá hủy trong gang tấc vào năm 1996 khi hai khối chất nổ dẻo của Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) đặt dưới nó không phát nổ. Bốn năm sau, phe khác của IRA phá hủy cầu này bằng một quả bom. Cây cầu phải dừng hoạt động để sửa chữa trong hai năm.
Người dân có thể phải chờ trong khoảng thời gian tương tự hoặc thậm chí lâu hơn. Theo ông Cowan, ngay cả các phương án thay thế tạm thời cũng rất tốn kém.
Việc ổn định cây cầu đủ để người dân và tàu thuyền đi qua sẽ tốn khoảng 60 triệu USD. Một cây cầu tạm cho người đi bộ và đi xe đạp sẽ tốn khoảng 35,5 triệu USD và mất 6-9 tháng để xây dựng.
Trong lúc đó, người dân đề xuất những giải pháp khác, như phà hoặc xe buýt đưa đón.
Với những người lớn tuổi tham gia cuộc biểu tình, sự mong manh của những cây cầu ở London không chỉ đơn thuần như giai điệu trong bài đồng dao nổi tiếng London Bridge is Falling Down. Ông Christopher Morcom - 81 tuổi - kể lại rằng vào năm 1967, doanh nhân người Mỹ Robert McCulloch đã mua lại cây cầu London đổ nát.
Ông McCulloch sau đó tháo dỡ cây cầu và đem nó đến thành phố Lake Havasu, bang Arizona ở Mỹ. Cây cầu đó trở thành một điểm thu hút khách du lịch giữa vùng sa mạc. (Cầu London đang được xây dựng là phiên bản thay thế cho cây cầu từ thế kỷ 19 đó).
Câu chuyện này cho ông Morcom một ý tưởng. “Tôi không biết cây cầu cũ này có thể sửa được hay không”, ông nói và chỉ về phía cầu Hammersmith. "Có lẽ chúng ta nên bán nó cho tổng thống Mỹ".