Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những câu hỏi từ việc ông Miura 'một nách hai con'

Tình trạng ôm đồm công việc có thể khiến ông thầy người Nhật và bóng đá Việt Nam đánh mất mục tiêu quan trọng nhất.

Trong quá khứ, từng có tiền lệ “một nách hai con” không thành công là trường hợp của HLV Phan Thanh Hùng năm 2012.

Lúc đó, HLV người Đà Nẵng vừa phải tất bật với ĐTQG vừa phải bù đầu lo cho ĐT U23. Đã thế, trong bản hợp đồng với VFF, nhà cầm quân của Hà Nội T&T đều bị ràng buộc về thành tích. 

Thế nên, khi bắt tay vào việc, HLV Phan Thanh Hùng chạm đến mức quá tải công việc và không thể tự biến mình thành “siêu nhân” khi lỗi hẹn ở cả hai mục tiêu mà VFF giao phó.

Bây giờ, HLV Miura chẳng khác gì người tiền nhiệm cách đây 3 năm khi ĐTQG và ĐT U23 đều có lịch đá rất gần nhau. 

Trong tháng 5, BĐVN có hai mục tiêu quan trọng: SEA Games và VL World Cup. Đến giờ, chưa có thông tin cho thấy, mục tiêu nào là trọng điểm của chúng ta?

Về mặt tổ chức, một HLV đảm nhiệm cùng một cương vị cho hai đội bóng là một bất cập. Tiếp nữa, cả hai nhiệm vụ của BĐVN đều xuất phát gần như song song, nên việc HLV Miura căng mình trên cả hai chiến trường có thể dẫn đến sự lẫn lộn.

Trao đổi với Zing.vn, nguyên GĐĐH HAGL, Nguyễn Văn Vinh cho rằng, nếu nói HLV Miura không thành công trong phương án “một nách hai con” thì có thể sai. Vì thành tích thể thao không có bất cứ quy chuẩn nào. Có thời điểm, anh làm việc rất tốt nhưng thành tích không có và ngược lại, đôi khi anh làm việc “như chơi” nhưng lại có kết quả khả quan.

Tuy nhiên, việc kiêm nhiệm ở cả hai đội tuyển của HLV Miura – theo ông Vinh - là sự lúng túng của cá nhân ông cũng như VFF. Nhà cầm quân người Nhật sẽ khó đưa ra những kế sách tối ưu một khi phải phân thân cùng thời điểm.

Đây thực sự là câu hỏi hóc búa đối với nhà cầm quân sinh năm 1963. Vài ngày qua, ĐTQG liên tục thử nghiệm các vị trí từ U23 đôn lên. Ý định của HLV Miura rất rõ là tìm những nhân tố tốt, phù hợp nhất cho ĐTQG.

Tuy nhiên, sự điều chuyển này có thể xảy ra tình trạng giẫm chân của không chỉ của ông thầy Nhật mà còn ở cả các cầu thủ. Hiểu nôm na, ĐTQG tập một giáo án riêng và U23 chắc chắn không thể tập giống như “các anh” được.

Các cầu thủ U23 một lúc đóng hai vai sẽ rất khó có sự phân bổ rạch ròi về tư tưởng. Vì khi khoác áo ĐTQG chắc chắn họ không thể đá theo kiểu… ở U23, trong khi việc làm quen với các đồng đội hơn tuổi là một thách thức khác. Chưa hiểu HLV Miura sẽ giải quyết bài toán này như thế nào?

Sự điều chuyển lên xuống như hiện nay còn có thể tạo ra nhưng phản ứng tiêu cực về tinh thần đối với cầu thủ. Một cầu thủ U23 được đôn lên trên, rồi lại bị trả ngược về sẽ có cảm giác thiếu tự tin. Họ sẽ đặt câu hỏi cho chính mình: “Có phải trình độ mình không đáp ứng được nên HLV đã bỏ qua?”. Điều này vô tình ảnh hưởng đến cá nhân cầu thủ (được đôn lên ĐTQG), đồng thời không có lợi cho sự chuẩn bị chung của cả tập thể U23.

Cho nên, trong các giải pháp khắc phục, đây là thời điểm các nhà quản lý cần đưa ra ý kiến. Việc đưa ý kiến ở đây không phải là chuyện can thiệp vào chuyên môn của HLV người Nhật, mà là những đóng góp tầm vĩ mô, dựa trên sự quan sát thực tế và những tiền lệ thất bại đã từng xảy ra trong quá khứ.

Quan trọng nhất, VFF và HLV Miura cần xác định đâu là mục tiêu chính của BĐVN trong năm nay?

HLV Miura vất vả 'một nách hai con'

Từ ngày 9 đến 22/5, nhà cầm quân người Nhật sẽ liên tục chỉ đạo đội tuyển Việt Nam và U23 quốc gia thi đấu tổng cộng 5 trận trước khi bước vào tranh tài ở 2 giải đấu.

Bảo Thắng

Bạn có thể quan tâm