Tại Việt Nam, dịch bệnh bùng phát trở lại cận Tết Nguyên đán đã khiến mùa phim Việt Tết Tân Sửu thất thu, các tựa phim đồng loạt lùi lịch phát hành. Trong khi ấy, tại Trung Quốc, Tân Sửu 2021 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của dòng phim Tết.
Bất chấp hoàn cảnh khác biệt, điểm chung của thị trường điện ảnh Trung Quốc và Việt Nam ba tháng đầu năm 2021 chính là sự lên ngôi của các bộ phim có yếu tố tình cảm gia đình, gồm Bố già và Xin chào, Lý Hoán Anh.
Tác phẩm với doanh thu triệu USD
Ngày 9/3, CGTN đưa tin bộ phim hài có yếu tố du hành thời gian Xin chào, Lý Hoán Anh tiếp tục càn quét phòng vé Trung Quốc. Theo thống kê của nền tảng bán vé trực tuyến Maoyan, từ ngày 1/3 tới 7/3, tác phẩm của đạo diễn Giả Linh đã thu thêm 266,9 triệu NDT (tương đương 40,92 triệu USD).
Xin chào, Lý Hoán Anh là bộ phim Trung Quốc do đạo diễn nữ thực hiện có doanh thu cao nhất lịch sử. Ảnh: QQ. |
Tới nay, Xin chào, Lý Hoán Anh đã giữ ngôi đầu phòng vé Trung Quốc liên tiếp trong bốn tuần, với tổng doanh thu khoảng 5,13 tỷ NDT (786,5 triệu USD). Thành tích giúp bộ phim vượt qua Na Tra: Ma đồng giáng thế (2019), trở thành phim Trung Quốc có doanh thu cao thứ hai mọi thời đại.
Tại phòng vé Việt Nam, lịch sử cũng vừa gọi tên bộ phim hài, gia đình Bố già của Trấn Thành. Theo công bố chính thức từ nhà phát hành, tính tới 16h30 chiều 9/3, Bố già đã cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng (khoảng 4,3 triệu USD) sau chưa đầy 4 ngày chiếu sớm.
Thành tích trên khiến Bố già trở thành tác phẩm Việt đạt doanh thu 100 tỷ đồng nhanh nhất. Cũng nhờ Bố già, Trấn Thành trở thành nam diễn viên góp mặt trong hai phim Tết đạt doanh thu 100 tỷ đồng. Năm 2019, bộ phim Cua lại vợ bầu anh đóng cặp với Ninh Dương Lan Ngọc đã xuất sắc cán mốc 191,8 tỷ đồng sau mùa phim Tết Kỷ Hợi.
Những bộ phim gia đình lấy nước mắt khán giả
Nhân vật chính trong Xin chào, Lý Hoán Anh là Giả Hiểu Linh (Giả Linh). Mẹ Giả Hiểu Linh không may qua đời trong một tai nạn giao thông năm 2001. Mang theo nỗi ăn năn không thể chăm sóc mẹ, cô đã xuyên không về năm 1981 để gặp bà.
Tại đây, Giả Hiểu Linh tìm cách giúp mẹ - khi ấy còn là cô thiếu nữ Lý Hoán Anh (Trương Tiểu Phi) - có được tương lai tươi sáng hơn. Một trong những nỗ lực của cô là ghép đôi Lý Hoán Anh với người đàn ông giàu có khác không phải cha mình.
The Guardian dẫn lời đạo diễn Giả Linh trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc về tác phẩm: "Tình yêu mẹ dành cho chúng ta giống như không khí bao bọc lấy ta từ ngày lọt lòng. Thế nên, đôi khi ta thường quên mất nó. Nhưng khi mất đi rồi, ta mới cảm thấy nuối tiếc và bất lực".
Dù bộ phim xoay quanh nỗi đau của một người con mất mẹ, Giả Linh vẫn mong khán giả hãy tận hưởng tinh thần lạc quan cũng như tình mẫu tử ngọt ngào thể hiện trong tác phẩm thay vì đặt nặng khía cạnh mất mát.
Bố già chứng minh năng lực của Trấn Thành khi đảm nhận các vai bi kịch. Ảnh: Galaxy. |
Tương tự Xin chào, Lý Hoán Anh - được phát triển từ vở kịch do chính đạo diễn Giả Linh dàn dựng năm 2016 - phim điện ảnh Bố già của Trấn Thành dựa trên nội dung web drama cùng tên ra mắt năm 2020.
Bộ phim xoay quanh cuộc đời của Ba Sang (Trấn Thành), một người đàn ông trung niên làm nghề lao động chân tay sống trong con hẻm nhỏ giữa Sài Gòn. Ba Sang có một con trai tên Woắn và con gái nuôi đang tuổi đi học tên Bù Tọt.
Trong khi người đàn ông lam lũ sống chắt chiu, nhịn nhục cả cuộc đời để dành cho con tương lai yên ấm, Woắn lại suy nghĩ điều ngược lại. Anh muốn tách cha khỏi những người họ hàng tai quái, để ông được sống trọn vẹn cho chính mình trong thực tại.
Khác biệt trong quan điểm sống khiến ông Ba Sang và con trai liên tục cãi vã, tới mức giận dỗi, không nhìn mặt nhau. Đến lúc đối mặt với chuyện sinh tử đời người, hai cha con vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung.
Bộ phim của Trấn Thành được nhận xét tiến bộ so với web drama trước đó. Diễn xuất của các nghệ sĩ, đặc biệt là Trấn Thành và Tuấn Trần trong vai hai cha con, đều tròn trịa. Câu chuyện trong phim có được sự giản dị, tự nhiên của đời sống nhưng cũng thấm thía, sâu xa.
Cả Xin chào, Lý Hoán Anh và Bố già đều là những bộ phim thành công trong việc mang lại tiếng cười và lấy đi nước mắt của khán giả. Không chỉ là những "bom tấn" doanh thu, hai tựa phim còn mang lại những bài học nhân sinh, những câu chuyện cảm động về gia đình.
Ai cũng thấy mình trong đó
Sức lan tỏa mạnh mẽ của Xin chào, Lý Hoán Anh và Bố già đến từ việc hai tác phẩm đã chạm tới vùng cảm xúc mong manh nhất trong trái tim người xem. Chúng là câu chuyện khán giả muốn được nghe, đồng thời nói thay họ những điều còn ấp ủ.
Như nhân vật Woắn đã nói, trước khi là cha là mẹ, ai cũng từng là con. Trước khi thấu hiểu và cảm thông cho đấng sinh thành, ai cũng từng có thời trách hờn cha mẹ. Nhưng cơ hội sửa sai lại không dành cho tất cả.
Chia sẻ với Beijing News, nữ đạo diễn Giả Linh cho biết mẹ cô gặp tai nạn lao động và đột ngột qua đời khi con gái đang đi học xa. Hai mẹ con không có cơ hội nhìn nhau lần cuối. Nỗi đau mất mẹ, và sự day dứt khi không thể báo hiếu cho bà đã hối thúc Giả Linh sáng tác vở kịch Xin chào, Lý Hoán Anh - tiền đề của bộ phim ăn khách sau này. Nữ đạo diễn đã đưa nhiều chi tiết có thật từ cuộc đời mẹ vào các tác phẩm.
Có thể nói, Xin chào, Lý Hoán Anh là một tác phẩm mang tính chữa lành. Nó vẽ nên cuộc đời Giả Linh và mẹ ở một thế giới song song, nơi tất cả những dở dang, lầm lỡ đều được sửa chữa. Cô con gái đồng hành với mẹ suốt cuộc đời. Còn người mẹ cũng được thấy những chắt chiu, vun vén suốt cuộc đời mình kết thành trái ngọt.
Cô con gái ngoài đời thực dồn tâm huyết vào tác phẩm vinh danh người mẹ quá cố, còn cô con gái trên phim kịp khoe với mẹ thành quả kết tinh từ thương yêu ấy. Đó là một cuộc chạy tiếp sức từ cuộc đời lên màn ảnh mà bất cứ khán giả nào cũng đồng cảm và muốn dự phần.
Cha con Ba Sang trên phim là cặp nhân vật gây được sự đồng cảm với khán giả. Ảnh: Galaxy. |
Ngược lại, nội dung Bố già không mang nhiều bi kịch cá nhân như Xin chào, Lý Hoán Anh. Nhưng vì mang tính phổ quát, nên phim của Trấn Thành ghi điểm vì khán giả nào xem phim cũng nhìn thấy một phần của mình trong đó.
Trong văn hóa Á Đông, hình ảnh người cha thường gắn với tính gia trưởng, xa cách mà ít có được sự tình cảm, mềm mỏng như mẹ. Cha và con trai, khi cả hai đã ở tuổi trưởng thành, lại càng khó tìm được tiếng nói chung.
Ba Sang của Trấn Thành là nhân vật mang tính biểu tượng, tổng hợp từ hình ảnh hàng triệu người cha. Ông có gàn dở, có bao đồng, có quạu cọ, có áp đặt... nhưng lúc nào cũng ăm ắp tình thương yêu, sự bao dung và lòng vị tha.
Mâu thuẫn của cha con Ba Sang có thể là tranh cãi thường xuyên nổ ra trong nhiều gia đình, những gì Woắn nghĩ cũng là nỗi lòng của hàng triệu người con. Nhưng những gì cậu con trai ấy nói trên phim lại là lời không phải ai cũng đủ dũng khí cất lên.
Mong cha sống thảnh thơi tuổi già, đừng quá để tâm miệng lưỡi thế gian, hy vọng ông hãy mở lòng đón nhận sự chăm sóc của con cái... đều là những điều nghĩ thì dễ, nhưng đạt được lại quá khó khăn. Woắn là nhân vật nói thay tiếng lòng của hàng triệu người con.
Khán giả xem Bố già không chỉ để tìm kiếm tiếng cười hay giọt nước mắt. Họ còn xem phim để thấy hình ảnh bản thân phản chiếu trong chuyện đời từng nhân vật cũng như tìm kiếm sự đồng cảm cho những nỗi niềm riêng.
Xin chào, Lý Hoán Anh kết thúc bằng lời bạt: "Trong trí nhớ tôi, mẹ là người phụ nữ trung niên. Tôi quên mất mẹ cũng từng là cô gái ngây thơ với bao mơ mộng". Bố già của Trấn Thành nhấn mạnh thông điệp thời gian của chúng ta còn dài, nhưng cha mẹ thì không.
Cả hai tác phẩm đều dẫn dắt khán giả tới chỗ giác ngộ hãy quan tâm và dành thời gian cho cha mẹ khi họ còn ở bên ta trên đời này. Nhận thức về sự hữu hạn thời gian thôi thúc con cái gắn hơn với cha mẹ đối lập với cách biệt thế hệ không dễ gì vượt qua chính là mâu thuẫn kinh điển lôi kéo đông đảo người xem đến với Xin chào, Lý Hoán Anh và Bố già để tìm kiếm sự đồng cảm cũng như sẻ chia.