Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Bố già’ của Trấn Thành có giống phim truyền hình?

“Bố già” của Trấn Thành gần gũi, chỉn chu, nhưng chưa xuất sắc. Tác phẩm mang hơi hướm phim truyền hình do mạch truyện lê thê, lấy lời thoại làm trọng tâm.

Phân tích

Bo gia giong phim truyen hinh anh 1

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Trước khi mang Bố già ra rạp, Trấn Thành đã có web drama cùng tên, đăng tải trên mạng vào đầu năm 2020. Trong bối cảnh không ít web drama dễ dãi về nội dung và thảm họa về chất lượng, 5 tập Bố già của nam nghệ sĩ được nhiều khán giả đón nhận.

Thành công của phim trực tuyến Bố già được cho là lý do để Trấn Thành đầu tư hơn 20 tỷ đồng thực hiện phiên bản điện ảnh. Dàn diễn viên được giữ nguyên, nhưng nội dung, tuyến nhân vật được xây dựng mới. Trấn Thành bắt tay với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với quyết tâm thực hiện một tác phẩm điện ảnh chỉn chu.

Bản điện ảnh phát triển từ web drama

Bố già với thời lượng 128 phút là câu chuyện về ông Sang (Trấn Thành) “gà trống nuôi con”. Cha con ông Sang sống trong một con hẻm chật chội và ngập nước ở TP.HCM. Nhưng bù lại, xung quanh toàn tình thân, cách mấy bước chân là nhà chị gái ông Sang, mấy bước nữa là em trai và em dâu, chưa kể một ông em út “vô công rỗi nghề”, ngày ngày nợ nần và say xỉn.

Bố già đúng nghĩa một bộ phim gia đình. Gia đình nhỏ lại được đặt trong một gia đình lớn hơn. Và xung đột, mâu thuẫn chính giữa các nhân vật không nằm ngoài mô-típ thường thấy của dòng phim này: khoảng cách và góc nhìn thế hệ.

Tác phẩm của Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng rất gần gũi với số đông khán giả, đặc biệt là khán giả Nam Bộ. Phim chạm vào tình tự muôn thuở của con người là "máu mủ ruột rà", "nước mắt chảy xuôi". Phim cũng mang màu sắc rất Việt Nam, như phân đoạn "chặn ngõ làm tiệc".

Bo gia giong phim truyen hinh anh 2

Bố già của Trấn Thành thu 100 tỷ đồng chỉ sau bốn ngày trình chiếu.

Nhiều tình tiết khai thác ở phim Bố già, khán giả đã bắt gặp nhiều lần, đặc biệt ở thể loại phim truyền hình những năm gần đây.

Ở mảng phim truyền hình Việt, công chúng không thiếu những bộ phim lấy đề tài gia đình, trong đó hình ảnh tảo tần và sự hy sinh của người cha, về chuyện xấu tốt của họ hàng làng xóm, về “bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn” huống hồ là anh em trong gia đình.

Phim truyền hình Việt cũng có nhiều tác phẩm xoáy sâu vào mâu thuẫn giữa các thế hệ, chiếc quần hàng hiệu con cái mua với giá đắt đỏ, cha mẹ lại coi là đồ rách nát, bỏ đi; lớp trẻ vui vẻ vì kiếm được tiền bằng livestream, bán đồ trên mạng, người lớn lại nghĩ rằng đó là việc vô bổ, bấp bênh, thiếu ổn định.

Hình tượng "bố già" của Trấn Thành thuần Việt, gần gũi, dễ xem dễ cảm, dễ chạm được đến tình cảm khán giả. Song, bên cạnh sự gần gũi, còn phảng phất sự quen thuộc mà khán giả đã bắt gặp ở đâu đó trong những bộ phim đã xem trước đây.

Có lẽ, ở ông Ba Sang có chút gì đó giống ông Sơn (Về nhà đi con), ông Lâm (Khi đàn ông góa vợ bật khóc) hay ông Phương (Trở về giữa yêu thương)... Chỉ là, ông Ba Sang nói nhiều hơn, hài hước hơn, đúng theo cách hóa thân của Trấn Thành và "rất Trấn Thành".

Bố già là bản điện ảnh lấy cảm hứng từ web drama trước đó. Ở đó, Trấn Thành cũng phải hóa trang cho già đi để đóng vai người cha, Tuấn Trần cũng đảm nhận nhân vật người con. Cả hai cũng có nhiều mâu thuẫn thế hệ, khó tìm thấy tiếng nói chung, nhưng cuối cùng thấy được tình thương đồng điệu sau những biến cố.

Cao trào kiểu truyền hình

Kịch bản của Bố già được xây dựng theo cấu trúc ba hồi. Đây là cấu trúc truyền thống và kinh điển của Hollywood cổ điển, được áp dụng phổ biến đến ngày nay. So với những cấu trúc như bốn hồi, năm hồi hay cấu trúc đảo ngược, cấu trúc ba hồi được đánh giá là dễ xem hơn.

Hồi một của phim Bố già thiết lập câu chuyện về gia đình và các mối quan hệ xung quanh nhân vật Ba Sang. Hồi hai tập trung vào những xung đột và đối đầu giữa các nhân vật, các thế hệ. Và hồi cuối là giải quyết, kết thúc xung đột.

Phục vụ cho cấu trúc này, mỗi hồi của Bố già có ít nhất một biến cố (cao trào, nút thắt). Tuy nhiên, điểm đáng tiếc là biến cố trong Bố già không mang đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh.

Một nhân vật say xỉn sau đó gây bị thương cho người khác không mới. Một nhân vật bí ẩn bất ngờ xuất hiện mang đến một bí mật cũng là cách xây dựng tình tiết đã cũ. Đặc biệt, biến cố một nhân vật mắc trọng bệnh cũng đã được nhiều phim truyền hình sử dụng, nhất là trong dòng phim về tình yêu, gia đình. Và cuối cùng, sau những mất mát, bao giờ giá trị của yêu thương lên ngôi.

Ngoài biến cố, hạn chế khác của kịch bản Bố già còn nằm ở việc nội dung hồi một, hồi hai không xuất sắc, chủ yếu tập trung vào hài, gây cười.

Câu chuyện showbiz liên quan đến cậu con trai tỏ ra lỗi thời trong góc nhìn về giới giải trí. Vì hồi này không đảm bảo được tính phát triển nên mạch phim bỗng trở nên lê thê, dài dòng.

Do đó, Bố già cũng có thể được xếp vào nhóm phim hai hồi. Theo nhà nghiên cứu kịch bản điện ảnh Ray Frensham, hai hồi là cấu trúc thường thấy ở phim truyền hình hoặc sitcom 30 phút.

Ít thủ pháp điện ảnh

Hình ảnh là nhân tố đầu tiên và cơ bản nhất của ngôn ngữ điện ảnh. Song, nếu theo dõi Bố già, nhiều ý kiến cho rằng đặc trưng và linh hồn của bộ phim nằm ở thoại. Thoại phim rất nhiều, rất đời, như vợ chồng thậm chí có thể xưng "mày - tao" và cha con có thể xưng "ba - tui".

Trong cuốn Teach Yourself Screenwriting, nhà nghiên cứu điện ảnh Ray Frensham nói rõ những khác biệt giữa thoại phim truyền hình và phim điện ảnh. Theo đó, thoại của điện ảnh luôn phải đi kèm với hình ảnh, thậm chí đặt sau hình ảnh để “chia sẻ nhiệm vụ truyền tải câu chuyện và hành động”, trong khi thoại phim truyền hình “có xu hướng dẫn dắt câu chuyện và hành động”.

Một đạo diễn từng ví von rằng trong điện ảnh, để mô tả cảnh sát thương, một nhân vật chỉ cầm con dao lên và đối phương gục xuống. Nhưng cũng chi tiết này, phim truyền hình có thể cho nhân vật thoại: “Con dao đâu? Tôi phải đi tìm con dao”.

Bố già của Trấn Thành có quá nhiều thoại. Thoại dẫn dắt cảm xúc người xem, đôi khi còn cùng với âm nhạc mang tính "mồi" nước mắt khán giả.

Nhân vật ông Sang thoại nhiều. Với một người cha, đôi khi chỉ cần vỗ vai “về nhà đi con” đã đủ ấm lòng và khiến người xem rơi nước mắt. Hình tượng người cha trên màn ảnh cũng như ở đời thường không cần phải nói ra miệng nhiều lần rằng “tui thương nó mà”.

Sự yêu thương của một người đàn ông đã đi qua biết bao giông bão, đôi khi, thể hiện bằng hành động sẽ đắt giá hơn lời nói. Thậm chí, tình yêu thương của người đàn ông còn được thể hiện bằng sự tĩnh lặng.

Bo gia giong phim truyen hinh anh 4

Vì các nhân vật nói nhiều và chuyện phim lại đặt trong bối cảnh xóm lao động, Bố già trở thành tác phẩm có phần ồn ào. Phim thiếu sự tinh tế về chi tiết hay tính montage (thủ pháp dựng) của điện ảnh.

Ở web drama Bố già từng có chi tiết rất hay. Đó là cảnh ông chồng (Trấn Thành) mua một chiếc cặp tóc để tặng vợ (Lê Giang). Trong bữa tối, khi ông đang đưa tay vào túi quần để lấy ra chiếc cặp, thì nhận ra vợ mình đã cắt tóc đem bán để cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Đáng tiếc là Bố già bản điện ảnh, ngoài những câu thoại, không có những cảnh nói ít mà toát lên nhiều điều, giống như vậy.

Diễn xuất tiến bộ của Tuấn Trần trong 'Bố già'

Gây ấn tượng với vai con trai Trấn Thành trong web-drama, Tuấn Trần trở lại thân phận quý tử của “Bố già” bản điện ảnh, mang tâm lý nhân vật thay đổi không ngừng.

‘Bố già’: Những mảnh ghép đời thường của Trấn Thành

Trấn Thành cùng các cộng sự sử dụng tốt chất liệu đời thường để xây dựng nên bộ phim giàu cảm xúc về những vấn đề giản dị.

'Bố già' của Trấn Thành thu 100 tỷ đồng sau 4 ngày

Sau 4 ngày phát hành, phim điện ảnh mới nhất của Trấn Thành chính thức gia nhập "câu lạc bộ trăm tỷ đồng".

'Gái già' và 'Bố già' - phim nào đậm chất ngôn ngữ điện ảnh?

Hai tác phẩm cùng thuộc nhóm phim chính kịch, tâm lý đan xen với hài hước, cùng nói về gia đình. Nhưng phim nào mới thực là ngôn ngữ điện ảnh?

Vì sao ‘Bố già’ bỏ xa ‘Gái già’ ở phòng vé?

Câu chuyện gần gũi đại chúng, tên tuổi cùng hoạt động quảng bá hiệu quả của Trấn Thành, tất cả giúp “Bố già” hoàn toàn áp đảo đối thủ.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm