Biên giới Mỹ - Mexico
Biên giới Mỹ - Mexico. |
Biên giới Mỹ - Mexico là một hệ thống hàng rào được xây dựng trong một chuỗi chiến dịch của Mỹ nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập biên giới bất hợp pháp. Nó bao gồm những chiếc camera, radar và cảm biến dùng để chống buôn lậu cũng như các hoạt động liên quan đến ma túy.
Ngay từ ban đầu, kế hoạch xây dựng đã gây tranh cãi ở Mỹ. Ở nhiều nơi, hàng rào này không được xây liền mạch. Nhiều người cáo buộc chính phủ đã cho phép những người giàu có hay có quan hệ chính trị được chỉ đạo xây rào như thế nào qua cơ ngơi của họ, trong khi người nghèo chứng kiến nhà của họ bị phá hủy vì bức rào này.
Chi phí dĩ nhiên rất cao và lấy từ tiền đóng thuế của người dân. Không những thế, nó còn chia cắt các tộc người da đỏ ở biên giới.
Những người khác phàn nàn bức rào chẳng có mấy ý nghĩa trong việc ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và thậm chí còn khiến nhiều người chết vì cố gắng vượt qua nó bằng những biện pháp phức tạp. Gần như ngay lập tức, số người chết gia tăng mạnh khi người nhập cư tìm cách băng qua biên giới ở Arizona.
Bên cạnh đó, người ta cũng lo ngại về ảnh hưởng môi trường của hàng rào. Trên thực tế, Bộ An ninh Nội địa đã phớt lờ các bộ luật môi trường và quản lý đất đai lâu đời, trong đó có cả luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng và Luật chính sách môi trường quốc gia.
Tuy nhiên, hàng rào này vẫn có tác dụng nhất định trong việc ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp. Chẳng hạn, trong năm 2007, chỉ 153.000 vụ vượt biên thành công, giảm xuống từ 600.000 vụ đầu những năm 1990. Lính biên phòng cũng đã phát hiện và phá hủy các đường ngầm buôn lậu dọc biên giới, với hơn 170 vụ kể từ đầu những năm 1990.
Hàng rào Uzbekistan - Afghanistan
Hàng rào giữa Uzbekistan và Afghanistan gồm hai lớp dây thép gai được lính có vũ trang tuần tra và được bảo vệ bởi địa lôi trên toàn bộ biên giới.
Hàng rào thép gai và cây cầu Hữu nghị giữa Uzbekistan và Afghanistan. |
Đây là một trong những khu biên giới được canh gác nghiêm ngặt nhất toàn cầu, với cách duy nhất để đi qua là trên một cây cầu nối hai nước. Hàng rào này bắt đầu được truyền thông để ý đến vào năm 2001, sau một cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan gây ra.
Biên giới vốn bị đóng cửa khi Taliban lên nắm quyền ở miền Bắc Afghanistan. Chỉ vài ngày sau cuộc tấn công ngày 11/9, khi Mỹ tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm vào Taliban, Uzbekistan đã thay thế hàng rào cũ bằng một hàng rào điện mới cao hơn nhằm ngăn người tị nạn Afghanistan tràn vào nước này. Cây cầu nối được Liên Xô xây dựng vào năm 1986 để vận chuyển vũ khí và đạn dược vào Afghanistan trong thời gian xảy ra cuộc nội chiến ở quốc gia Nam Á.
Trong cuộc khủng hoảng nhân đạo đầu những năm 2000, cây cầu mang tên Hữu nghị dài 135 m này đã được mở cửa trở lại vào ngày 9/12/2001 sau gần 5 năm, nhờ những nỗ lực chính trị nhằm đưa viện trợ đến cho người dân Afghanistan trước khi nạn đói nổ ra.
Bức tường ở Bờ Tây của Israel
Bức tường Bờ Tây hiện có độ dài 670 km, được dựng lên ở nhiều nơi trong lãnh thổ Palestine. Các ước tính cho rằng 10% đất Bờ Tây nằm ở phần bên phía Israel của bức tường an ninh này. Phần lớn nó làm bằng bê tông với một mạng lưới dây thép gai cao 5 m.
Một đoạn bức tường an ninh ở Bờ Tây với hình vẽ graffiti. |
Một số khu vực - chủ yếu những nơi nhìn ra đường cao tốc và một số cộng đồng dân cư, kể cả nhiều phần của Jerusalem - có tường cao tới 8 m bên cạnh các tháp canh. Công việc xây dựng được khởi động từ năm 2002, với mục đích ngăn cản những kẻ đánh bom liều chết Palestine nhằm vào Israel.
Theo Bộ Ngoại giao Israel, trong năm 2002, đã có 220 người chết vì các vụ đánh bom. Năm 2003, với bức tường được hoàn thành một phần, số người chết đã giảm một nửa, và sau một năm, con số đó lại giảm tiếp 1/2. Tới năm 2007, chỉ có 3 người thiệt mạng và bắt đầu từ năm 2010, không có cái chết nào được ghi nhận. Điều đó chứng tỏ bức tường an ninh đã phát huy tác dụng.
Năm 2004, Tòa án công lý quốc tế đã đề nghị Liên hợp quốc điều tra bức tường vì họ cho rằng nó không hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc này mang động cơ chính trị vì không đề cập gì đến lý do Israel phải xây dựng bức tường trong khi lại nhấn mạnh những phàn nàn của Palestine.
Họ còn cho rằng xung đột giữa hai nước tốt nhất nên được giải quyết bằng đàm phán song phương. Bất chấp điều này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu và kết quả là 150 - 6 nghiêng về phía lên án bức tường. Toàn bộ 25 thành viên EU đều bỏ phiếu chống lại Israel.
Về phần người Palestine, bức tường này đã khiến họ gặp vô vàn điều phiền toái. Để đi lại trong khu vực và ra ngoài, họ cần hộ chiếu và giấy phép. Trong khi đó, Israel thậm chí đã lập nên một tòa án để nghe những lời kêu ca của người Palestine.
Năm 2004, tòa án này tuyên bố rằng những phàn nàn của người Palestine là có cơ sở và bức tường đã phải đổi hướng xung quanh Jerusalem vì lí do nhân đạo. Nhiều quyết định khác tương tự cũng đã được đưa ra trong nhiều năm qua.