Hàng rào ở Cyprus. |
Hàng rào chia cắt Cyprus
Đảo quốc Cyprus được biết đến là nơi hai cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người gốc Hy Lạp có nhiều mâu thuẫn. Tháng 7/1974, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng cuộc đảo chính thất bại của người Cyprus gốc Hy Lạp làm cái cớ để phát động một chiến dịch gìn giữ hòa bình, chiếm đóng khoảng 8% diện tích đất nước này.
Sau khi cuộc đảo chính bị phá tan, các lực lượng Thổ tiến vào vùng ranh giới ngừng bắn của Cyprus (được lập nên năm 1964) và lấy thêm 37% đất đai của hòn đảo, dựng nên tại khu vực đó (gọi là Ranh giới Xanh) một hàng rào cấm băng qua vào năm 1983.Hàng rào này cắt Cyprus làm đôi, tách nước Cộng hòa Cyprus với cái mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ” (không được nước nào trong Liên Hợp Quốc công nhận, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ). Hàng rào này đã làm xuất hiện sự chia cắt về sắc tộc, khiến nhiều người dân buộc phải di dời. Hai trăm nghìn người Cyprus gốc Hy Lạp đã bị trục xuất khỏi miền bắc (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), còn 60.000 người gốc Thổ bị đuổi khỏi miền nam.
Hàng rào này gồm một vùng đệm, dây thép gai, tháp canh, hào sâu, bãi mìn và các đoạn tường bê tông. Đây chính là một phần dẫn đến căng thẳng ngày càng tăng giữa hai cộng đồng. Tuy nhiên, gần đây tình hình đã có phần dịu đi. Sau 30 năm trong chính sách không cho phép đi qua hàng rào, ngày nay người ta đã có thể thực hiện điều đó.
Bức tường thép Gaza - Ai Cập
Năm 2009, Ai Cập bắt đầu xây dựng một bức tường dọc biên giới với Dải Gaza nhằm làm giảm số vụ buôn lậu qua đường hầm, trong đó có các vụ buôn bán vũ khí và chất nổ.
Biên giới Ai Cập - Gaza. |
Khi được hoàn thành, bức tường dự kiến kéo dài 9 - 11 km. Nó được làm bằng thép và sâu 18 m dưới lòng đất. Nhiều phần của nó được trang bị các cảm biến và vòi nước dùng để bơm nước biển vào các đường hầm. Về cơ bản, trong quá trình xây dựng, bức tường đã làm sập nhiều đường hầm.
Lực lượng Hamas gọi nó là bức tường chết vì sợ rằng nó sẽ củng cố hơn nữa sự phong tỏa Palestine. Họ đã đề nghị Ai Cập ngừng công việc xây dựng. Tất nhiên, điều đó không có gì ngạc nhiên vì tổ chức này vẫn được nhận khí tài hay vật liệu xây dựng thông qua các đường hầm, và còn thu 2.500 USD mỗi năm của những ai muốn sử dụng chúng.
Tuy thế, việc xây dựng bức tường cũng đã phải ngừng lại sau đó tái khởi động một vài lần. Cộng đồng quốc tế không ủng hộ hành động của Ai Cập. Nhiều cuộc biểu tình cả hòa bình lẫn bạo lực đã nổ ra kể từ khi một nhân viên an ninh Ai Cập bị sát hại tại đây năm 2010. Cùng năm, tổ chức Mặt trận Hành động Hồi giáo của Jordan cũng ra một sắc lệnh Hồi giáo phản đối việc xây dựng bức tường này. Vì đi qua thành phố Rafah của Palestine và ngăn cản việc đi lại tự do trong thành phố, nó được gọi là bức tường ngăn cách.
Những người chỉ trích cho rằng các đường hầm đóng vai trò là tuyến đường huyết mạch để cung cấp thực phẩm và hỗ trợ y tế cho Gaza, và như vậy, nó có giá trị lớn hơn nhiều so với những gì mang lại cho những kẻ khủng bố hay tội phạm ở Gaza.
Các đường hầm này không chỉ có Hamas sử dụng và hưởng lợi. Các nhóm khủng bố/cực đoan cũng như giới tội phạm giàu có ở Gaza và bán đảo Sinai đều đã tận dụng chúng. Ai Cập từng làm ngơ với các đường hầm này, nhưng sau một loạt vụ tấn công khủng bố, họ kết luận rằng đã đến lúc phải hành động.
Hàng rào Kuwait - Iraq
Sau khi cuộc tấn công Kuwait của Iraq năm 1990 và Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất diễn ra, Liên Hợp Quốc đã thiết lập một vùng phi quân sự giữa hai quốc gia này. Năm 1993, Kuwait khởi công xây dựng một hàng rào biên giới dài 193 km, được Phái bộ Quan sát Iraq - Kuwait Liên Hợp Quốc giám sát.
Bản đồ Kuwait mô tả hàng rào với Iraq. |
Phiên bản đầu tiên của nó là một hệ thống rào chắn và hào, cộng với hơn một triệu địa lôi. Nhiều trong số những quả mìn này được tái sử dụng, vì chúng đã được Iraq chôn trong cuộc chiến năm 1990. Sau đó, năm 2004, Kuwait tuyên bố dựng thêm tường sắt dọc biên giới. Không lâu sau, người Iraq nói rằng hàng rào này đã phá hỏng đất đai của họ, và thế là việc xây dựng phải tạm ngừng.
Năm 2005, tranh cãi lớn đã nổ ra khi dưới sự hướng dẫn của Mỹ, Kuwait đã cho cắt các ô trống trên hàng rào ở những chỗ đã được Lính thủy đánh bộ Mỹ đánh dấu để có thể tiến vào Iraq, một số chỗ còn đủ lớn để xe tăng đi qua. Liên Hợp Quốc đã cáo buộc Mỹ vi phạm quy định của Liên Hợp Quốc là không sử dụng hành động quân sự ở khu phi quân sự, nhưng Mỹ không quan tâm. Mỹ đã xâm lược Iraq ngay sau đó.
Kuwait và Iraq đã đối đầu với nhau trong một thời gian dài, dù bề ngoài vẫn có sự hợp tác, từ khi Kuwait độc lập năm 1963. Tổng thống Saddam Hussein luôn cho rằng Kuwait là một phần của Iraq, và việc chia cắt bằng một hàng rào là một hành động phi pháp. Rất nhiều người ở Iraq cũng tin vào điều đó, và với vô số vấn đề rắc rối trong khu vực, không rõ liệu hàng rào ngăn cách này sẽ còn đi tới đâu.