Hôm 20/1, ông Donald Trump đã chính thức rời nhiệm sở. Tờ Politico nhận xét cách ông rời đi giống như khi ông đến thủ đô Washington: không tuân theo truyền thống, luật lệ và hành xử theo ý thích riêng.
Cụ thể, ông Donald Trump không có bài phát biểu kết thúc nhiệm kỳ, cũng không tham gia các buổi họp báo hay trả lời phỏng vấn nhằm tổng kết hoạt động trong 4 năm qua. Ông bỏ qua lễ nhậm chức của tân tổng thống, tổ chức lễ chia tay riêng rồi bay tới khu nghỉ dưỡng ở bang Florida.
Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1. Ảnh: AP. |
Dù vậy, ông Trump vẫn thực hiện một nghi lễ truyền thống sau khi được nhiều quan chức thân cận thúc giục. Theo cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere, ông đã để lại một bức thư tại Phòng Bầu dục cho người kế nhiệm, Tổng thống Joe Biden.
Chia sẻ với báo giới tối 20/1, ông Biden cho biết đây là một bức thư “rất tử tế”. Song tân tổng thống nói nội dung thư là riêng tư và ông sẽ không công bố cho đến khi được gặp trực tiếp ông Trump.
Sau khi rời nhiệm sở, các tổng thống Mỹ thường để lại một bức thư cho người kế nhiệm. Đây là truyền thống có từ hơn 30 năm trước.
Thư gửi các tổng thống Mỹ
Trước khi rời Phòng Bầu dục vào ngày 20/1/1989, cựu Tổng thống Ronald Reagan đã lấy một tấm thiệp và viết vài lời cho người kế nhiệm kiêm cấp phó của ông, George W. Bush. Mẩu thiệp này sau đó đã được công bố:
“George thân mến,
Sẽ có những lúc ông muốn sử dụng mẩu thiệp này. Hãy cứ làm vậy đi.
George, tôi trân trọng những kỷ niệm chúng ta đã có. Tôi chúc ông mọi điều tốt đẹp nhất và tôi luôn cầu nguyện cho ông. Chúa phù hộ ông và Barbara. Tôi sẽ nhớ những bữa trưa ngày thứ năm của chúng ta.
Ron”.
Các tổng thống Mỹ trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ảnh: AP. |
Sau một nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 4 năm, cựu Tổng thống George W. Bush cũng phải chuyển giao quyền lực. Điểm khác biệt là người kế nhiệm của ông thuộc đảng đối thủ. Dù vậy, ông Bush vẫn viết một lá thư tử tế cho tân tổng thống lúc bấy giờ, ông Bill Clinton.
“Bill thân mến,
Đến bây giờ, khi bước vào văn phòng này, tôi vẫn cảm thấy kinh ngạc và tôn trọng như cảm xúc của bốn năm trước. Tôi biết ông cũng sẽ cảm thấy điều này.
Tôi chúc ông có được sự hạnh phúc tại nơi đây. Tôi chưa bao giờ cảm nhận sự cô đơn như một vài tổng thống đi trước đã miêu tả.
Sẽ có những thời điểm rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn vì nhiều lời chỉ trích mà ông cho là không công bằng. Tôi không phải là một người giỏi đưa ra lời khuyên. Nhưng đừng để những lời chỉ trích ấy làm ông nản lòng hoặc đi sai hướng.
Khi đọc mẩu ghi chú này, ông đã trở thành tổng thống của chúng tôi rồi. Tôi chúc ông và gia đình mọi điều tốt lành.
Giờ đây, thành công của ông là thành công của đất nước chúng ta. Tôi dành sự ủng hộ nhiệt thành cho ông.
Chúc may mắn.
George”.
Sau đó, ông Bush và ông Clinton đã bỏ qua nhiều điểm khác biệt để trở thành bạn bè. Năm 2005, họ cùng hợp tác để thực hiện hoạt động cứu trợ sóng thần.
Năm 2018, khi ông George W. Bush mới qua đời, cựu Tổng thống Bill Clinton đã hồi tưởng lại bức thư năm nào. Ông Clinton cho biết: “Lời của tôi hay lời của những người khác đều không thể miêu tả hết con người của ông ấy. Chính bức thư ông ấy viết đã nói lên tất cả. Ông ấy là một con người đáng kính, lịch thiệp và tử tế”.
Sau ông Clinton, con trai của ông Bush, George W. Bush, tiếp tục trở thành tổng thống Mỹ. Tiếp nối truyền thống, ông Clinton cũng để lại một bức thư để chào mừng ông Bush “con” tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.
“George thân mến,
Hôm nay ông đã bắt đầu dấn thân vào một hành trình tuyệt vời nhất, với vinh dự lớn nhất mà một công dân Mỹ có thể nhận được.
Giống như tôi, ông thật may mắn khi được lãnh đạo đất nước trong thời kỳ biến động sâu sắc và phần lớn là biến động tích cực. Đây là lúc chúng ta phải trả lời những câu hỏi đã có từ lâu, không chỉ về vai trò của chính phủ, mà còn về bản chất của quốc gia chúng ta.
Ông đang dẫn dắt một dân tộc tự hào và tuyệt vời. Từ hôm nay, ông là tổng thống của chúng tôi. Tôi chúc mừng và gửi lời chúc ông thành công, hạnh phúc.
Gánh nặng trên vai ông khá to lớn, nhưng thường bị phóng đại. Còn niềm vui khi ông thực hiện những điều ông tin tưởng là không thể diễn tả được.
Tôi luôn dành lời cầu nguyện cho ông và gia đình của ông. Hãy tiến bước.
Trân trọng,
Bill”.
Năm 2009, vượt qua nhiều khác biệt về đảng phái, chính quyền Bush vẫn thực hiện việc chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ cho chính quyền Obama. Ngay cả gia đình của hai cựu tổng thống cũng khá thân thiết và dễ dàng hoà hợp.
Vào ngày nhậm chức, ông Bush đã để lại lời nhắn cho người kế nhiệm:
“Barack thân mến,
Chúc mừng ông đã trở thành tổng thống của chúng tôi. Ông vừa bắt đầu một chương tuyệt vời trong cuộc đời mình.
Rất ít người có vinh dự được nhận trách nhiệm như của ông. Rất ít người biết được sự phấn khích trong thời điểm này, cũng như những thách thức mà ông sẽ phải đối mặt.
Sẽ có những khoảnh khắc khó khăn. Các nhà phê bình sẽ nổi giận. "Bạn bè" của ông sẽ làm ông thất vọng. Nhưng, ông sẽ luôn có Đức Chúa Trời Toàn năng bên cạnh, có một gia đình yêu thương ông, và một đất nước đồng hành với ông, trong đó có cả tôi. Dù có điều gì xảy đến, ông sẽ luôn được truyền cảm hứng nhờ lòng trắc ẩn và nhân cách của người dân.
Mong Chúa phù hộ cho ông.
Trân trọng,
GW”.
Bức thư đặc biệt
Đến khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống, ông Barack Obama đã viết bức thư chuyển giao quyền lực theo cách của riêng mình. Ông không bắt đầu với danh xưng thân thuộc như “Bill thân mến”. Thay vào đó, ông mở đầu thông điệp dài gấp đôi lệ thường bằng chữ “gửi ngài tổng thống”.
Ông Donald Trump và ông Barack Obama. Ảnh: AP. |
"Gửi ngài Tổng thống,
Xin chúc mừng quá trình tranh cử đáng chú ý. Hàng triệu người đã đặt hy vọng vào ông. Và chúng tôi, dù thuộc đảng phái nào, đều hy vọng nhiệm kỳ của ông sẽ mang đến sự thịnh vượng và ổn định.
Đây là một phòng làm việc độc đáo và không có sẵn hướng dẫn để đạt được thành công. Vì vậy, tôi không biết rằng lời khuyên nào từ tôi sẽ trở nên hữu ích. Tuy nhiên, hãy để tôi tóm gọn một nhiệm vụ sau 8 năm qua.
Đầu tiên, cả hai chúng ta đều được ban phước, theo những cách khác nhau, để nhận lấy vận may lớn. Không phải ai cũng may mắn như vậy. Chúng ta có trách nhiệm làm mọi thứ có thể (để) xây dựng tiền đề, mang đến thành công cho mọi trẻ em và mọi gia đình làm việc chăm chỉ.
Thứ hai, thế giới không thể thiếu vắng sự lãnh đạo của Mỹ. Thông qua hành động cụ thể, chúng ta có trách nhiệm duy trì trật tự quốc tế, vốn được xây dựng từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đây cũng là nền tảng cho sự thịnh vượng và an toàn của chúng ta.
Thứ ba, chúng ta chỉ là những người tạm trú trong văn phòng này. Điều này biến chúng ta thành những người bảo vệ các thể chế và truyền thống dân chủ - như pháp quyền, tam quyền phân lập, bảo vệ bình đẳng và tự do dân sự - mà tổ tiên của chúng ta đã chiến đấu và cống hiến. Dù đối mặt với sự thúc đẩy và lôi kéo trong chính giới, chúng ta phải để những giá trị dân chủ phát huy sức mạnh như từ trước đến nay.
Và cuối cùng, trong bao biến cố và trọng trách lớn, hãy dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Họ sẽ giúp ông vượt qua những chặng đường khó khăn mà ông không thể tránh khỏi.
Michelle và tôi chúc ông và Melania những điều tốt đẹp nhất khi ông dấn thân vào cuộc phiêu lưu tuyệt vời này. Hãy nhớ rằng chúng tôi sẵn sàng trợ giúp ông bằng mọi cách có thể.
Chúc may mắn và hãy tiến bước,
BO”.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tư cách tân tổng thống Mỹ, ông Trump chia sẻ với đài ABC News rằng ông đánh giá cao bức thư của người tiền nhiệm. Ông nói: “Bức thư dài, phức tạp và chu đáo. Cần nhiều thời gian để thực hiện những điều trong thư. Và tôi trân trọng nó. Tôi đã gọi điện và nói lời cảm ơn”.
Ông còn so sánh với những bức thư trước đó: “Thông thường, các bức thư chỉ nói: ‘Chúc may mắn, vui vẻ và tận hưởng nhé’. Gần đây tôi đã đọc một bức thư kiểu như vậy. Không, bức thư dành cho tôi được suy nghĩ rất kỹ lưỡng”.