Năm 2018, khi doanh nghiệp của mình đạt mức định giá một nghìn tỷ USD, Jeff Bezos đã vượt qua những tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffett, trở thành người giàu nhất thế giới. Bezos đã làm thế nào để khởi đầu với một cửa hàng sách trực tuyến, phát triển thành một công ty lớn như vậy?
Nhà phân tích kinh doanh Steve Anderson đã tìm thấy những nguyên tắc của Amazon thông qua việc phân tích, nghiền ngẫm các bức thư mà Jeff Bezos gửi cổ đông.
Tỷ phú Jeff Bezos. Ảnh: AP. |
Chu kỳ tăng trưởng và 14 nguyên tắc tăng trưởng
Steve Anderson đã chắt lọc các nguyên lý phát triển doanh nghiệp của Jeff Bezos, đưa vào sách The Bezos Letters. Sách được phát hành tiếng Việt với tên 14 nguyên tắc tăng trưởng thần tốc như Amazon.
Tác giả phân tích 21 lá thư mà Bezos gửi cổ đông từ năm 1997 đến 2018. Ông xem xét những gì Bezos phát biểu về cách công ty của mình hoạt động, những yếu tố nào đã dẫn đến sự tăng trưởng của công ty.
Trong quá trình phân tích 21 lá thư gửi cổ đông, Steve Anderson nhận thấy một chu kỳ tăng trưởng có tính lặp lại đã được Bezos áp dụng vào hầu hết nỗ lực; tương ứng mỗi nỗ lực là những nguyên tắc nhất định.
Theo đó, ba nguyên lý giúp tăng trưởng thông qua thử nghiệm chiến lược gồm: Khích lệ tinh thần “thất bại thành công”; đánh cược vào những ý tưởng lớn; thực hành sáng tạo và đổi mới năng động.
Ba nguyên lý giúp thiết lập tương lai: Ám ảnh về khách hàng, áp dụng tư duy dài hạn; thấu hiểu bánh đà của bản thân.
Bốn nguyên lý giúp tăng tốc: Thúc đẩy quyết định siêu tốc; thực hiện đơn giản hóa vấn đề; gia tốc thời gian nhờ công nghệ; tăng cường quyền sở hữu.
Bốn nguyên lý giúp mở rộng quy mô: Duy trì văn hóa nền tảng; chú trọng những tiêu chuẩn cao; đo lường các vấn đề, xem xét những gì đã được đo lường, tin tưởng trực giác của mình; luôn giữ vững tinh thần của “ngày đầu tiên”.
Những khái niệm “thử nghiệm, thiết lập, tăng tốc, mở rộng quy mô” quen thuộc với nhiều doanh nhân, doanh nghiệp. Tác giả sách cho rằng ở doanh nghiệp của Bezos, đó không phải khái niệm học thuật, mà trở thành những chu kỳ được lập kế hoạch trước.
“Đối với Bezos, doanh nghiệp luôn luôn thay đổi và chuyển động. Những doanh nghiệp đang phát triển sẽ luôn trong quá trình thử nghiệm một điều gì đó, thiết lập cái gì đó, tăng tốc một yếu tố nào đó và mở rộng quy mô của khía cạnh nào đó”, Steve Anderson nhận xét về cách điều hành của Bezos.
Phân tích những bức thư của tỷ phú Jeff Bezos, Steve Anderson rút ra các nguyên tắc phát triển doanh nghiệp. Ảnh: FN. |
Công nghệ là công cụ cơ bản để phát triển
Trong cuốn sách, tác giả sơ đồ hóa 14 nguyên tắc giúp bạn đọc dễ dàng hình dung, hệ thống về nguyên lý tăng trưởng của doanh nghiệp.
Mỗi chương sách là một nguyên tắc mà Steve Anderson rút ra. Ở mỗi chương, tác giả thường trích đoạn nội dung thư gửi cổ đông, phân tích chiến lược, cách điều hành của Bezos đằng sau lớp ngôn từ.
Ông cũng chứng minh nguyên tắc mình rút ra được bằng hoạt động thực tiễn của Amazon. Cuối mỗi chương là phần khái quát nội dung để bạn đọc có thể áp dụng vào thực tiễn hoạt động của mình.
Ví dụ, ở nguyên lý “Khích lệ thất bại thành công”, sách trích thư của Bezos tại một hội nghị nội bộ doanh nghiệp năm 2014: “Tôi đã bỏ ra hàng tỷ USD thất bại tại Amazon. Nghĩa là đã đánh mất hàng tỷ USD vì thất bại. Bạn có thể nhớ đến Pets.com hoặc Kosmo.com. Điều này giống như lấy tủy răng mà không dùng thuốc mê vậy. Chẳng có gì là vui vẻ cả. Nhưng đây không phải là vấn đề quá quan trọng”.
Tác giả phân tích cụm "thất bại thành công" có nghĩa là những gì học được từ thất bại và cách bạn áp dụng những điều đã học được. Chính điều này tạo nên sự khác biệt.
Trên thực tế, Amazon đã mất nhiều tiền trong hai lần thất bại liên tiếp. Lần đầu là nỗ lực cạnh tranh với eBay năm 1999, lần thứ hai là thử nghiệm zShops - mô hình cho phép bên bán hàng thứ ba sử dụng nền tảng lớn và đang phát triển của Amazon. Sau những thất bại đó, sàn thương mại điện tử này đã thành công.
Phát triển doanh nghiệp từ cửa hàng sách trực tuyến, Bezos luôn coi trọng yếu tố công nghệ. Trong thư gửi cổ đông năm 2010, ông viết: “Sáng tạo nằm trong máu thịt của chúng tôi và công nghệ là công cụ cơ bản mà chúng tôi sử dụng để phát triển và cải thiện mọi khía cạnh của trải nghiệm cung cấp đến khách hàng. Chúng tôi vẫn còn nhiều điều để học hỏi, tôi hy vọng chúng tôi sẽ tiếp tục trải qua nhiều điều thú vị khi học hỏi những điều này”.
Vai trò của ứng dụng công nghệ tiếp tục được nhấn mạnh ở những bức thư gửi cổ đông khác. Steve Anderson rút ra điều làm cho công ty của Bezos thành công hơn những công ty khác một phần là do tăng tốc độ phát triển nhờ công nghệ.
“Bezos áp dụng công nghệ tăng trưởng theo cấp số nhân để phát triển hoạt động kinh doanh […]. Sự thật là công nghệ thay đổi quá nhanh chóng, nếu công ty của bạn không làm gì cả, sớm muộn gì (có thể sớm hơn dự kiến) sẽ có công ty khác ứng dụng công nghệ để làm cho một phần - hoặc toàn bộ - hoạt động kinh doanh của công ty bạn trở thành lỗi thời. […] Có nghĩa là công ty bạn phải luôn luôn dẫn đầu về công nghệ”, trích nội dung sách.
Cuốn sách nhận nhiều đánh giá tích cực từ các lãnh đạo doanh nghiệp, tác giả sách kinh doanh. Stephen Roney, CEO công ty Roney Innovation, nhận xét: “Anderson đã vén mở những bức màn bí mật, chắt lọc các yếu tố quan trọng và nhất quán, chia sẻ trong cuốn The Bezos Letters”.
Việc nghiên cứu từng lá thư của Bezos gửi cho các cổ đông hàng năm không những cung cấp cho độc giả những câu chuyện về công ty mà còn hé lộ những nguyên lý giúp tăng trưởng; một cuốn sách chứa đựng bí quyết phát triển trên nhiều lĩnh vực.