Trong cuốn Nghệ thuật lãnh đạo, trả lời phỏng vấn của David Rubenstein, Jeff Bezos tiết lộ về giờ giấc sinh hoạt, cách làm việc và điều hành doanh nghiệp của ông.
Thậm chí, Jeff cũng nhắc tới những thất bại, nhưng ông coi đó là thí nghiệm mà bất cứ người chiến thắng khổng lồ nào cũng phải trải qua.
Chiến thắng của người khổng lồ thường phải trải qua nhiều thất bại
- David Rubenstein (DR): Phố Wall liên tục nhận định: “Amazon không có doanh thu. Họ chỉ thu hút khách hàng. Lợi nhuận ở đâu ra?” Phố Wall liên tục chỉ trích ông về điều đó. Câu trả lời của ông là: “Tôi thực sự không quan tâm đến những gì bạn nghĩ”.
- Jeff Bezos (JB): Tôi đã lên sóng truyền hình với Tom Brokaw. Ông ấy tập hợp được nhiều doanh nhân từ các công ty Internet thời đó. Việc này diễn ra ngay trước khi bong bóng vỡ, hoặc có thể là sau đó.
Ông ấy đã phỏng vấn tất cả chúng tôi, và cuối cùng quay sang tôi: “Anh có biết đánh vần từ profit (lợi nhuận) không?” Nhân tiện, Tom bây giờ là một trong những người bạn tốt của tôi. Tôi trả lời: “Chắc chắn rồi. P r-o-p-h-e-t”. Và ông ấy phá lên cười.
Mọi người luôn buộc tội chúng tôi bán tờ một đô la với giá chín mươi xu, và nói: “Hãy nhìn xem, ai cũng có thể làm điều đó và tăng doanh thu”.
Đó không phải là những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi luôn có biên lợi nhuận dương. Là một doanh nghiệp có chi phí cố định. Những gì tôi có thể thấy từ các chỉ số nội bộ là tại một mức doanh số nhất định, chúng tôi sẽ đủ để trang trải chi phí cố định và công ty sẽ bắt đầu có lãi.
- DR: Amazon Prime dường như là một cách tuyệt vời để thu tiền trả trước của những khách hàng thực nhận các hàng hóa và dịch vụ. Đó là ý tưởng của ai?
JB: Giống như nhiều sáng kiến khác, nó được một nhóm nghĩ ra. Tôi thích việc đưa ra những ý tưởng theo nhóm; đó là việc yêu thích của tôi. Nó cho tôi cơ hội sống ở tương lai trước hai đến ba năm.
Ai đó có một ý tưởng, rồi một người khác cải tiến ý tưởng đó, những người khác nữa đưa ra ý kiến phản đối về tính hiệu quả, cuối cùng chúng tôi giải quyết những thắc mắc đó. Đó là một quá trình rất thú vị.
Với Prime, có một vài ý tưởng. Một trong những thành viên hội đồng quản trị của chúng tôi, Bing Gordon, luôn muốn chúng tôi cung cấp chương trình khách hàng thân thiết.
Chúng tôi luôn tự hỏi: “Chương trình khách hàng thân thiết có thể là gì được nhỉ?”.
Một kỹ sư phần mềm mới vào nghề đã nảy ra ý tưởng rằng chúng tôi có thể cung cấp cho mọi người một bữa tiệc tự chọn, ăn thỏa sức đi kèm với việc giao hàng miễn phí và nhanh chóng.
Nhóm tài chính đã thực hiện và mô hình hóa ý tưởng đó. Kết quả thật kinh hoàng. Phí vận chuyển đắt trong khi khách hàng thích hàng được vận chuyển miễn phí. Sẽ không có ngưỡng đặt hàng. Bạn có thể mua một món hàng trị giá 20 USD hoặc chỉ một món hàng 10 USD và được giao hàng miễn phí trong hai ngày.
Khi chúng tôi tạo mô hình này, nó có vẻ không hợp lý cho lắm. Nhưng chúng ta có thể thấy một lần nữa, quay lại ý tưởng rằng bạn phải sử dụng linh cảm trái tim và trực giác - phải chấp nhận rủi ro, bạn phải làm theo bản năng. Tất cả quyết định tốt phải được thực hiện theo cách đó.
Bạn thực hiện ý tưởng đó cùng với nhóm, cộng thêm sự khiêm nhường tuyệt vời, bởi vì mắc lỗi không phải là một điều gì quá tồi tệ. Ngoài ra, chúng tôi cũng từng tạo ra các ý tưởng phi thường và đặc biệt, như Fire Phone và nhiều thứ khác nhưng không thành công.
Chúng ta không có đủ thời gian để tôi liệt kê tất cả các thử nghiệm thất bại của chúng tôi. Nhưng những chiến thắng của người khổng lồ thường phải trả giá bằng hàng nghìn thí nghiệm thất bại.
Vì vậy, chúng tôi thử làm một cái gì đó như Prime. Lúc ban đầu, chi phí rất đắt. Chúng tôi đã ngốn rất nhiều tiền vào nó. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn cung cấp một bữa tiệc tự chọn, được ăn thỏa sức và miễn phí? Ai sẽ đến bữa tiệc ấy đầu tiên? Những người ăn khỏe! Thật đáng sợ. “Ôi trời, tôi đã nói với bạn rằng bạn có thể ăn bao nhiêu tôm tùy thích chưa?”.
Nhưng chúng ta có thể thấy đường đi của xu hướng. Chúng tôi có thể thấy rằng tất cả nhóm đối tượng khách hàng đã sử dụng và họ đánh giá cao dịch vụ đó. Đó là điều tạo ra Prime.
Tỷ phú Jeff Bezos. Ảnh: Marketwatch / Getty Images, Shutterstock. |
Ra được ba quyết định đúng một ngày là đủ
- DR: Ông không thích họp trước 10h?
JB: Không.
- DR: Ông muốn ngủ đủ 8 tiếng.
JB: Tôi đi ngủ sớm. Tôi dậy sớm. Tôi muốn thư giãn vào buổi sáng. Tôi thích đọc báo. Tôi thích uống cà phê. Tôi thích ăn sáng với lũ trẻ trước khi chúng tới trường.
Do vậy, tôi luôn có thời gian thư giãn, và điều đó rất quan trọng đối với tôi. Đó là lý do tôi xếp lịch các cuộc họp bắt đầu từ 10h. Tôi muốn các cuộc họp đòi hỏi IQ cao vào trước giờ ăn trưa. Bất kỳ điều gì cần phải động não đều nên được đưa vào các cuộc họp lúc 10h.
Vào lúc 17h, tôi sẽ rơi vào trạng thái kiểu như: “Tôi không thể suy nghĩ về điều đó trong hôm nay nữa. Hãy quay lại vào ngày mai, lúc 10h. Tôi cần giấc ngủ đủ 8 tiếng vì tôi sẽ suy nghĩ tốt hơn, có nhiều năng lượng hơn và tâm trạng cũng phấn chấn hơn.
Hãy thử nghĩ xem: Là một nhà quản lý cấp cao, bạn được trả tiền để làm gì? Bạn được trả tiền để đưa ra một số lượng nhỏ các quyết định có chất lượng cao. Việc của bạn không phải là ra hàng nghìn quyết định mỗi ngày. Nếu tôi ra được ba quyết định đúng đắn một ngày, thế là đủ. Warren Buffet còn nói không mong gì hơn nếu mỗi năm có được 3 quyết định đúng đắn. Tôi thực sự tin vào điều đó.
Tất cả nhà quản lý cấp cao của chúng ta đều vận hành tương tự theo cách của tôi. Họ làm việc cho tương lai, họ sống cho tương lai. Không một ai trong số những người báo cáo cho tôi chỉ tập trung vào số liệu của quý hiện tại.
Chúng tôi sẽ có một cuộc gọi hội đàm hoặc thứ gì đó tương tự theo quý, và Phố Wall sẽ thích kết quả kinh doanh quý của chúng tôi.
Người ta sẽ nói: “Chúc mừng ông, kết quả kinh doanh quý này của ông rất tốt”. Và tôi đáp: “Cảm ơn”. Nhưng những gì tôi thực sự nghĩ là “Quý đó đã được định sẵn từ ba năm trước”. Đây là những gì bạn cần làm. Bạn cần phải làm trước việc của hai hoặc ba năm sau đó.