Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. Ảnh: Việt Linh. |
Xuất bản là môi trường phù hợp với nhiều phụ nữ. Việc phụ nữ lãnh đạo trong làng sách không hiếm. Họ là những người âm thầm đứng sau thành công của nhiều tác phẩm hấp dẫn, là cầu nối để các tác giả nữ đến gần hơn với bạn đọc.
Góp phần truyền bá văn hoá qua sách
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc - Tổng biên tập của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cũng là một “nhà cầm quân” bản lĩnh trong làng xuất bản ở phía Nam. Trong vài năm trở lại đây, các đầu sách của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đa dạng và phong phú hơn. Do đó, thị phần của đơn vị này cũng được mở rộng.
Ngoài các dòng sách là thế mạnh từ trước tới nay như: sách khảo cứu văn hóa, các chuyên khảo về địa chí, sách lịch sử… hiện nay các ấn phẩm của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đa dạng hơn về đề tài. Nhiều đầu sách ở các chủ đề được bạn đọc trẻ quan tâm như: hướng nghiệp, khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng sống… đã được đơn vị này phát hành. Nhờ đó, nhà xuất bản thu hút thêm nhiều độc giả trẻ.
Là người “cầm quân” của đơn vị xuất bản có tiếng của TP.HCM, Giám đốc - Tổng biên tập Đinh Thị Thanh Thủy cùng các đồng nghiệp đã nỗ lực góp phần vào sự phát triển của ngành xuất bản cả nước.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng sách là một sản phẩm của văn hóa và góp phần truyền bá văn hóa. Mỗi cuốn sách không chỉ chứa đựng trong nó suy tư, tình cảm của tác giả, mà còn có cả những giá trị văn hóa cộng đồng. Các nhà xuất bản là người bắc nhịp cầu văn hóa giữa tác giả và bạn đọc, giữa các nền văn hóa với nhau.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ. Ảnh: Việt Linh. |
Người xây dựng tủ sách cho nữ giới
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam là người dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản. Nữ giám đốc này cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã bắc những nhịp cầu, đưa nhiều tác phẩm có giá trị đến với bạn đọc.
Trong đó, phải kể đến các tiểu thuyết lịch sử, dã sử của các nhà văn nữ như: bộ ba tiểu thuyết lịch sử Thiên hạ chi vương, Vũ tịch, Hồ Dương của tác giả Trường An, Từ Dụ thái hậu của nhà văn Trần Thùy Mai và Nữ sĩ thời gió bụi của nhà văn Lê Phương Liên. Đặc biệt, Trường An là một phát hiện mới trên văn đàn. Trước đó, tác giả này thường đăng tải các sáng tác của mình trên blog và mạng Internet.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng còn đẩy mạnh phát triển các tủ sách dành cho độc giả nữ như Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển. Đây là tủ sách công bố các công trình nghiên cứu, biên soạn liên quan đến các vấn đề của phụ nữ, thực hành quyền phụ nữ và đấu tranh cho nữ quyền, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Ngoài các công trình nghiên cứu của các học giả trong nước, tủ sách này còn có các chuyên luận, chuyên khảo của các học giả nước ngoài về phụ nữ, nữ quyền và bình đẳng giới. Trong đó, có các nghiên cứu có giá trị lịch sử của các học giả đầu thế kỷ XX như: Nguyễn Văn Vĩnh, Đạm Phương Nữ Sử...
Không chỉ là “bà đỡ” mát tay của nhiều cây bút nữ, bà Khúc Thị Hoa Phượng còn là người đồng hành tận tụy của Ngày hội khuyến đọc trong suốt 5 năm qua. Bà Hoa Phượng cho rằng để phát triển ngành xuất bản, phải phát triển văn hóa đọc. Hàng năm, cần có nhiều hội sách để giới thiệu, quảng bá những cuốn sách hay tới bạn đọc.
Bà Nguyễn Lệ Chi (trái) tại Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022. Ảnh: FBNV. |
Hành trình bền bỉ của một dịch giả yêu sách
Bà Nguyễn Lệ Chi, người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Văn hóa Chi vốn là một dịch giả tiếng Trung.
Sau nhiều năm đồng hành cùng văn học nói riêng và ngành xuất bản nói chung, bà đã thành lập Chibooks với mong muốn đem nhiều cuốn sách hay của các tác giả đương đại trong và ngoài nước, đến với bạn đọc. Bà Chi cũng là người tổ chức giới thiệu sách Việt tại Nước ngoài.
Ngoài việc đưa các tác phẩm văn học nước ngoài tới độc giả Việt Nam, Chibooks đẩy mạnh việc tìm tòi, phát hiện các tác phẩm có giá trị của tác giả trong nước đến bạn đọc. Tiểu thuyết giả tưởng Người Sao Chổi của tác giả nhí Cao Việt Quỳnh là một cuộc thử nghiệm táo bạo, mang tới nhiều bất ngờ của Chibooks. Tác phẩm này đã đoạt giải C tại Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022.
Bà Nguyễn Lệ Chi cho rằng độc giả Việt, đặc biệt là độc giả trẻ rất yêu thích các tác phẩm giả tưởng, đây là một địa hạt “màu mỡ” cho các cây bút trẻ thỏa sức sáng tạo. Nhưng để giữ chân được người đọc, ngoài tình tiết hấp dẫn, óc tưởng tượng phong phú, người viết phải có được cách kể độc đáo, nhằm xây dựng kết cấu mới lạ, hấp dẫn cho tác phẩm.