Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, đáp ứng nhu cầu đọc

Để đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách của các tầng lớp nhân dân, cần có một số giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nội dung các ấn phẩm xuất bản.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam được thành lập từ năm 1957, là cơ quan thông tin, tuyên truyền, giáo dục của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đối tượng bạn đọc của nhà xuất bản không chỉ là 19 triệu hội viên phụ nữ và gia đình của họ, mà rộng ra là đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, với những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao. Chính điều đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn, buộc nhà xuất bản luôn nỗ lực không ngừng để phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất.

Khoảng vài năm trở lại đây, nhà xuất bản đã quyết liệt chỉ đạo đổi mới cơ cấu đề tài, cùng với đó là triển khai một số giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, tạo nguồn sách tốt đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc. Đến nay, kết quả thu được của nhà xuất bản khá khả quan: Nhà xuất bản đạt nhiều giải thưởng sách uy tín: Giải thưởng Sách quốc gia, Giải sách Đối ngoại, Giải của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải Sách hay... và đặc biệt là sự tín nhiệm của độc giả, tác giả viết sách. Về hiệu quả kinh tế: Nhà xuất bản có nhiều sách nối bản, tái bản, sách bán chạy, và đặc biệt, doanh thu tăng trưởng khả quan, năm sau cao hơn năm trước...

Một số cách làm, giải pháp đột phá của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng nội dung của các ấn phẩm xuất bản, đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách của các tầng lớp nhân dân:

Thứ nhất, quyết liệt chỉ đạo đổi mới cơ cấu đề tài gắn với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là nhu cầu của bạn đọc giai đoạn hội nhập. Ngoài các tủ sách quen thuộc đã có “thương hiệu” như: Tủ sách Chính trị - công tác xã hội, Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Giáo dục gia đình, Giáo dục giới tính, Tâm lý - kỹ năng, Tình yêu - Hôn nhân... Nhà xuất bản đã thành lập thêm các tủ sách phù hợp với yêu cầu mới của phụ nữ, gia đình, trẻ em, các cấp Hội Phụ nữ và đông đảo bạn đọc nói chung giai đoạn hội nhập, gồm: Tủ sách Kinh tế - Khởi nghiệp; Ngoại ngữ - Du học; Teen; Thiếu nhi và Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển.

Tủ sách Kinh tế - Khởi nghiệp cung cấp các ấn phẩm giúp các gia đình dạy con các kỹ năng và kiến thức về quản lý tài chính ngay từ nhỏ; giúp các cấp Hội và đông đảo bạn đọc các kiến thức về kinh tế, khởi nghiệp cũng như cách thức quản trị các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã... Nhiều ấn phẩm được bạn đọc yêu thích như Khởi nghiệp từ A đến Z trên một chiếc khăn giấy, Cùng con quản lý tài chính, Khi người mẹ kiếm tiền, Sổ tay quản lý tài chính, Sổ tay đầu tư, Sổ tay thành lập Hợp tác xã, Cẩm nang lập kế hoạch kinh doanh... và được tái bản nhiều lần như bộ sách gần 20 cuốn Bí quyết thành công của doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Bí quyết giải quyết vấn đề của Toyota, Bí quyết quản lý nhân sự của Toyota, Thất bại học của Toyota...).

Tủ sách Ngoại ngữ - Du học cung cấp cho bạn đọc các kiến thức tự học ngoại ngữ, các kinh nghiệm du học tại các nước, đặc biệt là các kỹ năng tự học, tự luyện thi các chứng chỉ IELTS, SAT, SSAT... Tủ sách giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho con học ngoại ngữ trong mỗi gia đình, vì vậy được nhiều gia đình quan tâm (38 chủ điểm luyện thi IELTS; Chiến lược luyện thi SSAT, SAT; Chiến lược học tiếng Anh cho người Việt...).

Tủ sách Teen Tủ sách Thiếu nhi cung cấp các ấn phẩm giúp phát triển bản thân, phòng chống xâm hại, các tác phẩm bồi dưỡng tâm hồn cho thanh thiếu niên, đặc biệt là các ấn phẩm tuyên truyền về bảo vệ môi trường, sống xanh, tôn trọng sự đa dạng, khác biệt... Tủ sách được các gia đình, trường học đánh giá cao, phù hợp với chương trình giáo dục hiện đại của Việt Nam và thế giới (Bộ sách Giáo dục sớm Montessori (4 cuốn); bộ sách Thủ lĩnh của sự thay đổi (6 cuốn); bộ sách Bí mật con trai, con gái (3 cuốn); bộ sách Kỷ luật tích cực (2 cuốn); bộ sách Giáo dục trẻ tự kỷ (4 cuốn); bộ sách Trẻ em bảo vệ hành tinh xanh (3 cuốn)...).

nghien cuu xuat ban anh 1

Quyết liệt chỉ đạo đổi mới cơ cấu đề tài gắn với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là nhu cầu của bạn đọc giai đoạn hội nhập là một giải pháp đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trong số các tủ sách được thành lập mới trên, nhà xuất bản đặc biệt chú trọng đầu tư cho Tủ sách Phụ nữ tùng thư - Giới và Phát triển. Đây là tủ sách công bố các công trình về vấn đề phụ nữ, hướng tới các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ, cũng như đấu tranh cho nữ quyền, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước. Tủ sách gồm:

- Loại Biên khảo, tư liệu: tập hợp các tư liệu trên báo chí, các công trình, bài viết của các nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật, nhà hoạt động nữ quyền... ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, khi vấn đề phụ nữ trở thành một bộ phận quan trọng trong các dự án cải cách xã hội và đấu tranh vì sự bình đẳng giới;

- Loại hợp tuyển, tinh tuyển: tập hợp sáng tác của các tác giả nữ trong di sản văn chương Việt Nam thời trung đại, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa do phụ nữ Việt Nam sáng tạo;

- Loại nghiên cứu: giới thiệu các tập tiểu luận chuyên đề, các chuyên khảo nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ ở Việt Nam và thế giới;

- Loại dịch thuật: giới thiệu các công trình kinh điển của thế giới đấu tranh cho sự nghiệp của phụ nữ, các lý thuyết và thực hành nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ, các vấn đề về giới và nữ quyền; dịch và giới thiệu các công trình tìm hiểu các vấn đề của phụ nữ Việt Nam ra thế giới.

Hiện nay, tủ sách này đã xuất bản được 13 ấn phẩm, gồm các tác phẩm khảo cứu trong nước về lịch sử phụ nữ và các tác phẩm dịch thuật về vấn đề nữ quyền, bình đẳng giới (Đạm Phương nữ sử - vấn đề phụ nữ ở nước ta, Nhời đàn bà, Một Điểm tinh hoa - Thơ văn Hồng Hà nữ sĩ, Yêu sách của Angtigone, Bí ẩn nữ tính, Những khái niệm then chốt về giới...) giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện và có hệ thống về các vấn đề giới và phát triển, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam và thế giới; về vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay trên mọi phương diện chính trị - văn hóa - xã hội - kinh tế...; góp phần xây dựng xã hội Việt Nam phát triển hài hòa, bền vững.

Trong quá trình xuất bản, Tủ sách Phụ nữ tùng thư - Giới và phát triển đã nhận được đánh giá cao của bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ và các nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, những người làm công tác phụ nữ... Mỗi ấn phẩm khi xuất bản đều được bạn đọc háo hức mong chờ và đăng ký đặt sách trước. Tủ sách đã tạo được một trào lưu quan tâm tìm đọc các sách về nữ quyền, triết học về giới (một lĩnh vực mới mẻ hiện nay trên thế giới).

Thứ hai, đầu tư cho hình thức sách, tập trung kinh phí làm phiên bản sách đặc biệt dành cho bạn đọc yêu sách và sưu tầm sách. Trước yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, nhà xuất bản đã nhận thức: Việc nâng cao chất lượng các ấn phẩm không chỉ tập trung vào vấn đề nội dung (sách hay) mà còn cần đầu tư cho hình thức của ấn phẩm (sách đẹp).

Nhà xuất bản đã đẩy mạnh làm phiên bản sách đặc biệt đối với các sách có giá trị, sách đoạt giải Nobel, sách kinh điển, sách của tác giả nổi tiếng... Dòng sách này đã đáp ứng được yêu cầu cao của bạn đọc yêu sách, sưu tầm sách, đồng thời mang lại diện mạo mới về hình thức sách của Nhà xuất bản. Đó là bộ ba tác phẩm: Lời nguyện cầu Chernobyl, Những nhân chứng cuối cùng, Những cậu bé kẽm... của tác giả Svetlana (tác giả được nhận giải Nobel văn chương năm 2015); tác phẩm Bieguni - Những người không ngừng chuyển động của Olga Tokarczuk (tác giả được nhận giải Nobel văn chương năm 2018), tác phẩm kinh điển của văn học Séc Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới (Jaroslav Hasek), tác phẩm nổi tiếng của nhà văn nữ Isak Dinesen - cuốn Châu Phi nghìn trùng...

nghien cuu xuat ban anh 2

Sách đoạt giải Nobel đáp ứng được yêu cầu cao của bạn đọc yêu sách. Ảnh: Y.N.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác khai thác bản quyền và khai thác tài trợ đối với các dòng sách bán chạy, sách được giải thưởng uy tín của thế giới cũng như các dòng sách là các tác phẩm kinh điển của các nước. Nhà xuất bản chủ động làm việc với các nhà xuất bản nước ngoài, tham gia các hội sách quốc tế, làm việc với các đại sứ quán, các trung tâm văn hóa... nhờ đó khai thác được nhiều tác phẩm có giá trị dịch và giới thiệu đến độc giả Việt Nam.

Công tác khai thác bản quyền và khai thác tài trợ của nhà xuất bản đạt tăng trưởng tốt. Nhờ đẩy mạnh khai thác bản quyền và khai thác tài trợ, nhà xuất bản đã xây dựng được danh mục sách phong phú, có chất lượng chuyên môn cao, được bạn đọc nói chung và các kênh ngân sách, cộng đồng... ưu tiên lựa chọn.

Thứ tư, nhà xuất bản đẩy mạnh công tác truyền thông đối với các mảng sách là thế mạnh củanhà xuất bản như mảng tiểu thuyết lịch sử và tủ sách mới thành lập mang đặc thù của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam như Tủ sách Phụ nữ tùng thư - Giới và Phát triển, các sách có đề tài phụ nữ truyền cảm hứng...

Nhà xuất bản đã đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua các sự kiện offline, online, các hoạt động gây quỹ từ thiện, sử dụng mạng lưới KOLs, truyền thông trực tiếp tới các nhóm cộng đồng...

Những năm gần đây, nhà xuất bản không chỉ có nhiều đầu sách bán chạy nhờ đổi mới công tác truyền thông mà còn có nhiều tác phẩm được các giải thưởng uy tín: Giải thưởng Sách quốc gia cho tiểu thuyết Được học (cũng là sách bán chạy - đã bán gần 20.000 bản trong vài tháng); Giải Nhất Cuộc thi tiểu thuyết 5 năm của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải Sách hay (hạng mục sáng tác) với tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu (2 tập) của tác giả Trần Thùy Mai; Giải Nhất hạng mục Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm Lời nguyện cầu Chernobyl (2020), Châu Phi nghìn trùng (2021); Giải Nhì Giải thưởng Đối ngoại (cuốn sách Con đã về nhà - Ký sự cách ly dịch Covid-19, đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống Covid-19 và tổ chức chương trình gây quỹ giúp phụ nữ nghèo bị ảnh hưởng bởi Covid-19).

Đặc biệt, trong hai năm 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Nhà xuất bản Phụ nữ đã chủ động truyền thông các giá trị sách hay trên nền tảng số (mạng xã hội: Facebook, Instagram...); tổ chức cuộc thi đọc và review sách online với tên gọi “Đọc đi cho khỏe”; tổ chức cuộc phát động tìm kiếm cộng tác viên giới thiệu sách và bán sách của nhà xuất bản trên toàn quốc được đông đảo bạn đọc phản hồi tốt.

Có thể nói, việc đẩy mạnh công tác truyền thông đã giúp đông đảo độc giả tiếp cận được nguồn sách hay, sách tốt của Nhà xuất bản, khắc phục được tình trạng “hữu xạ tự nhiên hương” trong thời đại truyền thông lên ngôi như hiện nay, bởi suy cho cùng, sách là một dạng hàng hóa đặc thù, rất cần có sự hỗ trợ của truyền thông để sách hay có cơ hội được lan tỏa các giá trị đến với mọi đối tượng bạn đọc.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo chất lượng nguồn nhân lực là biên tập viên. Đây là lực lượng lao động quan trọng đối với nhà xuất bản. Vì thế, nhà xuất bản một mặt tạo điều kiện để biên tập viên được tham gia đầy đủ các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; mặt khác có kế hoạch để biên tập viên có kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp biên tập viên trẻ, mới vào nghề.

Đặc biệt, đào tạo biên tập viên theo hướng vừa thông thạo các kỹ năng biên tập, vừa sử dụng tốt các kỹ năng truyền thông mạng xã hội; tự học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ ứng dụng vào công việc, khai thác bản quyền, khai thác tài trợ, phát triển mạng lưới cộng tác viên ở nước ngoài... Đây là giải pháp phát triển bền vững mà nhà xuất bản sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Thứ sáu, tăng cường các hoạt động khuyến đọc nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; cung cấp dịch vụ diễn giả nói chuyện chuyên đề; phối hợp với các thư viện để tặng sách cho các mô hình thư viện trường học, cộng đồng; tặng sách cho các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, tặng sách cho các cấp hội phụ nữ, các trại giam, vùng sâu vùng xa... Tổng số sách Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tặng để phát triển Văn hóa đọc khoảng 5 năm gần đây (2017-2022) lên đến trên 20.000 bản sách. Các sách được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tặng đã phát huy tốt sứ mệnh lan tỏa các cuốn sách hay đến với đông đảo bạn đọc ở khắp mọi miền đất nước, nhờ đó bạn đọc dễ dàng đánh giá được chất lượng các ấn phẩm của Nhà xuất bản, đồng thời Nhà xuất bản cũng nắm thêm được các yêu cầu đọc sách của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Chiến lược phát triển văn hóa đọc

Từ chiến lược phát triển văn hóa đọc ở một số quốc gia trên thế giới, ngành xuất bản Việt Nam có thể rút ra một vài bài học.

Đào tạo nhân lực cho nền xuất bản hiện đại

Thị trường xuất bản phẩm thay đổi nhanh chóng đòi hỏi lực lượng lao động phải tinh thông nghề nghiệp và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Khúc Thị Hoa Phượng

Bạn có thể quan tâm