Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những biến cố đẩy con gái Đề Thám vào cảnh không nhà cửa ở Pháp

Đầu tháng 5/1932, Paul Doumer bị ám sát, Hoàng Thị Thế mất đi người cha đỡ đầu, người che chở chính yếu. Đầu năm 1940, bà ly hôn với Robert Bourgès và bị đuổi ra khỏi nhà chồng.

Cuộc ly hôn của Hoàng Thị Thế và Robert Bourgès được hội đồng xét xử số 8 tòa án dân sự ra quyết định ngày 19 tháng 1 năm 1940.

Phán quyết sơ thẩm đặc biệt nặng nề đối với người vợ cũ: nếu chồng cũ của cô chu cấp một khoản tiền sinh hoạt cho cô, mà trên thực tế anh ta chưa bao giờ trả, thì quyền nuôi con thuộc về người cha. Bị đuổi khỏi nhà chồng, cô sẽ không có chốn dung thân với mọi nguồn thu nhập và với món trợ cấp giám hộ của nhà nước đã mất giá kinh khủng sau hai mươi năm xói mòn tiền tệ và giảm một nửa vào năm 1937.

Hoang Thi The anh 1

Hoàng Thị Thế đầu tháng 1/1941.

Tuy vậy, Hoàng Thị Thế vẫn tiếp tục đấu tranh trên mặt trận pháp lý, bấu víu tuyệt vọng mọi kế sách khả dĩ, bằng kháng cáo và bằng giám đốc thẩm.

Bất hạnh chồng chất hơn nữa, ngày 10 tháng 7 cùng năm 1940 đó, quốc hội đã bầu Thống chế Philippe Pétain làm thủ tướng, cùng lúc khởi xướng “chính phủ Vichy” và bãi bỏ nền Cộng hòa đệ tam.

Và trong số những biện pháp đầu tiên được chính phủ mới thực hiện là xóa bỏ khoản trợ cấp mà Hoàng Thị Thế vốn thụ hưởng, rất có thể vì bà liên quan tới những nhà dân tộc chủ nghĩa Việt Nam tại Paris, nhưng cũng có thể vì hai người đỡ đầu của bà là Sarraut và Doumer từng là những gương mặt nổi bật của chủ nghĩa cấp tiến Pháp, phi giáo hội và theo chế độ Cộng hòa.

Mặt khác, Hoàng Thị Thế không thể trông đợi sự giúp đỡ của cha nuôi Albert Sarraut nữa: ông ta thuộc trong nhóm đa số đã bầu Philippe Pétain làm thủ tướng và không thể tranh cãi về quyết định mà thống chế vừa đưa ra.

Không nhà cửa, không thu nhập, Hoàng Thị Thế chỉ còn biết dựa vào tiền tiết kiệm để sống.

Tài liệu của giáo sư Keith cho chúng ta biết rằng “từ năm 1937 đến năm 1940, Hoàng Thị Thế đã sống ở ngoài Paris, hẳn là bà không đủ khả năng chi trả tiền thuê một căn hộ trong thủ đô. Quả thực, bà đã sống trong một căn phòng không nội thất ở Sceaux, nay là ngoại ô phía nam Paris song thời đó nó chỉ lớn hơn một ngôi làng một chút. Năm 1940, bà trốn chạy cuộc tấn công của quân đội Đức đến một thành phố nhỏ vùng Charentes, là Marcillac-le-Franc, và lánh ẩn tới năm 1941 tại nhà bà Moreger”.

Chính tại ngôi làng này Hoàng Thị Thế đã làm lại thẻ căn cước mới đề ngày 9 tháng 1 năm 1941, điều này khẳng định cho thông tin phía trên.

Thẻ căn cước này cho thấy địa chỉ cư trú vẫn là 50, đại lộ Carnot, Bordeaux, tức nơi ở của gia đình Bourgès mặc dù con dấu của cơ quan cấp giấy tờ này lại là “Tòa thị chính Marillac-le-Franc (tỉnh Charentes)”. Mặt khác, thẻ căn cước này cho ta thấy Hoàng Thị Thế cao 1m 55 và, vì đang trong thời gian kháng cáo liên quan tới vụ ly hôn nên bà vẫn coi mình là vợ của Robert Bourgès.

Các chi tiết trong mục “danh tính” được ghi như sau:

Họ: Bourgès, nhũ danh Hoàng

Tên: Thi Thé Jeanne Marie

Và chữ ký của chủ thẻ: Hoàng Thi Thé Bourgès.

Chúng ta không biết ngày Hoàng Thị Thế quay lại Paris. Tuy nhiên, nếu giả sử bà ở Marrilac-le-Franc vào đầu năm 1941 và ước chừng mất vài tháng học xem bói, thì có thể coi cuộc trở về đó xảy ra vào cuối năm 1941.

Nhà báo Đặng Vương Hạnh, trong một phóng sự đã dẫn ở trên, khẳng định rằng: “Sau ly hôn, […] nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên chính trường Pháp thời bấy giờ đã trở thành bạn bè của bà, trong số đó có cả tướng de Gaulle”. (1)

Trên thực tế, chỉ sau khi lên nắm quyền tổng thống lâm thời Cộng hòa Pháp ngày 25 tháng 8 năm 1944 thì tướng de Gaulle mới có thể hủy bỏ chỉ thị của thống chế Pétain đối với Hoàng Thị Thế và khôi phục khoản trợ cấp giám hộ của Nhà nước cho bà.

Nhưng nền Cộng hòa đệ tứ vừa mới được tuyên bố ngày 27 tháng 10 năm 1946 thì ngay đầu năm 1947, các nhà lãnh đạo của chính phủ lại một lần nữa quyết định xóa những quyền lợi mà tướng de Gaulle đã khôi phục cho Hoàng Thị Thế.

Ta sẽ hiểu được nguyên do nếu biết rằng lúc đó những sự kiện đầu tiên báo hiệu cho cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra. Hồ Chí Minh tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945. Các cuộc tòng quân đầu tiên diễn ra vào tháng 11 năm 1946, sau khi hạm đội Pháp dưới sự chỉ huy của đô đốc Argenlieu dội bom xuống Hải Phòng. Kể từ đó, mọi công dân Việt Nam đều bị nhà cầm quyền Pháp coi là kẻ thù tiềm tàng, nhất là đối với con gái của Đề Thám, người anh hùng dân tộc, người đã có ba mươi năm chống thực dân Pháp tại Việt Nam.

Bởi vậy, Hoàng Thị Thế đã có một thời gian dài lâm vào cảnh lang thang.

-----------------

1. Đặng Vương Hạnh, “Đi tìm con cháu ‘Hùm thiêng Yên Thế’ Đề Thám và việc tìm hài cốt của người anh hùng”, Phóng sự An ninh thế giới, số 118, 25/3/1999.

Claude Gendre / Omega Plus - NXB Hà Nội

SÁCH HAY