Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bất ổn nào xảy đến khi Taliban hoàn toàn kiểm soát Afghanistan?

Việc Taliban kiểm soát Afghanistan có nguy cơ thổi bùng làn sóng bất ổn và sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố, Hồi giáo cực đoan, từ đó đe dọa hàng loạt quốc gia trong khu vực.

Việc Taliban một lần nữa trỗi dậy nắm quyền kiểm soát Afghanistan khiến hàng loạt quốc gia lo ngại hỗn loạn và bất ổn sẽ vượt khỏi biên giới nước này và lan sang các nước làng giềng, thậm chí châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng di cư mới tới châu Âu.

Cơn đau đầu cho các nước láng giềng

Pakistan, quốc gia chia sẻ đường biên giới dài 2.430 km với Afghanistan, đã bắt đầu đối mặt một "cơn lũ" người tị nạn đổ về. Trước đó, Pakistan vốn đã tiếp nhận 3 triệu người Afghanistan tị nạn chiến tranh.

Islamabad được coi là bên có ảnh hưởng lớn nhất tới Taliban, bởi các lãnh đạo của Taliban đã ẩn náu và xây dựng căn cứ địa ở Pakistan từ sau khi bị Mỹ lật đổ năm 2001. Dù vậy, Pakistan chưa bao giờ thừa nhận trợ giúp Taliban.

Hôm 15/8, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi nói với người đồng cấp Anh Dominic Raab rằng "tình hình ở Afghanistan đòi hỏi cộng đồng quốc tế làm việc với giới lãnh đạo Taliban để bảo đảm tạo môi trường hòa bình và ổn định ở Afghanistan".

taliban afghanistan anh 1

Dòng xe chở người Afghanistan hướng về biên giới Pakistan. Ảnh: Zuma Press.

Trung Quốc là một trong những nước đã sớm xây dựng quan hệ với Taliban.

Thực tế, Bắc Kinh không mấy vui vẻ với sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền ở Kabul. Nhiều năm nay, Bắc Kinh đã kiếm được những hợp đồng béo bở trong xây dựng cơ sở hạ tầng, khai khoáng ở Afghanistan. Hiển nhiên, Trung Quốc không muốn công việc làm ăn bị gián đoạn.

Hơn nữa, Taliban trở lại nắm quyền đồng nghĩa các phần tử Hồi giáo cực đoan có thêm không gian hoạt động, xâm nhập vào khu vực Tân Cương của Trung Quốc qua biên giới hai nước.

Để giảm thiểu nguy cơ này, Bắc Kinh hồi tháng 7 đã tiếp đón Mullah Abddul Ghani Baradar, một trong các phó lãnh đạo của Taliban và phụ trách tiến trình đàm phán Doha. Trong cuộc gặp, Trung Quốc đã chỉ trích chính sách của Mỹ gây bất ổn cho Afghanistan.

Các nhà phân tích nhận định ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là duy trì ổn định tình hình trong nước, ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan xâm nhập vào Tân Cương thông qua một đoạn biên giới chỉ khoảng 80 km với Afghanistan.

"Trung Quốc dường như không coi sự việc là cơ hội mở rộng ảnh hưởng hay khai thác tiềm năng kinh tế. Ở Afghanistan, họ quan tâm hơn tới hạn chế và kiểm tỏa các mối đe dọa, dù đó là nước siêu cường đối thủ hay các phần tử Hồi giáo thánh chiến", Andrew Small, chuyên gia tại tổ chức tư vấn chính sách German Marshall Fund, nhận định.

Một láng giềng khác của Afghanistan là Iran cho biết sẽ tạm thời chấp nhận người tị nạn Afghanistan. Tuy nhiên, Tehran sẽ cho hồi hương người tị nạn một khi tình hình ở Afghanistan đã ổn định.

Thứ trưởng Nội vụ Hosein Ghassemi cho biết Iran đã chuẩn bị cho kịch bản làn sóng người tị nạn đổ về nước này suốt 2 tháng qua.

Những năm qua, Tehran theo đuổi một chính sách cân bằng tại Afghanistan. Về danh nghĩa, Iran kết đồng minh với chính quyền Kabul. Nhưng sau hậu trường, Tehran vẫn trợ giúp Taliban như cung cấp nơi ẩn náu, tham vấn ngoại giao, cung cấp vũ khí.

Taliban trở lại nắm quyền đồng nghĩa với một cơn đau đầu mới cho Tehran. Trong khi Iran là đất nước của người Hồi giáo Shia, Taliban lại là lực lượng thuộc dòng Hồi giáo Sunni cực đoan. Nhiều lãnh đạo Taliban từng được đào tạo ở Saudi Arabia - đối thủ địa chính trị chiến lược của Tehran.

Tới nay, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vẫn chưa có phản ứng trước cuộc lật đổ của Taliban.

Nguy cơ lan tới châu Âu

Dòng người tị nạn là mối lo chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho biết một làn sóng người tị nạn Afghanistan đã đổ tới Thổ Nhĩ Kỳ qua biên giới với Iran. Để đối phó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu siết chặt kiểm soát biên giới và ban bố các biện pháp tăng cường an ninh.

Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg cảnh báo tác động từ bất ổn tại Afghanistan sẽ sớm lan tỏa tới châu Âu.

"Xung đột và bất ổn ở Trung Á sớm muộn gì cũng sẽ tràn tới châu Âu cũng như Áo", ông Schallenberg trả lời hãng thông tấn APA.

Trong khi đó, giới chức Nga bày tỏ lo ngại nguy cơ tình hình an ninh ở các nước Trung Á có thể xấu đi nhanh chóng nếu hỗn loạn nổ ra ở Afghanistan.

Sau cuộc thảo luận với phái đoàn Taliban hồi tháng 7, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cảnh báo nguy cơ khủng bố sẽ gia tăng tại khu vực một khi chính quyền Kabul sụp đổ và Taliban trở lại.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tổ chức này đang cố gắng duy trì hoạt động sân bay Hamid Karzai ở Kabul để giúp di tản hàng nghìn người còn đang mắc kẹt.

Lãnh đạo các nước NATO thống nhất sẽ tiếp tục duy trì hiện diện ngoại giao tại sân bay Kabul, ít nhất trong thời gian ngắn trước mắt.

taliban afghanistan anh 2

Hàng nghìn người đang chờ di tản ở sân bay Kabul. Ảnh: AP.

"An toàn cho nhân sự của chúng tôi là điều tối quan trọng, NATO sẽ tiếp tục điều chỉnh khi cần thiết. Chúng tôi sẽ hỗ trợ người Afghanistan tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột mà hiện đã khẩn cấp hơn bao giờ hết", ông Stoltenberg nói.

Chính phủ các nước châu Âu lúc này đang dồn toàn lực di tản nhân viên ngoại giao và công dân Afghanistan từng cộng tác với họ, trước nguy cơ những người này bị Taliban trả thù.

"Những tin tức và hình ảnh từ Afghanistan chúng tôi nhận được thực sự đau lòng. Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để di tản những người bản địa từng cộng tác trong vài ngày tới. Tình hình lúc này rất khó dự đoán", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết.

Trước tình hình hỗn loạn ở Afghanistan, sách lược rút quân của Mỹ đang trở thành đối tượng công kích.

Markus Soder, thủ hiến bang Bavaria đồng thời là lãnh đạo đảng Liên đoàn xã hội Cơ đốc giáo (CSU) nằm trong liên minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho biết sự trở lại của Taliban là "một trong những thất bại tồi tệ nhất của chính giới phương Tây".

Trong khi đó, người phát ngôn phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc, ông Shahrokh Nazemi cho rằng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan là hành động "vô trách nhiệm".

Từ Moscow, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng miêu tả việc Washington chấp nhận rút quân là lời thừa nhận chiến lược thất bại ở Afghanistan.

Bộ máy quyền lực mới của Taliban sẽ không khác gì 20 năm trước?

Theo những thông tin mà một thành viên cấp cao của Taliban công bố, lực lượng này sẽ khôi phục mô hình từng được sử dụng để cai trị Afghanistan 20 năm trước.

Taliban: Hỗn loạn tại sân bay ở thủ đô Kabul là lỗi của phương Tây

Một quan chức Taliban vào ngày 21/8 nói sự hỗn loạn tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul có thể tránh được nếu phương Tây có một kế hoạch di tản tốt hơn. 

Tổng thống Biden đề cử đại sứ Mỹ tại Trung Quốc

Tổng thống Joe Biden đã đề cử cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nicholas Burns giữ chức đại sứ tại Trung Quốc. Đề cử này cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Duy Anh (Theo Wall Street Journal)

Bạn có thể quan tâm