Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ máy quyền lực mới của Taliban sẽ không khác gì 20 năm trước?

Theo những thông tin mà một thành viên cấp cao của Taliban công bố, lực lượng này sẽ khôi phục mô hình từng được sử dụng để cai trị Afghanistan 20 năm trước.

Afghanistan nhiều khả năng sẽ nằm dưới sự quản lý của một hội đồng điều hành do Taliban chi phối. Thủ lĩnh tối cao của Taliban là Haibatullah Akhundzada sẽ nắm quyền chỉ huy tổng thể, Waheedullah Hashimi - một thành viên cấp cao của Taliban cho biết, theo Reuters.

Taliban trước đó đã tuyên bố sẽ ân xá cho nhân viên và binh sĩ của chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani.

Thành viên cấp cao của Taliban nói rằng lực lượng này đang tìm cách liên hệ với các binh sĩ và phi công của quân đội chính quyền cũ, muốn họ gia nhập hàng ngũ Taliban.

Cấu trúc quyền lực tương tự 20 năm trước

Theo ông Hashimi, cấu trúc quyền lực mà Taliban lựa chọn sẽ tượng tự cái cách lực lượng này từng điều hành đất nước khi lần đầu nắm quyền giai đoạn 1996-2001.

Khi đó, thủ lĩnh của Taliban là Mullah Omar đứng sau hậu trường các quyết sách quan trọng, những công việc thường ngày do hội đồng điều hành phụ trách.

Thủ lĩnh tối cao của Taliban hiện nay là Akhundzada nhiều khả năng sẽ ở vị trí phía trên người đứng đầu hội đồng điều hành - với chức vụ tương đương tổng thống, ông Hashimi nói thêm.

Afghanistan Taliban anh 1

Đại diện Taliban Waheedullah Hashimi (giữa) trả lời phóng viên. Ảnh: Reuters.

"Có lẽ cấp phó thủ lĩnh sẽ đảm nhiệm vị trí tổng thống", ông Hashimi cho biết.

Thủ lĩnh Akhundzada có 3 cấp phó, gồm Mawlavi Yaqoob - con trai của Mullah Omar, Sirajuddin Haqqani - lãnh đạo mạng lưới vũ trang Haqqani hùng mạnh, và Abdul Ghani Baradar - giám đốc văn phòng chính trị Taliban ở Dohar, một trong các thành viên sáng lập của lực lượng này.

Tới nay, vẫn còn những vấn đề chưa được định đoạt về cách thức Taliban sẽ điều hành đất nước. Tuy nhiên, ông Hashimi khẳng định Afghanistan sẽ xóa bỏ bộ máy chính quyền đã tồn tại trong 20 năm qua.

"Chúng tôi sẽ không thảo luận hình thức hệ thống chính trị nên được áp dụng ở Afghanistan, bởi rõ ràng câu trả lời là luật Hồi giáo Sharia", ông Hashimi tuyên bố.

Điều này đồng nghĩa Afghanistan dưới chính quyền do Taliban quản lý sẽ không còn bất cứ hình thức bầu cử nào. Hồi tháng 3, Taliban cũng từng bác bỏ đề xuất tổ chức tổng tuyển cử của chính quyền Tổng thống Ghani.

Hiện chưa rõ hệ thống luật pháp và các quyền cơ bản của người dân Afghanistan sẽ thay đổi như thế nào, đặc biệt liên quan tới quyền của phụ nữ.

Taliban tuyên bố lực lượng này sẽ thay đổi cách cai trị so với 20 năm trước. Thế nhưng, Taliban cũng khẳng định quyền của phụ nữ sẽ phải nằm trong khuôn khổ của luật Hồi giáo Sharia.

Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy phụ nữ Afghanistan đang một lần nữa bị gạt ra bên lề xã hội khi bị sa thải khỏi các công sở, trẻ em gái và nữ sinh không được đến trường.

Ông Hashimi cho biết các lãnh đạo của Taliban sẽ nhóm họp để thảo luận về các vấn đề quản trị đất nước ngay trong cuối tuàn này.

Chiêu mộ cựu binh của chính quyền cũ

Về khả năng chiêu mộ phi công và cựu binh từng chiến đấu cho chính quyền cũ, ông Hashimi cho biết Taliban dự định thành lập một lực lượng quân đội quốc gia, trong đó có thành viên của Taliban cũng như binh sĩ chính phủ.

"Đa phần họ đã được đào tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Đức. Chúng tôi sẽ thuyết phục họ quay trở về vị trí chiến đấu của mình", ông Hashimi nói.

Đại diện Taliban cho biết chắc chắn sẽ có những thay đổi và quân đội cần được cải tổ. Tuy nhiên, Taliban vẫn cần đến các thành viên quân đội của chính quyền cũ, đó là lý do lực lượng này muốn thuyết phục họ quay trở lại.

Phi công quân đội là thành phần mà Taliban khao khát nhất, ông Hashimi thừa nhận. Trong khi đã chiếm được nhiều máy bay và trực thăng bị bỏ lại các sân bay trên cả nước, Taliban lại không có phi công được đào tạo để vận hành những trang thiết bị hiện đại như vậy.

Afghanistan Taliban anh 2

Một thành viên Taliban tuần tra ở Kabul. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi đã liên hệ với nhiều phi công. Chúng tôi đề nghị họ trở về và gia nhập với chúng tôi, gia nhập cùng những người anh em, gia nhập chính phủ", ông Hashimi cho biết.

Rất khó để dự đoán kế hoạch chiêu mộ cựu binh của chính quyền cũ có thành công hay không.

Trong 20 năm chiến tranh, hàng chục nghìn thành viên lực lượng vũ tranh chính phủ Afghanistan đã bị Taliban giết hại. Trong những ngày cuối của cuộc chiến, Taliban liên tục ám sát các phi công Afghanistan do Mỹ đào tạo bởi vai trò tối quan trọng của họ với quân đội chính phủ.

Bên cạnh đó, Hashimi cho biết ông hy vọng các nước láng giềng sẽ trả lại Taliban máy bay được các phi công dùng để chạy trốn khỏi Afghanistan.

Thông điệp này được gửi tới Uzbekistan, sau khi hàng trăm binh sĩ của chính quyền Tổng thống Ghani đã chạy trốn tới nước này trên 24 trực thăng và 22 máy bay quân sự trong ngày 15/8.

Taliban chiếm Kabul, chính phủ Afghanistan sụp đổ Lực lượng Taliban đã tiến vào Kabul hôm 15/8. Lầu Năm Góc cho biết 6.000 lính Mỹ sẽ triển khai tới sân bay để hoàn tất việc sơ tán nhân viên Mỹ.

Các nước giàu quyết tiêm mũi vaccine bổ sung dù chưa có cơ sở khoa học

Hàng loạt nước giàu đã triển khai kế hoạch tiêm mũi vaccine Covid-19 bổ sung bất chấp chưa có cơ sở khoa học, bỏ ngoài tai can ngăn của WHO.

Bất chấp lo ngại, một số nữ nhà báo Afghanistan vẫn tiếp tục đưa tin

Nỗi lo ngại về sự kiểm soát hà khắc của Taliban đang đè nặng nhiều phụ nữ ở Afghanistan, song một số nữ nhà báo dũng cảm vẫn nỗ lực làm việc.

Taliban cho nổ tượng kẻ thù từ cuộc nội chiến trước

Taliban đã cho nổ tượng một lãnh đạo dân quân người Hồi giáo dòng Shia, người từng đối đầu lực lượng Taliban trong nội chiến thập niên 1990, AP đưa tin.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm