Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bài học từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007

Sự nhượng bộ về địa điểm tổ chức cùng những khoản viện trợ ít bị ràng buộc cho Triều Tiên là những bài học mà Tổng thống Moon Jae In có thể rút ra từ 2 hội nghị trong quá khứ.

Khi Tổng thống Moon Jae In gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 27/4, ông sẽ là tổng thống thứ 3 của Hàn Quốc gặp lãnh đạo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ông là Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun từng hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong Il vào các năm 2000 và 2007.

2 hội nghị thượng đỉnh trước đó đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng các kỳ vọng về thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo đã không trở thành hiện thực.

Tuy vậy, Tổng thống Moon Jae In có thể rút ra những bài học từ thành công và thất bại của hai hội nghị trước đó, để có thể tháo gỡ nút thắt trong quan hệ liên Triều, theo CNN.

Tầm quan trọng của địa điểm tổ chức

Khi Tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đến Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong Il trải thảm đỏ tiếp đón theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Các nghi thức tiếp đón hoành tráng và những hình ảnh được phát sóng trên toàn thế giới. Đó chính xác là những gì Triều Tiên muốn.

Bằng cách chấp nhận địa điểm tổ chức tại Bình Nhưỡng trong 2 lần, Hàn Quốc đã trao cho bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên lợi thế “cửa trên”. Truyền thông nhà nước Triều Tiên tường thuật  các chuyến viếng thăm một cách đầy tự hào. Họ cũng dễ dàng kiểm soát luồng thông tin và hình ảnh đến từ các cuộc họp vì là nước chủ nhà.

Hoi nghi thuong dinh lien Trieu anh 1
Cái bắt tay lịch sử của lãnh đạo 2 miền Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA/CNN.

Chính quyền của ông Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đều nhận thức được những rủi ro khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il chào đón họ ở Bình Nhưỡng và những thách thức nếu quay về trắng tay. Trong cuộc gặp đầu tiên, Triều Tiên chỉ thể hiện thái độ “Cứ bước tới, mọi thứ sẽ ổn thôi, dù chắc hẳn sẽ có một số yếu tố không chắc chắn và bất an”, Kim Hong Gul, con trai của cố Tổng thống Kim Dae Jung nói.

Với Tổng thống Roh Moo Hyun, ông cuối cùng quyết định đến Bình Nhưỡng nhưng trước đó chính quyền Hàn Quốc đã rất phân vân. “Chúng tôi phải vật lộn trước địa điểm tổ chức hội nghị, miền Bắc không muốn đến Seoul và chúng tôi cũng miễn cưỡng để đi đến Bình Nhưỡng lần 2”, Lee Jong Seok, cựu chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Roh, nói.

Hai tổng thống Hàn Quốc đều đã đến Triều Tiên trong thế bất lợi. Trong mỗi cuộc gặp, nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tuyên truyền, rằng "đối thủ" đã chấp nhận đến miền Bắc mà không cần đưa ra bất kỳ nhượng bộ để giảm căng thẳng trong dài hạn.

Tổng thống Moon Jae In sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Nhà Hòa bình nằm ở phía nam khu vực an ninh chung trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Việc chọn địa điểm này được xem là một sự thỏa hiệp giữa lãnh đạo 2 nước. Bàn Môn Điếm thiếu sự hùng vĩ cần thiết cho một hội nghị thượng đỉnh như 2 lần trước đó, nhưng Tổng thống Moon có thể đạt được chiến thắng nhất định về tuyên truyền.

Các nhà báo Hàn Quốc cũng như quốc tế có thể tác nghiệp thoải mái hơn và truyền tải được nhiều góc nhìn khác nhau về hội nghị. Họ cũng được phép tiến về phía bắc để nắm bắt khoảnh khắc nhà lãnh đạo Kim Jong Un tiến về phía nam.

Hoi nghi thuong dinh lien Trieu anh 2
Cố tổng thống Roh Moo Hyun (trái) đã không nhận được sự ủng hộ của Washington về chính sách đối với Triều Tiên. Ảnh: CNN.

Đừng quyết định một mình

Khi Tổng thống Kim Dae Jung đến Bình Nhưỡng, Hàn Quốc và Mỹ đang hợp tác chặt chẽ để đưa ra đường lối hoạt động ngoại giao thống nhất đối với Triều Tiên. Tổng thống Kim Dae Jung rời Bình Nhưỡng với một số thỏa thuận, đặc biệt là đoàn tụ các gia đình bị chia cắt trong chiến tranh và đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế cho Triều Tiên.

Sau đó, Tổng thống Mỹ Bill Clinton nối tiếp thành công của hội nghị bằng cách cử Ngoại trưởng Madeleine Albright đến Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Il, đồng thời tiếp đón các quan chức cấp cao Triều Tiên tại Washington. Nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã chấp nhận lời mời đến thăm Seoul nhưng chưa bao giờ thực hiện.

Khi Tổng thống Roh tiến về Bình Nhưỡng vào năm 2007, ông là một tổng thống không được lòng dân và chỉ còn vài tháng trong nhiệm kỳ. Ông Roh muốn ký các thỏa thuận đảm bảo rằng Hàn Quốc tiếp tục viện trợ cho Triều Tiên sau khi ông rời nhiệm sở.

Giáo sư Andre Moo Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin, nói: “Tổng thống Roh hy vọng chính quyền tiếp theo sẽ giữ một số chính sách cũ. Ông ấy muốn thực hiện nhiều thỏa thuận nhất có thể để đẩy nó cho người kế nhiệm”.

Roh cũng rời Bình Nhưỡng với một số thỏa thuận, đặc biệt là kế hoạch hòa bình gồm 8 điểm nhằm thúc đẩy hiệp định hòa bình vĩnh viễn. Tuy nhiên, khi trở về Seoul, ông Roh không nhận được sự hỗ trợ từ trong nước và quốc tế.

Người kế nhiệm Lee Myung Bak không duy trì các thỏa thuận trước đây để tiếp tục viện trợ không điều kiện cho Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ George W. Bush đã ủng hộ chính sách của Tổng thống Lee.

Lee Seong Hyon, nhà nghiên cứu tại Học viện Sejong ở Seoul, nói: “Kinh nghiệm quá khứ cho thấy Hàn Quốc đã đi vào ngõ cụt trong chính sách đối với Triều Tiên, khi không thuyết phục được Mỹ, đồng minh chính của họ ủng hộ chính sách của Seoul đối với Bình Nhưỡng”.

Tổng thống Moon bước vào Nhà Xanh chưa đầy một năm, trong thời gian này, ông chấp nhận vai trò như là người dàn xếp, cân bằng mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Để giữ cho chính quyền Tổng thống Donald Trump ủng hộ những động thái của Seoul, Tổng thống Moon liên tục cử các trợ lý chủ chốt đến Washington để đàm phán.

“Tổng thống Moon hiểu rằng cách tiếp cận của Hàn Quốc đối với Triều Tiên sẽ hiệu quả hơn nhiều khi có sự hiểu biết của Mỹ”, nhà nghiên cứu Lee nói.

Tránh các khoản viện trợ ngầm

Tổng thống Kim Dae Jung là "kiến trúc sư trưởng" của chính sách Ánh dương, theo đuổi hợp tác kinh tế, ngoại giao gần gũi với Bình Nhưỡng, nhằm giảm căng thẳng và ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế của Triều Tiên. Ông Moon Jae In cũng từng là một trong những thành viên chốt của chính sách Ánh dương dưới thời Tổng thống Roh Moo Hyun.

Trọng tâm của chính sách Ánh dương gắn bó chặt chẽ với tiền bạc. Triều Tiên muốn được trợ giúp để phát triển kinh tế và ở thời điểm đó, Hàn Quốc đã bí mật chuyển tiền cho Triều Tiên với ít hoặc không có ràng buộc.

Hoi nghi thuong dinh lien Trieu anh 3
Tổng thống Kim Dae Jung (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng. Ảnh: CNN.

Di sản của Kim Dea Jung dường như là một thành công khi ông trở về từ Bình Nhưỡng, đặc biệt sau khi ông nhận giải Nobel Hòa bình cho nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, một cuộc điều tra phơi bày bí mật chính quyền Tổng thống Kim Dae Jung đã chi cho Triều Tiên 200 triệu USD chỉ vài ngày trước hội nghị.

Tổng thống Kim Dae Jung đã công khai xin lỗi vì bí mật chuyển tiền cho Bình Nhưỡng nhưng khẳng định số tiền phục vụ cho các giao dịch kinh doanh ở Triều Tiên. Tổng thống Kim Dae Jung kỳ vọng Bình Nhưỡng sẽ sử dụng số tiền viện trợ để cải cách nền kinh tế và khởi động tự do hóa một phần nền kinh tế.

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Nhiều người Hàn Quốc đi đến kết luận hàng triệu USD viện trợ cho Bình Nhưỡng đã không ngăn được chương trình vũ khí của Triều Tiên và không phục vụ đúng lợi ích của Seoul.

Hiện nay, một khoản thanh toán bí mật cho Triều Tiên sẽ là động thái cực kỳ nguy hiểm đối với Tổng thống Moon. "Bất kỳ khoản tiền nào chuyển cho Triều Tiên cũng giống như chất độc trước bối cảnh chính trị ở Hàn Quốc cùng với thực tế là ông Moon, lâu nay vẫn thu hút ủng hộ dựa trên sự minh bạch", giáo sư John Delury từ Đại học Yonsei bình luận. "Chúng rất nhạy cảm và gây tranh cãi".

Bên cạnh đó, việc chuyển tiền cho Triều Tiên sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đây là vấn đề mà Mỹ luôn đi đầu. Tổng thống Trump từng tuyên bố "chiến dịch gây sức ép tối đa" lên Bình Nhưỡng vẫn sẽ được thực hiện trong quá trình đàm phán diễn ra.

"Với tình hình hiện tại, bất kỳ sự tương tác kinh tế nào với Triều Tiên sẽ đi ngược lại nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có rất ít ngoại lệ. Ông Moon không thể liều lĩnh thách thức Tổng thống Donald Trump và điều đó có thể khiến ông Trump phát điên" giáo sư Lankov nói

90s: Bán đảo Triều Tiên trước bước chuyển lịch sử hướng tới hòa bình Những tín hiệu tích cực về khả năng giải giáp hạt nhân, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chiến tranh liên tục xuất hiện trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều và Mỹ - Triều.

Thượng đỉnh Hàn - Triều: 'Cuộc chiến' 70 năm đến hồi khép lại?

Triều Tiên và Hàn Quốc, hai quốc gia về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh, đang đứng trước cơ hội lịch sử để đi đến hòa bình vĩnh viễn, theo các chuyên gia.

Trung Hiếu (theo CNN)

Bạn có thể quan tâm