Triều Tiên và Hàn Quốc, hai quốc gia về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh, đang đứng trước cơ hội lịch sử để đi đến hòa bình vĩnh viễn, theo các chuyên gia.
Ngày 27/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ bước qua biên giới ở khu phi quân sự để tiến vào lãnh thổ Hàn Quốc và gặp gỡ Tổng thống Moon Jae In. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba sau hai hội nghị vào các năm 2000 và 2007. Ông Kim cũng là lãnh đạo đầu tiên của chính quyền Bình Nhưỡng băng qua vĩ tuyến 38 kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Nhân sự kiện quan trọng này, Zing.vn có cuộc trao đổi với các chuyên gia đến từ nhiều nước, gồm: tiến sĩ Peter Hayes, giám đốc Viện An ninh và Bền vững Nautilus, Australia; tiến sĩ Trương Bảo Huy, giáo sư khoa học chính trị, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong; và tiến sĩ Nah Liang Tuang, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam, Singapore.
Ai mạnh hơn trên bàn đàm phán?
- Điều gì đã mang lại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này, sau 11 năm kể từ lần gần nhất lãnh đạo cấp cao hai miền gặp nhau?
Hayes: Đó là kết quả tổng hợp từ chính sách ngoại giao khéo léo của ông Moon Jae In, quyết tâm của ông Kim Jong Un trong việc tái sắp xếp bối cảnh chiến lược để đối phó với thái độ thù địch không ngừng của Mỹ với Triều Tiên, cũng như đánh giá của ông Kim rằng dù với bất kỳ lý do gì, ông Donald Trump có lẽ cũng sẽ thay đổi mối quan hệ đối đầu theo cách thức cơ bản.
Nah: Tôi nghi ngờ rằng về phía Triều Tiên, kinh tế là động cơ lớn nhất khiến họ tiến tới cuộc gặp. Từ năm 2006, Triều Tiên đã hứng chịu rất nhiều lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ vì chương trình tên lửa, hạt nhân nhưng chỉ từ năm 2016, các lệnh trừng phạt mới mạnh mẽ nhắm vào nền kinh tế của Triều Tiên, cắt đứt nguồn chi cho chương trình vũ khí của họ. Tôi cho rằng các lệnh trừng phạt ngày càng có tác động khắc nghiệt, và ông Kim Jong Un đang tìm cách đàm phán để nới lỏng sức ép kinh tế.
Trương: Với Hàn Quốc, chính quyền hiện tại là cánh tả. Phe cánh tả tại Hàn Quốc luôn tin tưởng vào việc hòa giải, thậm chí thống nhất hai miền. Hơn nữa, những căng thẳng gần đây và viễn cảnh chiến tranh đã gây ra lo lắng cho chính quyền của ông Moon. Quan ngại về ý thức hệ lẫn an ninh là động cơ khiến ông tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Với Triều Tiên, sự cải thiện trong quan hệ hai miền có thể khiến ông Trump không còn cớ để leo thang áp lực với Bình Nhưỡng. Ông Kim cũng muốn mở rộng quan hệ giao thương với miền Nam để cải thiện nền kinh tế trong nước.
- Việc Triều Tiên chủ động chuyển từ đối đầu sang đối thoại đã gây không ít bất ngờ. Phải chăng nước này đang ở thế "cửa trên" trong đàm phán với Seoul, nhất là sau khi họ tuyên bố đã làm chủ được công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)?
Hayes: Không có bằng chứng cho thấy Triều Tiên sở hữu một tên lửa đạn đạo đang hoạt động có thể gắn đầu đạn hạt nhân bay quãng đường dài. Không có.
Trái lại, Hàn Quốc có nền kinh tế nghìn tỷ đô, công nghệ cao đẳng cấp thế giới và ngân sách cho quốc phòng bằng toàn bộ GDP của Triều Tiên. Rõ ràng là Hàn Quốc đã chiến thắng Triều Tiên trong cuộc tranh giành địa vị thống trị trên bán đảo Triều Tiên. Giờ chúng ta đang nhìn thấy sự khởi đầu của quá trình hòa hoãn, trong đó hai bên hướng đến mục tiêu cùng chung sống trên tinh thần xây dựng.
Nah: Do các lệnh trừng phạt của LHQ, vốn cấm các mặt hàng xuất khẩu béo bở của Triều Tiên cũng như lao động Triều Tiên ở nước ngoài, có kết luận rằng thái độ cứng đầu với cộng đồng quốc tế cũng như việc khăng khăng duy trì, phát triển vũ khí hạt nhân cuối cùng sẽ khiến nền kinh tế Triều Tiên kiệt quệ. Vì vậy, tôi nghĩ là Triều Tiên thực ra đang ở thế yếu trên bàn đàm phán.
Trên tất cả, việc nắm được công nghệ ICBM không mang lại lợi thế nào vì không có chuyện chính quyền Kim Jong Un phóng tên lửa nhằm vào Mỹ hay các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc hay Nhật Bản mà không bị trả đũa quân sự với kết cục là Triều Tiên có thể bị hủy diệt.
Trương: Không đúng. Ông Trump đứng sau Hàn Quốc và họ cùng nhau yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa. Nếu ông Kim không đồng ý, Mỹ và Hàn Quốc có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm ở khu phi quân sự hai miền. Ảnh: AFP. |
- Xảy ra trước cuộc gặp giữa Donald Trump và Kim Jong Un, cuộc gặp giữa ông Kim và ông Moon dường như bị lu mờ. Ông nghĩ thế nào về tầm quan trọng của hội nghị liên Triều lần này và tác động của nó đến đàm phán Mỹ - Triều?
Nah: Thẳng thắn mà nói, cuộc gặp Trump - Kim không thể xem là che lấp cuộc gặp Moon - Kim. Nói gì thì nói, hội nghị liên Triều diễn ra trước và bản thân nó có những yếu tố về giá trị và thanh thế nhất định đính kèm. Đáng nói, cuộc gặp ngày 27/4 có thể là dịp để đưa đến sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên với một hiệp ước hòa bình giữa hai miền.
Nói về việc hỗ trợ cho cuộc gặp Trump - Kim, ông Kim và ông Moon có thể nhân cơ hội này cho ra đời một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa để giới thiệu với ông Trump, từ đó giúp các nhà ngoại giao Mỹ đỡ bớt một khối lượng công việc đồ sộ. Điều này cũng sẽ giúp chứng tỏ với ông Trump rằng chính quyền Moon có ảnh hưởng quan trọng về ngoại giao trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Trương: Đến cuối cùng, mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào việc ông Kim có sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ hay không. Cuộc gặp Trump - Kim đến nay có thể nói là quan trọng hơn và hai cuộc gặp không giống nhau.
Hayes: Cuộc gặp này cực kỳ quan trọng bởi vì đây là dịp Triều Tiên và Hàn Quốc cùng ngồi xuống để thảo luận các vấn đề quan trọng phải được quyết định trước ông Kim và ông Trump gặp nhau. Cuộc gặp này cũng là nền tảng để Hàn Quốc và Mỹ xây dựng kịch bản chi tiết để cuộc gặp Trump - Kim diễn ra thành công.
Kim Jong Un muốn khẳng định vai trò?
- Hàn Quốc và Triều Tiên mỗi bên muốn đạt được điều gì trong cuộc gặp lần này?
Hayes: Triều Tiên muốn Mỹ chấm dứt thái độ thù địch, chấm dứt việc đe dọa hạt nhân với sự tồn tại của chính quyền Bình Nhưỡng. Bình Nhưỡng cũng muốn được gỡ bỏ cấm vận, có được những viện trợ kinh tế thực chất, đồng thời thiết lập quan hệ bình đẳng, cân xứng với các chaebol (tập đoàn lớn) Hàn Quốc để khai thác tài nguyên, xóa bỏ các thiết chế lỗi thời và thúc đẩy thế hệ lãnh đạo trẻ cởi mở.
Hàn Quốc muốn tránh chiến tranh cũng như việc Triều Tiên sụp đổ, bởi cả hai điều này đều sẽ gây ra tổn thất to lớn cho nền kinh tế và nền dân chủ Hàn Quốc. Seoul muốn tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ để cân bằng với các nước lớn khác trong khu vực, đồng thời muốn duy trì sự ổn định để tập trung cho chương trình cải cách trong nước, giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng, tham nhũng và thay đổi thế hệ.
Trương: Với ông Moon, ông muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Với ông Kim, mục tiêu quan trọng nhất là chấm dứt sự cô lập của quốc tế.
Nah: Nói đơn giản, Kim Jong Un muốn đảm bảo sự lãnh đạo lâu dài. Mọi thứ khác, như phát triển kinh tế bền vững hay chấm dứt sự cô lập của quốc tế, là điều cần thiết vì chúng hỗ trợ cho sự tồn tại bất di bất dịch của chính quyền Kim.
Với Hàn Quốc, sự tồn tại của nhà nước không phải là vấn đề vì cả về kinh tế lẫn quân sự, họ đều phát triển hơn người láng giềng miền Bắc. Điều Seoul muốn là sự ổn định và hòa bình trên bán đảo. Việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa trong khi Mỹ, Hàn duy trì quan hệ đồng minh quân sự là điều quan trọng vì nó giúp loại bỏ một yếu tố gây bất ổn lớn trong khi đảm bảo hệ thống an ninh hiện tại của miền Nam.
Ý đồ thực sự của ông Kim Jong Un trong cuộc gặp đầu tiên với tổng thống Hàn Quốc vẫn chưa rõ ràng. Ảnh: KCNA/Reuters. |
- Có ý kiến cho rằng Triều Tiên xem mối quan hệ với Hàn Quốc là công cụ chiến lược để tiếp cận Mỹ, trong trường hợp này là lợi dụng nhu cầu về những bước đi đầu tiên hướng đến phi hạt nhân hóa. Ông nghĩ sao về nhận định này cũng như về ý định thực sự của nhà lãnh đạo Kim?
Hayes: Điều này đơn giản là không đúng. Triều Tiên đã tuyên bố sẽ đơn phương tiến hành các biện pháp quan trọng để "phi hạt nhân hóa". Quá trình này trải qua 3 bước: tạm dừng, xóa bỏ phương tiện chế tạo vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân. Sau các cuộc đàm phán giữa hai miền, Triều Tiên đã tiến hành 2 bước đầu tiên để thể hiện ý định của mình.
Trong cuộc gặp với ông Moon, Triều Tiên sẽ đặt an ninh cá nhân của ông Kim vào tay lực lượng Liên Hợp Quốc trên bán đảo khi ông Kim băng qua biên giới để tiến vào Nhà Hòa bình thuộc lãnh thổ Hàn Quốc. Khó có thể có cách thâm thúy hơn để truyền đi thông điệp rõ ràng về ý định của ông Kim, rằng ông đang làm một chuyện không thường làm, chứ không phải lại giở "chiêu cũ".
Trương: Ý đồ của ông Kim đến nay vẫn không rõ ràng. Ông nói với đặc phái viên Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng phi hạt nhân hóa nếu ông có được sự đảm bảo an ninh từ Mỹ cũng như sự bình thường hóa quan hệ song phương. Tuy nhiên, cuối tuần trước ông lại không hề đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa khi tuyên bố ngừng các vụ thử nghiệm hạt nhân. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể biết khi ông Kim và ông Trump gặp nhau.
Nah: Tôi không đồng ý với điều này. Nếu có bất cứ điều gì khác, Bình Nhưỡng đang sử dụng mối quan hệ tốt hơn với Seoul như một phương tiện để chia cắt Mỹ và Hàn Quốc. Về phi hạt nhân hóa, không có con đường nào xung quanh vấn đề này nếu Triều Tiên muốn tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với Washington. Các cố vấn của Trump hẳn đã thông báo cho ông về việc chính quyền Triều Tiên trước đây có xu hướng vi phạm thỏa thuận và nên nhấn mạnh vào việc giải trừ hạt nhân không thể đảo ngược và có thể kiểm soát trước khi bất kỳ nhượng bộ nào được đưa ra.
Về mục đích hay động cơ thực sự của ông Kim trong hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4, tôi đoán là ông đang cố gắng nêu bật vai trò của mình và uy tín của Bình Nhưỡng trong nỗ lực nhằm rũ bỏ địa vị nhà nước ngoài vòng pháp luật, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của Seoul cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế, và thậm chí tìm kiếm viện trợ nhân đạo từ Hàn Quốc trong thời gian tới.
Moon Jae In có thể giành Nobel Hòa bình?
- Chính sách Ánh dương của cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đã góp phần đưa đến hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000, cũng như mang về cho nhà lãnh đạo này giải Nobel Hòa bình. Các vị bình luận thế nào về vai trò của ông Moon Jae In cũng như cách tiếp cận song song của ông về Triều Tiên đối với cả hai cuộc gặp sắp tới?
Hayes: Ông Moon đã học hỏi về cách ứng xử với Triều Tiên khi làm việc dưới quyền hai tổng thống trước đây. Chậm hơn, từng bước một, thực chất hơn, nhưng dựa theo các thỏa thuận trong quá khứ để đưa ra các ý tưởng từng được cha và ông nội của ông Kim Jong Un tán đồng. Đó là cách tiếp cận của Hàn Quốc dưới thời Moon.
Ông ấy không hứng thú với việc "mua" hành vi tốt thông qua các khoản "hối lộ" không mang lại hiệu quả lâu dài, mà muốn xác định xem ông Kim Jong Un thực sự muốn gì, sau đó tìm ra những mục tiêu nào trùng với Hàn Quốc, những mục tiêu nào có thể được định hình lại thông qua tương tác với ông Kim và những mục tiêu nào hoàn toàn không thể đàm phán và vì thế trở thành chướng ngại trong quá trình tiến đến phi hạt nhân hóa hay cải thiện quan hệ hai miền.
Trương: Nếu các cuộc gặp sắp tới thực sự dẫn đến những thay đổi lớn về tình hình bán đảo Triều Tiên, ông Moon có thể sẽ được trao giải Nobel Hòa bình.
Nah: Tổng thống Moon thiên về lựa chọn hòa giải với miền Bắc nhiều hơn so với chính quyền Park và chính quyền Lee trước đây. Tuy nhiên, cũng như giới lãnh đạo Hàn Quốc mong muốn hướng tới hòa bình, chính Bình Nhưỡng phải hợp tác thiện chí để cải thiện vấn đề. Tôi thấy trước rằng cuộc gặp Moon - Kim sắp tới sẽ kết thúc với thông điệp tích cực, nhưng việc có thay đổi vĩnh viễn nào hay không còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng từ bỏ sự đối kháng quân sự và vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Moon Jae In thiên về giải pháp hòa giải với Triều Tiên nhiều hơn so với các chính quyền trước đây ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
- Liệu cuộc gặp Moon - Kim sẽ đưa đến những kết quả cụ thể nào?
Hayes: Kết quả quan trọng nhất có thể là một hiệp ước trong đó hai nước tuyên bố không còn xem nhau là kẻ thù, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau và sẽ xem xét sửa đổi hiến pháp để xóa bỏ nội dung nêu rằng họ có chủ quyền với toàn bộ bán đảo. Trước đây, hai bên từng không đồng ý ký kết hiệp ước, thay vào đó chỉ có các tuyên bố hoặc thỏa thuận vì một hiệp ước sẽ ám chỉ nước này nhượng bộ nước kia về chủ quyền đối với toàn bộ bán đảo.
Hàn Quốc không phải là bên ký kết hiệp ước đình chiến 1953, nhưng sự tồn tại mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên giờ đây là lý do cơ bản cho hiệp ước đình chiến. Điều này sẽ mở đường cho việc chấm dứt hiệp định được ký bởi Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên và cuối cùng là chấm dứt khuôn khổ quốc tế mang tính ràng buộc hiện có trong việc quản lý xung đột trên bán đảo. Về điểm này, các bên liên quan phải gặp nhau để bàn về một thực thể thay thế lực lượng LHQ hỗ trợ duy trì hòa bình và an ninh trên bán đảo bằng quân sự, hoặc không còn cần một lực lượng như vậy nữa.
Mức độ can dự của Trung Quốc vào thực thể hậu đình chiến, hậu LHQ này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tình hình địa chính trị ở Đông Bắc Á, cũng là điều mà các nước lớn chưa đưa ra lựa chọn. Thực tế, đa số nhà hoạch định chính sách thậm chí không nắm rõ về những thay đổi dưới chân mình khi hiệp định đình chiến chấm dứt và lực lượng LHQ trên bán đảo không còn cơ sở pháp lý hay chính trị để tồn tại. Khi họ tiến hành, họ sẽ nhận ra rằng ông Kim và ông Moon đang lèo lái quá trình mà sẽ giúp chấm dứt tình trạng "hòa bình lạnh" trên bán đảo hiện nay, mở ra kỷ nguyên mới dựa trên việc xây dựng các thiết chế an ninh, hòa bình tích cực chứ không phải tiêu cực, cho toàn bộ khu vực.
Nah: Dù Seoul nói rằng Bình Nhưỡng muốn ký hiệp ước hòa bình, kết quả mà hội nghị thượng đỉnh sẽ thực sự đạt được là không chắc chắn. Như những gì đã thấy từ bước ngoặt đầy bất ngờ khi Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, tôi thực sự không biết câu trả lời.
Trương: Không ai có thể dự đoán chắc chắn về kết quả của cuộc gặp. Mọi thứ phụ thuộc vào việc ông Kim có sẵn sàng tiến hành phi hạt nhân hóa hay không.