Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào ngày 27/4 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) nằm trong khu phi quân sự giữa hai nước. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên kể từ năm 2007.
Bình Nhưỡng đã chủ động đưa ra một số cam kết trước thềm cuộc gặp, bao gồm việc chấm dứt các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa cũng như thiết lập đường dây nóng với Seoul. Triều Tiên cũng báo hiệu rằng họ sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của lực lượng Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và ký hiệp ước không gây hấn.
Song Bình Nhưỡng cũng từng sử dụng các chiến thuật tương tự trong các cuộc đàm phán trước đó. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ không ngớt xung quanh ý định thực sự của ông Kim.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào ngày 27/4. Ảnh: AP. |
Tại sao lại diễn ra lúc này?
Triều Tiên và Hàn Quốc về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh sau khi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một hiệp ước ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên giờ đây họ lại cùng chia sẻ một lợi ích chung: ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mỹ, việc có thể dẫn đến chiến tranh toàn diện.
Nguy cơ về một cuộc tấn công như vậy đã nổi lên khá rõ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người từng nhiều lần đe dọa hành động quân sự.
Các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ dẫn dắt nhằm vào Triều Tiên đã cắt đứt hầu hết nguồn thu nhập của đất nước này, cũng đã giúp đưa Bình Nhưỡng đến bàn đàm phán.
Từ quan điểm của phía Triều Tiên, đây là thời gian phù hợp để tiến hành đối thoại.
"Triều Tiên đã lên kế hoạch xúc tiến đàm phán với Mỹ một cách rõ ràng ngay khi họ làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa", Masao Okonogi, giáo sư danh dự tại Đại học Keio ở Tokyo, cho biết.
Năm ngoái, Bình Nhưỡng tuyên bố họ đã phát triển thành công loại tên lửa tầm xa có khả năng tiếp cận đất liền Mỹ và tiến hành thử loại vũ khí mà họ nói là bom khinh khí (bom H). Điều này, về mặt lý thuyết, giúp củng cố vị thế của chính quyền Kim Jong Un trên bàn đàm phán.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba sẽ diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: Getty. |
Tại Thế vận hội mùa đông ở thành phố Pyeongchang của Hàn Quốc hồi tháng 2, em gái đồng thời là trợ lý thân cận của của lãnh đạo Triều Tiên, bà Kim Yo Jong, đã đến Seoul và mời Tổng thống Moon thăm Bình Nhưỡng. Hai bên cuối cùng đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Bàn Môn Điếm.
Ông Kim dự kiến có mặt tại đây vào sáng 27/4, đi bộ qua biên giới, và tiến vào Nhà Hòa bình, địa điểm nằm ở phía Hàn Quốc của làng đình chiến. Đây sẽ là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên băng qua biên giới hai miền kể từ cuộc chiến cách đây gần 70 năm.
Nhà Xanh, phủ tổng thống Hàn Quốc, thông báo lịch trình của hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm lễ chào mừng, các cuộc hội đàm và tiệc tối chính thức với sự tham dự của cả hai nhà lãnh đạo.
Khác gì so với hai lần trước?
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên đầu tiên diễn ra vào năm 2000 với sự tham gia cố lãnh đạo Kim Jong Il và tổng thống Hàn Quốc khi đó Kim Dae Jung. Lúc này, nền kinh tế của Triều Tiên đang trong tình trạng khủng hoảng và nạn đói vào cuối những năm 1990 đã làm suy giảm dân số, buộc ông Kim Jong Il phải tìm cách có được sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Cuộc gặp thứ hai là vào năm 2007 khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Moh Hyun hối thúc ông Kim Jong Il ngồi vào bàn đàm phán. Cuộc họp đưa đến thỏa thuận hợp tác cùng phát triển khu công nghiệp Kaesong ở phía bắc biên giới hai miền, bất chấp việc Mỹ quan ngại rằng hỗ trợ kinh tế sẽ làm suy yếu chiến dịch đa phương nhắm vào chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Mỹ và Hàn Quốc đã phối hợp chặt chẽ hơn cho hội nghị thượng đỉnh lần này. Seoul đảm nhận vai trò trung gian giữa Washington và Bình Nhưỡng khi ông Trump tìm kiếm một thỏa thuận với ông Kim Jong Un để giành được sự ủng hộ của cử tri trong nước trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11.
Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il gặp nhau vào năm 2000 tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP. |
Hàn Quốc kỳ vọng điều gì?
Tổng thống Moon, người ủng hộ việc đối thoại với Triều Tiên, đã vượt qua những căng thẳng ban đầu trong mối quan hệ với ông Trump, bằng cách cho thấy ông là "cầu nối" giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, những người cần đạt được thỏa thuận.
Đã dàn xếp được cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim, dự kiến trong tháng 5 hoặc tháng 6, nhiệm vụ của ông Moon giờ đây là đảm bảo cuộc gặp diễn ra theo đúng kế hoạch, tạo thêm động lực cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Chính sách "ngoại giao con thoi" của tổng thống Hàn được tiến hành sau cuộc khẩu chiến kéo dài gần cả năm giữa Bình Nhưỡng và Washington. Ông Trump nói Mỹ đã sẵn sàng để "phá hủy toàn bộ" Triều Tiên tại một phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2017, trong khi Triều Tiên đe dọa sẽ kích nổ một quả bom H trên Thái Bình Dương.
Ông Moon từng nhấn mạnh rằng Seoul phải "ngồi ở ghế tài xế" trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.
Chính sách của ông Moon tương phản hoàn toàn với cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Park Geun Hye, và việc này được công chúng ủng hộ. Cố tổng thống Kim Dae Jung từng được trao giải Nobel Hòa bình vì "Chính sách Ánh dương" của ông. Đó là chính sách thúc đẩy tiếp xúc với Bình Nhưỡng góp phần đưa đến hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000. Một số nhà quan sát cho rằng ông Moon có thể cũng có tham vọng tương tự.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bắt tay với bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un, tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang hồi tháng 2/2018. Ảnh: Yonhap. |
Triều Tiên kỳ vọng điều gì?
Ông Kim Jong Un trở thành lãnh đạo của Triều Tiên vào năm 2011 trước khi ông bước sang tuổi 30 và sẽ còn giữ vị trí này nhiều năm nữa.
Mục tiêu trước mắt của Bình Nhưỡng là giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Liên Hợp Quốc đã cấm hoàn toàn việc xuất khẩu than, quặng sắt, hàng may mặc và các mặt hàng khác của Triều Tiên, đồng thời hạn chế nguồn cung dầu cho nước này.
Mục tiêu sau cùng của Bình Nhưỡng là có được sự bảo đảm an ninh cho chế độ dưới hình thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ để đổi lại việc chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.
Ông Kim có thể sử dụng hội nghị lần này để cho thấy ông là một nhà lãnh đạo thực tế, người mong muốn cùng chung sống hòa bình, không phải đối đầu.
"Kim Jong Un muốn quảng bá hình ảnh ông là nhà lãnh đạo trẻ của một đất nước bình thường, bình đẳng với những người đứng đầu nhà nước khác", ông Bong Young Shik, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Triều Tiên Yonsei ở Seoul, nhận định.
Hai nước đã đồng ý truyền hình trực tiếp một phần cuộc gặp.
Mục tiêu trước mắt của ông Kim Jong Un là giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Hội nghị sẽ đạt được những gì?
Bình Nhưỡng và Seoul muốn đặt nền tảng để cuộc gặp Trump-Kim diễn ra thành công, và hai bên được kỳ vọng sẽ làm nổi bật những bước tiến hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa.
Họ cũng có thể chính thức tuyên bố chấm dứt hành động thù địch trong nỗ lực thay thế hiệp ước ngừng bắn năm 1953.
Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo không có khả năng đi sâu vào các vấn đề cụ thể như khung thời gian và mức độ phi hạt nhân hóa hay con số chính xác về lượng vũ khí thông thường mà hai bên cần cắt giảm.
Theo ông Shin Beom Chul, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, hai miền có khả năng xác nhận mục tiêu cơ bản của các cuộc đàm phán trong tương lai, như vấn đề phi hạt nhân hóa, hòa bình, các vấn đề nhân đạo và cải thiện quan hệ song phương.
"Nếu họ cho quá nhiều chi tiết vào các thỏa thuận, những nội dung cốt lõi có thể bị lu mờ", chuyên gia Shin nói.