Một đêm tháng 2, hàng lậu được dỡ khỏi những chiếc xe tải gần thị trấn Hyesan, bên bờ con sông chảy từ phía Trung Quốc. Khi lính biên phòng nhìn về hướng khác, các công nhân sử dụng xe đẩy để chở quặng kim loại như vonfram, chì, kẽm, đồng và vàng nén qua con sông đóng băng. Tất cả mặt hàng kim loại này đều bị cấm xuất khẩu theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Khi bình minh tới, những gì còn lại chỉ là dấu bánh xe và dấu chân trên bề mặt đã đóng băng của con sông.
Một nhân chứng người Triều Tiên nói với người quen tại Hàn Quốc rằng quặng kim loại, cũng như những vật liệu khác, được lén đưa vào Trung Quốc bằng cách như vậy gần như mỗi đêm. Người này cho biết những kẻ buôn lậu còn đi theo hướng ngược lại, vận chuyển đường, bột mì và những bao phân bón 50 kg vào Triều Tiên.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mới nhằm khiến Bình Nhưỡng ngừng chương trình vũ khí và tên lửa đã bắt đầu phát huy tác dụng, một cách hiệu quả. Các nhà máy phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu, ngư dân bỏ thuyền và các đơn vị quân đội Triều Tiên phải sử dụng phương tiện chạy bằng than, hay thậm chí xe bò kéo, để vận chuyển.
Tuy nhiên, những nỗ lực tinh vi nhằm tuồn hàng hóa ra ngoài và vào trong Triều Tiên cho thấy nước này đang tìm cách đối phó.
Một công trường tại Bình Nhưỡng tháng 6/2017. Ảnh: AFP/Getty. |
Bình Nhưỡng hiệu triệu lòng yêu nước, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, cũng như ưu tiên phân bố nguồn lực cho giới lãnh đạo quân sự và chính quyền. Dù thiếu hụt nhiều thứ, tỷ giá hối đoái và giá tiêu dùng các mặt hàng chính vẫn ổn định và không có dấu hiệu nào của nạn đói, theo các du khách thăm Triều Tiên gần đây và những người đào thoát vẫn giữ liên lạc với người quen trong nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In nói chính sách "tạo áp lực tối đa" lên chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã khiến ông này chịu ngồi vào bàn đàm phán. Mới đây, ông Trump cho hay đã cử Giám đốc CIA Mike Pompeo tới gặp gỡ bí mật ông Kim để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Hôm 19/4, ông Moon nhận định ông Kim đã dỡ bỏ một chướng ngại quan trọng để đàm phán với Mỹ khi ngừng yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc như điều kiện để phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, liệu những tác động từ các biện pháp trừng phạt có khiến ông Kim nhượng bộ và đánh đổi cả kho vũ khí hạt nhân của mình hay không, không thể có câu trả lời rõ ràng lúc này.
Nhiều nhà phân tích và người Triều Tiên đào thoát nghi ngờ rằng chỉ các biện pháp trừng phạt kinh tế, dù có nặng nề đến mức nào, cũng khó lòng thay đổi hành động của Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong Un dường như đã củng cố nhận định trên khi cảnh báo người dân mới đây rằng họ phải chuẩn bị để vượt qua những điều khó khăn hơn nữa. "Cuộc cách mạng của chúng ta đang đối mặt với những thách thức khắc nghiệt nhất từ trước tới giờ", nhà lãnh đạo nói trong bài phát biểu mừng năm mới.
"Nếu bạn nghĩ người Triều Tiên sẽ nổi dậy hoặc nhà nước Triều Tiên sụp đổ vì lệnh trừng phạt thì bạn chẳng biết gì về họ", Kang Mi Jin, một phụ nữ Triều Tiên đào thoát khỏi quê nhà và hiện làm việc tại ngân hàng trung ương Hàn Quốc. "Họ là những người đã sống sót qua nạn đói bằng cách ăn cỏ dại và thậm chí còn kể về chuyện đó đầy tự hào".
Thế nhưng, những biện pháp trừng phạt mới nhất đang gây đau đớn Triều Tiên theo cách chưa từng có trước đây. Một số nhà phân tích cho rằng những thay đổi nội tại của Triều Tiên, như sự hình thành tầng lớp trung lưu mới và việc Kim Jong Un hứa sẽ cải thiện cuộc sống cho người dân, có thể khiến ông thêm sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, nếu sự sống còn của chính quyền Bình Nhưỡng được bảo đảm.
"Chúng ta bắt đầu thấy bài kiểm tra lớn đầu tiên đối với kinh tế Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un", Curtis Melvin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Mỹ - Hàn Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế cấp cao Johns Hopkins, nói.
"Sức ép tối đa"
Kể từ tháng 9/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cấm mọi mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên, bao gồm than đá, quặng sắt, hải sản và hàng dệt may. Nếu được thực thi đầy đủ, những biện pháp này có thể loại bỏ 90% tổng xuất khẩu bằng đồng USD của Triều Tiên.
Biện pháp đặt biệt nặng nề được đưa ra tháng 12/2017, hạn chế mức nhập khẩu dầu mỏ tinh chế của Triều Tiên chỉ còn nửa triệu thùng mỗi năm, giảm 90% so với năm trước.
Thị trấn biên giới Hyesan nhìn từ phía Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Triều Tiên vẫn có thể trích xuất 1,2 triệu thùng xăng, dầu diesel và dầu hỏa từ bốn triệu thùng dầu thô được phép nhập khẩu mỗi năm, chủ yếu là từ Trung Quốc, nhà phân tích năng lượng Lee Jong Heon cho biết. Tuy nhiên tổng cộng 1,7 triệu thùng dầu mỏ tinh chế thậm chí chưa bằng một nửa số lượng cần thiết để vận hành 280.000 ôtô ở Triều Tiên, chưa kể phục vụ sưởi ấm và đáp ứng nhiều nhu cầu khác, Lee phân tích.
Theo các chuyên gia, các lệnh trừng phạt và việc Trung Quốc sẵn sàng thi hành nhiều trong số đó đã dội gáo nước lạnh vào một trong số ít những điểm sáng trong nền kinh tế Triều Tiên: thương mại với Trung Quốc, thị trường lớn về quặng và các tài nguyên thiên nhiên khác của Triều Tiên.
“Sản lượng đã giảm mạnh, nếu không muốn nói là hoạt động khai thác đã bị ngưng trệ ở các mỏ than, sắt, kẽm và đồng. Jiro Ishimaru, người điều hành Asia Press, trang web giám sát Triều Tiên có trụ sở tại Nhật Bản, cho biết. "Nhiều thợ mỏ không tới làm vì giới quản lý không thể cung cấp khẩu phần ăn hoặc trả lương cho họ".
Xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc, chiếm hơn 90% ngoại thương của nước này, đã giảm 1/3 xuống còn 1,65 tỷ USD năm ngoái, với kim ngạch giảm từ 60-95% trong những tháng gần đây.
"Sẽ không còn nữa cảnh các thương nhân nhỏ từ Triều Tiên đi bộ hoặc ngồi trên ôtô qua Trung Quốc vào buổi sáng và trở về nhà vào buổi tối với những phụ tùng xe và thực phẩm để bán trên thị trường chợ đen", chuyên gia về Triều Tiên tại Trung Quốc Wu Qiang nói.
Các biện pháp trừng phạt cũng khiến Trung Quốc và nhiều quốc gia khác cho hồi hương hàng chục nghìn lao động Triều Tiên, cắt đứt nguồn ngoại tệ quan trọng khác cho chính phủ của Kim Jong Un.
Không có ngoại tệ, Triều Tiên sẽ gặp khó khăn trong nhập khẩu hàng tiêu dùng cho người dân và nguyên liệu cho các nhà máy. Phân bón cũng không thể được nhập khẩu đúng vụ mùa, khiến bóng ma nạn đói lại lơ lửng.
Các viên cứu trợ nhân đạo đến Triều Tiên gần đây cảnh báo rằng tình trạng thiếu lương thực có thể trầm trọng hơn do thiếu nhiên liệu. Xe tải trước đây được sử dụng để vận chuyển hàng hóa hai lần mỗi ngày hiện chỉ hoạt động mỗi ngày một lần trên vài tuyến, dù một số xe đã mở rộng sàn để chở được nhiều hàng hơn.
Khách thăm Triều Tiên gần đây cũng mô tả tình trạng thiếu thuốc men. Năm ngoái, khi các bác sĩ Hàn Quốc phẫu thuật cho một người lính Triều Tiên đào thoát qua một trận mưa đạn, họ tìm thấy đầy giun trong ruột của anh này.
Điểm gãy
Mặc cho tất cả điều trên, các nhà phân tích cho rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Triều Tiên đã chạm điểm giới hạn.
Tại Bình Nhưỡng, điện vẫn còn đủ để đèn đường sáng vào ban đêm, các nhà báo Hàn Quốc vừa thăm Triều Tiên vào tháng này cho hay. Người dân tại thủ đô có vẻ đều mang điện thoại di động và phụ nữ thì phục sức thời trang hơn trước đây.
Nhiều người dân Bình Nhưỡng sử dụng điện thoại di động. Ảnh: AFP/Getty. |
Sau khi tăng vọt hồi năm ngoái, giá xăng dầu đã ổn định trong những tháng gần đây, dù vẫn cao gần gấp đôi so với 2017. Triều Tiên có khả năng đối phó với tình trạng này bằng cách giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ - chỉ chiếm 12% sản lượng năng lượng - và sử dụng than cho các nhà máy điện trong nước, chuyên gia năng lượng Lee Jong Heon cho hay.
"Tôi không nghĩ họ sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình vì thiếu dầu", Lee nhận xét.
Nhiều chuyên gia và khách thường xuyên đến Triều Tiên nói rằng nền kinh tế của đất nước này cũng mạnh hơn nhiều so với những gì người ngoài nhận ra. Chính quyền của ông Kim đã thực hiện các cải cách kinh tế định hướng thị trường, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trang trại và nhà máy và cho phép các hoạt động thị trường đang phát triển giúp cải thiện nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân.
Giới kinh doanh có tiền tạo nên tầng lớp trung lưu mới. Giới tinh hoa lại càng giàu có hơn, có dự trữ hàng hóa và ngoại tệ.
"Chúng tôi chưa thấy gián đoạn lớn trong thị trường liên quan đến các biện pháp trừng phạt", Ishimaru từ Asia Press cho biết. “Thị trường Triều Tiên tỏ ra khá kiên cường trước trừng phạt”.
Kang Ji Min thì nhận định Triều Tiên hiện được chuẩn bị tốt hơn rất nhiều trước đây để vượt qua các biện pháp trừng phạt. “Họ có chợ”, Kang nói. “Có gạo ở đó. Nhiều người có dự trữ tiền mặt”.
Kang cho hay Bình Nhưỡng còn hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu, mang về tiền tệ và một số hàng tiêu dùng.
Một nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc chỉ ra Triều Tiên kiếm được 200 triệu USD trong năm qua thông qua giao dịch bất hợp pháp, bao gồm cả việc bán vũ khí. Hồi tháng 2, Washington đã đưa vào danh sách đen 56 tàu và công ty vận tải biển bị phát hiện vận chuyển nhiên liệu và các hàng hóa bị cấm từ tàu này sang tàu khác giữa biển. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho hay Triều Tiên đang tiến hành các kế hoạch ăn cắp trên không gian mạng.
Mức độ buôn lậu thực tế có thể lớn hơn nhiều so với ước tính. Các hoạt động buôn lậu vào ban đêm đã trở nên phổ biến hơn dọc theo biên giới với Trung Quốc, theo những người đào thoát có nguồn tin từ trong Triều Tiên khẳng định. Các cảnh sát mật của Triều Tiên thông đồng với lính biên phòng để tạo ra một khoảng mở trong vài giờ, trong khoảng thời gian đó những người buôn lậu được tự do vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước.
Kang Ji Min thu thập thông tin từ các nguồn trong nước và cho hay nghiên cứu sơ bộ về các thị trấn Triều Tiên gần biên giới cho thấy số lượng người buôn lậu đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi lệnh trừng phạt bắt đầu có tác dụng.
"Siết chặt trừng phạt khiến cơn đau lớn hơn, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ chết", Rüdiger Frank, nhà kinh tế học tại Đại học Vienna chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, nhận định. "Tôi không tin các biện pháp trừng phạt là yếu tố chính dẫn đến những cuộc đàm phán hiện tại".
"Bom phá hầm"
Còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng đầy đủ của các biện pháp trừng phạt, mới chỉ bắt đầu tác động mạnh trong nửa cuối năm 2017, sau khi Trung Quốc quyết định thực thi. Điều này đồng nghĩa với việc tình hình ở Triều Tiên có thể xấu hơn nữa.
Các biện pháp trừng phạt có thể trở thành quả "bom phá hầm" thực sự với nền kinh tế Triều Tiên, Kim Byung Yeon, nhà kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định. Theo ông, nếu các biện pháp trừng phạt được duy trì, chúng có thể đe dọa chính quyền Triều Tiên bằng cách khiến cả giới tinh hoa và dân chúng Triều Tiên phải chịu đựng khó khăn về kinh tế.
Quốc kỳ Triều Tiên sáng trên đỉnh khách sạn Ryugyong ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP/Getty. |
“Tôi lo ngại rằng những tiến bộ và thành quả đạt được trong những năm gần đây về an ninh lương thực và thị trường có thể mờ dần do các biện pháp trừng phạt", Katharina Zellweger nói. Bà đã tới Triều Tiên 70 lần kể từ năm 1995 và sống tại đây trong khoảng 2006-2011 để làm việc cho chương trình viện trợ của Thụy Sĩ. "Điều đó có nghĩa là chúng ta đang thụt lùi".
Một thương nhân Trung Quốc kinh doanh với tầng lớp trung lưu Triều Tiên cho hay đã nhận thấy nỗi bất mãn ngày càng tăng với chính phủ vì sự thiếu hụt trong kinh tế.
"Tôi có thể cảm thấy họ không hài lòng với chính phủ, và nếu chính quyền không thể giải quyết vấn đề trừng phạt, thì sự không hài lòng đó sẽ tiếp diễn", ông này cho biết. "Họ đã mất lòng trung thành với chế độ".
Tuy nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn nắm trọn kiểm soát. Khách thăm Triều Tiên và người đào thoát cho hay người Triều Tiên nhiều khả năng tự coi mình là công dân của một quốc gia nhỏ bị đàn áp bởi nước Mỹ thù địch, hơn là đổ lỗi cho chính quyền vì những khó khăn kinh tế.
"Chúng tôi hỏi mọi người về tác động của các biện pháp trừng phạt", Linda Lewis, đại diện Ủy ban hỗ trợ bè bạn Mỹ vừa thăm Triều Tiên tháng 11/2017 chia sẻ. “Câu trả lời thường nhận được là: 'Chúng tôi chưa từng trải nghiệm cuộc sống không chịu lệnh trừng phạt nào, thì làm sao mà biết được?'".