Bất chấp các thông tin tích cực trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp diễn ra ngày 27/4, người dân Hàn Quốc vẫn tỏ ra hoài nghi ý định thực sự của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Mới năm ngoái, Triều Tiên vẫn còn đe dọa Hàn Quốc, và người dân ở trung tâm Seoul còn phải tập sơ tán một cuộc tấn công. Bây giờ, ông Kim tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình hạt nhân và thử tên lửa, đóng cửa địa điểm thử hạt nhân, để tập trung phát triển kinh tế. Ông cũng nói sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân với các điều kiện nhất định.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae In vào ngày 27/4 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: AP |
Nghi ngờ ý định của Triều Tiên
“Các tuyên bố chỉ là lời nói”, sinh viên Kim Han-nuri, 23 tuổi, nói với Reuters ở trung tâm Seoul. “Tôi không tin chúng ta có thể thiết lập quan hệ ngoại giao hay an ninh của chúng ta sẽ được đảm bảo”, Kim nói.
“Triều Tiên chắc đang giả vờ như vậy để câu giờ và nới lỏng các lệnh trừng phạt, chứ không hề có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân”, Kim Chang-guk, 73 tuổi, nói với New York Times. Ông đã tới trung tâm Seoul một cuối tuần gần đây để biểu tình phản đối cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.
Nhưng Choi Hae-jong, 55 tuổi, chủ một trạm xăng ở thành phố Ulsan, tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ thực sự từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ và bảo đảm an ninh. “Ông ấy biết không thể lo cơm áo cho người dân bằng vũ khí hạt nhân và xe tăng”, Choi nói với New York Times.
Hầu hết người Hàn Quốc tin tưởng vào tổng thống của họ. Tỷ lệ ủng hộ của ông Moon Jae-in đạt 67,8% vào tuần thứ 3 của tháng này. Nhưng họ chưa tin tưởng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Dù 81% người Hàn Quốc ủng hộ tổ chức cuộc gặp với Triều Tiên theo một thăm dò tháng trước, chưa đầy 30% tin rằng ông Kim sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đã mất hơn 2 thập kỷ để phát triển, theo một thăm dò khác trong tháng này.
Hàng rào phủ kín các thông điệp cầu chúc cho hòa bình và thống nhất ở công viên hòa bình Imjingak gần khu phi quân sự (DMZ) chia cắt 2 miền Triều Tiên. Ảnh: AFP/Getty Images. |
Không ai có thể ngờ mối quan hệ giữa 2 miền cải thiện nhanh đến như vậy, kể từ ông Kim khiến thế giới ngạc nhiên với bài phát biểu năm mới 2018, trong đó ông đề nghị đối thoại với Hàn Quốc và gửi phái đoàn tham dự Olympic Mùa đông ở nước này.
“Khi tiếp xúc với Triều Tiên, khó mà không nghi ngờ, có thể họ sẽ lại lừa dối chúng tôi”, Choi Hae-pyeong, một doanh nhân 55 tuổi ở phía nam Seoul, nói với New York Times.
Người Hàn Quốc từng lạc quan sau các hội nghị thượng đỉnh năm 2000 và 2007. Hàn Quốc đồng ý viện trợ hàng tỷ USD cũng như đầu tư vào khu công nghiệp chung Kaesong, nhưng Triều Tiên sau cùng vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân mặc dù đã đồng ý tạm dừng.
Lần này, bước vào cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, lãnh đạo 34 tuổi của Bình Nhưỡng sở hữu kho tên lửa hạt nhân mạnh hơn trước.
Yeo Young-ju, 44 tuổi, cho rằng lần này không nên viện trợ kinh tế chừng nào Triều Tiên chưa chứng tỏ được các cam kết của mình.
“Đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3. Triều Tiên tỏ ra sẽ phi hạt nhân hóa trong 2 cuộc gặp trước nhưng rồi chúng ta lại trở về vạch xuất phát”, Yeo nói. “Chúng ta phải kiểm tra xem họ đã tiêu hủy vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân chưa”.
Món tráng miệng được chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh được trang trí bởi hình bán đảo Triều Tiên thống nhất màu xanh. Ảnh: AFP. |
Không còn coi trọng việc thống nhất
Nhiều thế hệ người Hàn Quốc trước nay luôn coi mục tiêu của dân tộc là hòa giải và thống nhất với đồng bào của họ ở miền Bắc. Nhưng sau 7 thập kỷ chia cắt, hố sâu ngăn cách quá lớn khiến nhiều người không còn mặn mà với mục tiêu thống nhất như trước, đặc biệt trong thế hệ trẻ.
“Không giống những người 60 tuổi trở lên vẫn còn coi Triều Tiên là đồng bào của mình, nhiều người ở tuổi đôi mươi chỉ coi Triều Tiên là ‘kẻ thù’ hay ‘người lạ’”, theo một nghiên cứu được đăng vào tuần trước của Viện Chính sách Asan ở Seoul. “Nhiều người ở tuổi 20 thờ ơ với việc thống nhất và không coi đó là vấn đề cấp bách”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thứ 3 bên phải, gặp phái đoàn Triều Tiên tháng 2/2017. Ảnh: Getty Images. |
Những cuộc gặp lịch sử sắp tới giữa lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Moon hay Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài hơn 60 năm và mở ra cơ hội đoàn tụ cho hàng trăm gia đình.
Nhưng đối với thanh niên Hàn Quốc, đó chỉ là một trong hàng loạt các nỗi lo khác mà họ phải nghĩ tới như tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục, dân số già đi, kinh tế tăng trưởng trì trệ, hay các bê bối tham nhũng ở cấp cao nhất của chính phủ, theo tạp chí TIME.
Một điều tra năm ngoái của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, một tổ chức chính phủ, cho thấy 71,2% thanh niên độ tuổi 20-30 ở nước này phản đối hợp nhất hai miền Triều Tiên. Tính chung các nhóm tuổi, tỷ lệ ủng hộ việc thống nhất đã giảm còn 57,8% so với 70% vào 4 năm trước.
“Với thế hệ trẻ, Triều Tiên không còn quan trọng nữa”, Somin Yoon, 23 tuổi, sinh viên kinh tế từ Seoul, nói với TIME.
“Chúng tôi không muốn chính phủ tập trung vào Triều Tiên”, Minyong Yoon, 25 tuổi, sinh viên công nghệ thông tin từ thành phố Suwon ở ngoại ô Seoul, cho biết. “Chúng tôi còn quá nhiều việc phải giải quyết”.
Tuy vậy, Soojin Oh, 23 tuổi, sinh viên ngành du lịch, vẫn ủng hộ việc thống nhất, mặc dù cô thừa nhận đó là quan điểm thiểu số trong bạn bè của mình. “Chúng tôi sẽ hưởng lợi vì có thể giảm chi phí quân sự”, cô nói.