Trên các chợ mạng, việc mua bán cua hoàng đế, tôm hùm và bào ngư diễn ra nhộn nhịp. Hầu hết chủ cửa hàng kinh doanh hải sản tại đây đều công khai giá, giúp người mua dễ dàng chọn lựa.
Hiện nay, tôm hùm Alaska đông lạnh có giá dao động 500.000 đến 600.000 đồng/kg. Tôm hùm Alaska tươi sống có giá khoảng 1,1-1,25 triệu đồng/kg. Tôm hùm xanh baby có giá 600.000-700.000 đồng/kg (3-4 con/kg). Cua hoàng đế có giá 2-2,1 triệu đồng/kg. Bào ngư Hàn Quốc có giá 1,2 triệu đồng/kg (10-12 con/kg). Bào ngư Australia có giá 1,6 triệu đồng/kg (3-5 con/kg).
Các loại hải sản cao cấp thu hút sức quan tâm lớn những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Văn Hưng. |
Trao đổi với Zing, chị Thanh Tâm - đại diện cửa hàng hải sản online trên phố Nguyễn Khuyến (Đống Đa, Hà Nội) - cho biết lượng khách mua dòng hải sản cao cấp vẫn ổn định, hầu như không giảm so với trước dịch. Các loại hải sản như tôm hùm, cua hoàng đế và bào ngư được khách hàng quan tâm nhất.
Chị Tâm nhận định giá tôm, cua cao cấp đang ở mức khá hợp lý nên thu hút người tiêu dùng. Kể từ năm 2020, giá một số mặt hàng hải sản nhập khẩu cao cấp đã giảm sâu. Hiện tại, mức giá đó vẫn duy trì, hấp dẫn người mua.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá đầu vào hải sản nhập khẩu tăng khoảng 10%. Chị Tâm cho rằng nguồn hàng hải sản khan hiếm vì gặp khó khăn trong khâu nhập khẩu. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng khiến hải sản buộc tăng giá nhẹ.
Vừa mua 2 kg tôm hùm xanh baby, anh Tuấn Tú cho biết cửa hàng hải sản online còn trực tiếp gọi video, quay cảnh cân tôm hùm và chế biến cho anh. “Không thể tới tận nơi chọn lựa, cửa hàng làm vậy khiến tôi an tâm hơn”, anh Tú tâm sự.
Tương tự chị Tâm, đại diện cửa hàng hải sản nhập khẩu online có địa chỉ trên phố Hàng Nón (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã hết sạch tôm hùm Alaska từ chiều ngày 10/8. “Hiện cửa hàng chỉ còn bào ngư và cua hoàng đế. Tôm hùm Alaska phải chờ tới cuối tuần”, đại diện cửa hàng cho hay.
Chia sẻ với Zing, đại diện cửa hàng cho biết mỗi ngày bán được hơn 10 kg bào ngư. Tôm hùm các loại trung bình bán được 5-10 kg/ngày. Cua hoàng đế bán được ít hơn, chỉ khoảng 3-8kg/tuần.
Trái ngược với cảnh tấp nập trên chợ mạng, một số cửa hàng bán hải sản nhập khẩu trực tiếp vẫn rơi vào tình cảnh ế ẩm.
Anh Vũ - đại diện cửa hàng hải sản nhập khẩu Hải Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) - cho biết từ khi Hà Nội siết chặt giãn cách, lượng khách hàng giảm tới 50%. Để đảm bảo nguồn vốn, cửa hàng đã cắt giảm 50% khối lượng hàng nhập hàng tháng.
Ngoài ra, dù tích cực chạy chương trình giảm giá, doanh thu vẫn không thấm vào đâu. “Cơ bản khách hàng quanh khu vực này không có nhu cầu với hải sản nhập khẩu nên rất khó bán”, anh Vũ chia sẻ.