Vốn là một họa sĩ, anh Văn Nhương - chủ xưởng tranh sơn dầu số hóa Dali trên đường Kim Giang (Thanh Trì, Hà Nội) - quyết định theo đuổi mô hình kinh doanh tranh sơn dầu số hóa từ những ngày đầu năm 2020.
Lượng đơn hàng tăng vọt
Trò chuyện cùng Zing, anh Nhương cho biết tranh sơn dầu số hóa được phác họa lại từ bức tranh hoặc hình ảnh gốc nhờ công nghệ phân tích màu sắc và đường nét. Các mảng chi tiết tranh được bo tròn, đánh số tương ứng với những con số trên bộ màu vẽ. Nhiệm vụ của người dùng là tô các mảng số trên bức tranh bằng loại màu được đánh số tương ứng.
Ngoài ra, tranh sơn dầu số hóa được in trên chất liệu vải canvas bền, đẹp. Chất liệu màu vẽ là bột màu acrylic pha sẵn, có độ phủ cao, bám dính tốt và không độc hại.
Dù dịch bệnh, xưởng tranh sơn dầu số hóa của anh Nhương vẫn đắt khách. Ảnh: NVCC. |
Nhận thấy mô hình kinh doanh tiềm năng, anh Nhương cùng một người bạn đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để mở xưởng sản xuất tranh sơn dầu số hóa. Trong bối cảnh dịch bệnh, xưởng tranh của anh vẫn đạt doanh số trên dưới 1.000 bức/ngày.
Hiện tại, sản phẩm tranh sơn dầu số hóa của anh Nhương đã xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia.
Tương tự, chị Thảo Nhi - chủ cửa hàng tranh số hóa online có địa chỉ tại phố Nguyễn An Ninh (Hoàng Mai, Hà Nội) - cũng khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh này.
Trước khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, doanh số cửa hàng chị Nhi đạt được khoảng 20-30 đơn hàng/ngày. Thời gian gần đây, cửa hàng chị nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng hơn.
“Sau khi dịch bệnh quay trở lại, số lượng đơn hàng đặt mua tranh sơn dầu số hóa tăng đột biến. Có ngày cửa hàng bán tới 200 bức tranh”, chị Nhi cho hay.
Đem lại giá trị tích cực trong dịch
Với công thức duy nhất là tô màu theo các ô số, người dùng có thể hoàn thiện một bức tranh từ đơn giản đến cầu kỳ mà không đòi hỏi phải có kỹ thuật hội họa.
Chị Hoàng Cầm - nhân viên văn phòng, ngụ tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) - cho biết sự xuất hiện của tranh sơn dầu số hóa đã tạo cơ hội cho những người đam mê hội họa nhưng chưa có điều kiện tiếp cận như chị trải nghiệm.
Trên thị trường, tranh sơn dầu số hóa có giá dao động trong khoảng 40.000-300.000 đồng/bức, tuỳ thuộc độ phức tạp của tranh. "Mức giá này phù hợp cho học sinh, sinh viên và những người thu nhập thấp trong dịch”, chị Nhi nhận định.
Không chỉ đóng vai trò là vật phẩm trang trí, tranh sơn dầu số hóa còn đem lại nhiều lợi ích về tinh thần. Ảnh: NVCC. |
Theo chị Nhi, trong bối cảnh dịch bệnh khiến người dân phải ở nhà nhiều hơn, việc tô tranh phần nào giúp mọi người tránh được những khó chịu thường ngày và rời xa thiết bị điện tử.
Để giảm tần suất dùng điện thoại, xem tivi của 2 con, chị Hoàng Cầm đã mua tranh sơn dầu số hóa cho cả gia đình cùng tô.
“Sau mỗi bữa cơm, cả 4 người trong nhà đều nghỉ ngơi bằng việc tô tranh thay vì mỗi người ôm một cái ‘màn hình’ như trước”, chị Cầm tâm sự.
Anh Việt Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ rằng tranh thủ thời gian được làm việc tại nhà, anh mua tranh sơn dầu số hóa cùng tô với bố mẹ.
"Ngồi tô tranh với bố mẹ giúp tôi cảm thấy gắn kết với họ nhiều hơn", anh Phương chia sẻ.
Trao đổi với Zing, anh Nhương khẳng định tranh sơn dầu số hóa đem lại rất nhiều lợi ích. Với trẻ nhỏ, tô tranh theo ô số là cách để các bé phát triển trí não, cọ xát với màu sắc và rèn luyện tính kiên trì. Với người lớn, việc tô tranh đem lại cảm giác tĩnh tâm, tập trung cao độ và rèn luyện sự khéo léo.
Khó khăn song hành
Song, mô hình kinh doanh tranh sơn dầu số hóa giữa thời dịch bệnh vẫn gặp một số khó khăn nhất định.
Để đảm bảo an toàn và thực hiện lệnh giãn cách, anh Nhương hiện chủ yếu giao việc cho nhân viên làm tại nhà ở các khâu thiết kế, chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, quá trình làm việc từ xa đôi khi dẫn đến việc nhầm lẫn, bỏ lỡ thông tin, cản trở hoạt động vận hành của công ty.
Vì dịch bệnh, bộ phận sản xuất của anh cũng phải tạm ngừng hoạt động, gây ngắt quãng chuỗi sản xuất và xuất khẩu. Chi phí khấu hao máy móc, thuê mặt bằng cũng vì thế mà tăng lên.
Bên cạnh đó, khoản chi phí hoàn hàng khá lớn khi nhiều khu vực tại TP.HCM phong tỏa, đơn hàng không thể tới tay người nhận.
Tô tranh số hóa là cách để nhiều gia đình rèn luyện tính kiên nhẫn, tách con trẻ khỏi thiết bị điện tử trong mùa dịch. Ảnh: NVCC. |
Với chị Thảo Nhi, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tất cả nhân viên của chị nghỉ việc, về quê lánh dịch. Trong bối cảnh đơn hàng tăng vọt, chị Nhi và gia đình trở thành "nhân viên bất đắc dĩ". Từ khâu chăm sóc khách hàng, chốt đơn đến gói hàng đều do 2 vợ chồng chị cùng bố mẹ chồng đảm nhiệm.
"Số lượng đơn hàng tăng trong khi cửa hàng thiếu hoàn toàn nhân lực gây sức ép lớn đến bản thân mình và gia đình. Tuy nhiên, cả nhà đều cảm thấy may mắn vì vẫn có thể kiếm tiền trong mùa dịch", chị tâm sự với Zing.