Ngày 5/8, chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ hạn chế đưa các ca mắc Covid-19 nhập viện tại các bệnh viện đang tập trung nhiều trường hợp nhiễm bệnh thể nặng. Người bệnh mắc Covid-19 thể nhẹ sẽ được hướng dẫn phục hồi tại nhà.
Trong trường hợp các ca mắc Covid-19 thể nhẹ chuyển biến nặng, giới chức thành phố Nhật Bản lên kế hoạch chuẩn bị trang thiết bị cần thiết để ứng phó.
Theo Nikkei Asia, công ty Daikin tuyên bố tăng gấp đôi sản lượng sản xuất máy cô đặc oxy và oxy y tế. Ngoài ra, Daikin quyết định tăng tốc độ sản xuất lên mức tối đa trong các nhà máy đặt tại Trung Quốc.
Teijin Pharma - công ty sản xuất thiết bị tạo oxy hàng đầu Nhật Bản - tăng sản lượng cung cấp thiết bị tạo oxy trung bình hàng tháng lên 10% so với tháng 12/2019.
Nhu cầu sử dụng máy đo nồng độ oxy tại Nhật Bản gia tăng. Ảnh: Health Library. |
Tháng 4, Fukuda Denshi - công ty cung cấp thiết bị tạo oxy đứng thứ 2 Nhật Bản - cũng nâng sản lượng sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Chiba (Tokyo, Nhật Bản) lên mức 50%, tăng so với sản lượng tiền đại dịch.
Bên cạnh thiết bị tạo oxy, nhu cầu về máy đo oxy xung nhịp - thiết bị đo nồng độ oxy trong máu bệnh nhân - cũng tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh tại xứ sở hoa anh đào.
Nihon Seimitsu Sokki - công ty cung cấp máy đo oxy xung nhịp hàng đầu Nhật Bản - đã tăng công suất sản xuất lên 50% kể từ tháng 12/2020. Tháng 4, công ty Konica Minolta cam kết đảm bảo công suất sản xuất tăng gấp 20 lần, mở rộng phạm vi sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Aichi (Nhật Bản) theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu khiến nhiều công ty sản xuất thiết bị oxy này gặp khó khăn. Fuduka Denshi là một trong những nhà máy cung cấp thiết bị y tế chịu ảnh hưởng.
Không chỉ công ty Fuduka Denshi, sản lượng thực tế của máy đo oxy xung nhịp của nhà sản xuất Nihon Seimitsu cũng chỉ tăng khoảng 20%-30%, ít hơn công suất dự tính ban đầu do sự cố thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn và linh kiện. Tương tự, nhà sản xuất thiết bị y tế Teijin Pharma cũng gặp khó khăn trong việc sản xuất máy đo oxy xung vì thiếu chip.