Thị trường chứng khoán trong nước đang diễn biến khó lường với những biến động liên tục, chỉ số chính nhìn chung có chiều hướng đi xuống.
Dù vậy thị trường cũng tồn tại những câu chuyện đầu tư riêng. Sau nhóm cổ phiếu hàng hóa dậy sóng thì đến lượt một nhóm cổ phiếu liên quan đến Tasco - DNP Corp cũng bứt phá, thu hút được dòng tiền lớn trong các phiên gần đây.
Loạt cổ phiếu tăng trần
Cổ phiếu HUT của Công ty CP Tasco - doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực BOT - đang gây chú ý lớn trên thị trường với đà tăng mạnh và thanh khoản lớn.
Trong 3 tháng gần nhất thì mã chứng khoán này có giai đoạn tăng giá gấp đôi lên mức đỉnh lịch sử 46.500 đồng/cổ phiếu, trước khi có sự điều chỉnh trong phiên gần nhất.
Cổ phiếu này cũng ghi nhận dòng tiền đổ vào rất lớn với giá trị giao dịch hơn trăm tỷ đồng mỗi phiên. Đặc biệt trong phiên 17/3 có gần 7,6 triệu cổ phiếu HUT được sang tay với giá trị kỷ lục 337 tỷ đồng.
Nếu tính rộng ra hơn nửa năm về trước thì mã chứng khoán của Tasco đã tăng một mạch từ cùng mệnh giá 10.000 đồng lên 42.500 đồng như hiện tại.
Bên cạnh đó một số cổ phiếu có liên quan cũng bất ngờ được dòng tiền chú, đẩy giá cổ phiếu lên hết biên độ trong 2-4 ngày liên tiếp cùng lượng lượng dư mua trần vẫn còn rất lớn.
Cụ thể mã chứng khoán NVT của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay tăng trần 4 phiên lên 19.300 đồng và vẫn còn hơn nửa triệu cổ phiếu chất giá trần.
Cổ phiếu VC9 của công ty Xây dựng số 9 cũng tương tự tăng hết biên độ trong 4 phiên gần nhất lên 17.000 đồng và cũng có lượng dư mua trần hơn nửa triệu cổ phiếu hôm 17/3.
Trong khi đó DNP của công ty Nhựa Đồng Nai (DNP Corp) tăng trần trong 3 phiên liên tiếp lên mức kỷ lục 26.100 đồng. Cổ phiếu JVC của Thiết Bị Y tế Việt Nhật tăng trần 2 phiên đạt 11.900 đồng.
Mối liên hệ của nhóm DNP Corp
Hiệu ứng tăng theo nhóm thực tế xuất hiện khá nhiều ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó chứng khoán Việt cũng từng dậy sóng với đà tăng của nhóm FLC Group, nhóm Louis Holdings, nhóm Apec...
Do vậy khi có những chuyển động lớn ở các doanh nghiệp liên quan thì nhóm DNP Corp nhanh chóng thu hút dòng tiền và sự chú ý của nhà đầu tư.
Chuyển động đáng kể nhất bắt nguồn từ Tasco khi đơn vị này thông qua kế hoạch tăng vốn, nhằm hoán đổi 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH SVC Holdings.
SVC Holdings hiện là tập đoàn lớn trong lĩnh vực kinh doanh ôtô và bất động sản. Đại gia này nắm giữ cổ phần Savico - công ty nắm giữ hơn 11% thị phần phân phối ôtô tại Việt Nam; đồng thời còn phân phối xe Toyota, Ford và Volvo.
SVC Holdings cũng sở hữu danh mục dự án bất động sản khủng như Trung Tâm Savico Megamall tại Hà Nội (4,6ha), Trung tâm thương mại Savico Đà Nẵng (4.739m2), Trung Tâm Thương Mại Savico Cần Thơ (2.849m2), Khu Dân Cư Long Hoà Cần Giờ (29,8ha), Khu Phức Hợp Savico Nam Cẩm Lệ (2,1ha), Savico Phổ Quang (9.028m2), Dự án Mercure Sơn Trà (5,76ha)...
Cuộc hoán đổi cổ phần giữa đại gia ôtô và trùm BOT đã tạo hiệu ứng tốt, giúp cổ phiếu HUT thăng hoa khi tăng giá 4,5 lần chỉ sau nửa năm.
Chuyển động đáng chú ý tiếp theo là việc Tasco có chủ trương thành lập công ty con Tasco Land, nhằm phát triển các dự án bất động sản cao cấp.
Tasco sau đó thông báo sẽ đầu tư vào Công ty CP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay - nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp với dự án Sixsences Ninh Vân Bay; Ana Mandara Đà Lạt Resort. Thông tin bắt tay của hai công ty lớn trên sàn càng giúp cổ phiếu NVT và HUT tiếp đà "bay cao".
Hưởng lợi từ hiệu ứng cùng hệ sinh thái cũng giúp các cổ phiếu VC9, JVC và DNP tăng theo, bởi thực tế các doanh nghiệp trên có mối liên quan khá khắng khít.
Bóng dáng ông chủ đứng sau
Trong đó DNP Corp là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nhựa và cấp nước sạch tại Việt Nam. Doanh nghiệp này được sáng lập bởi doanh nhân mới nổi Vũ Đình Độ (sinh năm 1982).
Thực tế cuối năm ngoái, Tasco đã được chuyển giao cho một nhóm cổ đông mới - chính là DNP Corp khi doanh nghiệp trở thành cổ đông chi phối trong đợt mua cổ phần phát hành riêng lẻ.
Sau đó ông lớn ngành hạ tầng đã có cuộc “thay máu” loạt nhân sự cấp cao, đáng chú ý nhất là sự chuyển giao vị trí Chủ tịch Tasco từ ông Phạm Quang Dũng sang ông Hồ Việt Hà.
Ông Hồ Việt Hà chính là phó chủ tịch DNP Water - một công ty con của DNP Corp và đồng thời là chủ tịch của công ty bất động sản Ninh Vân Bay (NVT).
DNP Corp cũng xuất hiện tại công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) hồi cuối tháng 8/2020 khi các các nhân liên quan nhận chuyển nhượng tổng cộng 31,5 triệu cổ phiếu từ các đối tác Nhật Bản. Chủ tịch JVC cũng là bà Nguyễn Thị Hạnh - vợ ông Độ.
Hay cơ cấu cổ đông VC9 cũng có biến động khi nhóm DNP Corp thế chỗ Vinaconex. Vào cuối tháng 1 vừa qua, Tasco đã ký hợp đồng phát triển dự án Chi Đông Riverside 40 ha do Xây dựng số 9 làm chủ đầu tư.
Không chỉ thâu tóm nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán mà hệ sinh thái xoay quanh DNP Corp cũng liên tục đầu tư vào hàng chục công ty cấp thoát nước lớn nhỏ ở các địa phương, rót vốn vào lĩnh vực vật liệu xây dựng, gia dụng, bao bì...
Đương nhiên hệ sinh thái mà ông Vũ Đình Độ đang xây dựng vẫn còn tương đối bí ẩn, bởi nhiều công ty có quy mô lớn vẫn chưa lên sàn chứng khoán.
Đáng kể nhất mà đại gia này công khai có thể kể đến SVC Holdings có quy mô doanh thu hơn 27.000 tỷ đồng trong năm ngoái. Hay DNP Water có vốn điều lệ khoảng 2.000 tỷ đồng và là công ty cấp nước hàng đầu với tổng công ty suất 1,2 triệu m3/ngày đêm, tổng dân số ở vùng cấp nước là 10 triệu người.
Bước đi của DNP Corp đang tương đối giống với nhiều tập đoàn tư nhân lớn trong nước đã thực hiện, đó là mở rộng quy mô hoạt động rất nhanh thông qua con đường M&A.
Những trường hợp điển hình như Tập đoàn Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn liên tục thâu tóm các công ty trong lĩnh vực thiết bị điện và gần nhất là Viglacera. Hay Bamboo Capital của ông Nguyễn Hồ Nam gần đây cũng mở rộng danh mục bằng việc đầu tư vào hàng loạt công ty chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, năng lượng.
Với danh mục đầu tư cũng ấn tượng như Tasco, SVC Holdings, DNP Corp... thì hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Đình Độ cũng đã bắt đầu gây tiếng vang trong giới đầu tư.
Cộng thêm động thái cho phép Tasco hoán đổi cổ phần pháp nhân lớn như SVC Holdings và thâu tóm Ninh Vân Bay, thì không loại trừ khả năng Tasco sẽ được chọn làm công ty holding đóng vai trò đầu não sở hữu các công ty vệ tinh. Từ đó hình thành tập đoàn đa ngành trải dài trên các mảng hạ tầng giao thông, bất động sản, du lịch, phân phối ôtô, kinh doanh nhựa và cấp nước...
Về cá nhân, ông Vũ Đình Độ có quê quán Bắc Giang và trình độ cử nhân kinh tế. Vị này có kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng trong các lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, kế toán - kiểm toán, quản trị doanh nghiệp và quản trị đầu tư.
Ông làm việc gần 3 năm dưới vai trò kiểm toán viên tại KPMG Việt Nam. Giai 2007-2011 làm việc trong lĩnh vực đầu tư tại Chứng khoán Sài Gòn, Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán Maritime Bank.
Ông gia nhập DNP Corp từ năm 2012 với vai trò Giám đốc điều hành (COO), sau đó trở thành tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT từ năm 2014.
Trong đó DNP Corp dưới vai trò dẫn dắt của doanh nhân Vũ Đình Độ mở rộng không ngừng thông qua M&A. Giai đoạn 2012-2021, quy mô doanh thu công ty gấp hơn 20 lần lên trên 6.300 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản gấp 59 lần đạt hơn 14.200 tỷ đồng.
Một số vai trò khác mà ông có đảm nhận như chủ tịch HĐQT Thủy Điện Nậm La, chủ tịch Nhựa Đồng Nai Miền Trung, Chủ tịch Nhựa Tân Phú và là thành viên HĐQT công ty Bình Hiệp.
Kiến nghị xử lý gần 400 tỷ ở dự án BT đổi 70 ha đất của Hà Nội
Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm gây thất thoát lớn tại dự án mà Hà Nội trao 70 ha đất cho Tasco để đổi lấy 3,51 km đường giao thông.
Giá cổ phiếu ‘trùm BOT’ tăng dựng đứng
Sau động thái cơ cấu vốn và chuyển hướng tập trung vào lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu HUT của Công ty CP Tasco đã tăng dựng đứng, cao gấp rưỡi chỉ từ đầu tháng 3 đến nay.
‘Trùm BOT’ muốn đầu tư vào Ninh Vân Bay
Tasco lên kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực bất động sản cao cấp với việc đầu tư vào Ninh Vân Bay thông qua công ty con mới thành lập - Tasco Land.