Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/7 , Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đã có chia sẻ liên quan quy định xác thực sinh trắc học để thực hiện giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng theo Quyết định 2345 của NHNN, áp dụng từ ngày 1/7.
Cụ thể, ông Dũng cho biết mục đích đầu tiên của Quyết định 2345 là làm sạch tài khoản ngân hàng. Theo ông, hiện nay hầu hết người dân đã có căn cước công dân (CCCD) gắn chip nên có cơ sở để làm việc này, trong khi trước kia người dân sử dụng chứng minh nhân dân và nhiều giấy tờ khác nên dễ bị kẻ gian lợi dụng dùng nhiều giấy tờ giả mạo.
Phó thống đốc NHNN cho biết việc đăng ký và kiểm tra dữ liệu sinh trắc học này cũng rất đơn giản, chỉ giao dịch trên 10 triệu đồng mới phải xác thực, trong khi các giao dịch dưới 10 triệu đồng thanh toán cho hàng hóa thiết yếu không cần xác thực.
“Với quy định mới, giao dịch trên 10 triệu đồng sẽ có thêm một bước kiểm tra sinh trắc học, các bước bảo mật còn lại vẫn như cũ. Như vậy, chúng ta thêm một bước để bảo đảm giao dịch chính chủ”, ông Dũng nói và nhấn mạnh đây là thêm một bước bảo mật cho giao dịch và không bớt bước bảo mật nào đã áp dụng trước đó.
Theo lãnh đạo NHNN, bình quân trong tháng 6, lượng giao dịch trên 10 triệu đồng chiếm 8% số giao dịch toàn hệ thống, tương đương khoảng 1,8-2 triệu giao dịch/ngày cần xác thực sinh trắc học.
Trong ngày 5/7, số liệu thống kê của NHNN ghi nhận đạt đỉnh giao dịch điện tử liên ngân hàng với 26,3 triệu giao dịch, trong đó 8,35% là giao dịch trên 10 triệu đồng, tương đương gần 2,2 triệu giao dịch.
Theo ông Dũng, hiện Việt Nam có trên 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, tương đương 65 triệu người trưởng thành. Số lượng tài khoản ngân hàng toàn hệ thống hiện vào khoảng 180 triệu, tức bình quân mỗi người có 3 tài khoản ngân hàng.
Đến chiều 5/7, các ngân hàng đã đối chiếu làm sạch dữ liệu từ CCCD khoảng 19 triệu tài khoản, 10% trong đó là cập nhật dữ liệu tại quầy.
Lý giải về nhóm khách hàng phải cập nhật dữ liệu tại quầy này, Phó thống đốc cho biết đây là những khách hàng không có CCCD gắn chip, cũng như không có thiết bị di động hỗ trợ kết nối NFC nên phải ra quầy để ngân hàng hỗ trợ.
Liên quan vấn đề bảo mật thông tin, Phó thống đốc cho biết Luật Các tổ chức tín dụng có quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong bảo mật thông tin, Luật An ninh mạng có quy định về bảo vệ thông tin. Do đó, ngân hàng nào cũng phải tuân thủ tất cả yêu cầu về bảo mật dữ liệu khách hàng, NHNN cũng đã có thông tư về bảo đảm an ninh, an toàn và được bảo mật.
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng có 2 nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng; cũng như bảo vệ an ninh, an toàn thông tin.
NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng ghi nhận tất cả khó khăn, vướng mắc của người dùng để tháo gỡ, xử lý. Đặc biệt, liên tục nâng cấp ứng dụng mobile banking để có thể đối phó với các thủ đoạn lừa đảo mới, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dùng.
“Tôi xin cam kết, có vướng mắc gửi đến các hệ thống ngân hàng sẽ được xử lý. Chúng ta sẽ làm theo lộ trình, làm dần dần và làm đến đâu chắc đến đó với mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng”, Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.