Hình ảnh trong phim chuyển thể Passion Simple (2020). Ảnh: Les Films Pelléas. |
Thành thật mà nói, mình đã có chút nghi ngờ khi cầm Cơn cuồng si trên tay. Sau trải nghiệm đọc L’événement không quá ấn tượng, mình đã e ngại rằng cuốn sách mỏng dính này cũng sẽ chỉ đơn giản là một cuốn sách mô tả trải nghiệm yêu cuồng nhiệt của tác giả thôi. May thay, mình đã lầm.
Cơn cuồng si không chỉ là những trang viết mô tả lại cơn cuồng si khi yêu trai trẻ của nữ văn sĩ hơn 50 tuổi (khi ấy). Sách là hành trình bóc tách cảm xúc, phân tích sự say mê và tôn vinh tình yêu.
Qua cuộc tình này, Annie Ernaux nhận ra sức mạnh và ý nghĩa của tình yêu, của cảm giác yêu. Với bà, tình yêu khiến cho cuộc sống của bà có ý nghĩa hơn. Đắm chìm trong tình yêu, bà tưởng như quãng đời trước kia của mình vô nghĩa hơn. Hẳn nhiên, nghe thì có vẻ hơi cực đoan và nhảm nhí. Cái kiểu tình yêu tuổi trẻ vô lo vô nghĩ ấy đâu có bền vững và dài lâu?
Annie Ernaux hiểu rõ điều này, nhưng bà chọn sống trọn với nó, níu chặt lấy thứ cảm xúc mãnh liệt ấy, kiểu như cái sự tham lam trong bài Vội vàng của Xuân Diệu: “Tôi muốn tắt nắng đi / Cho màu đừng nhạt mất / Tôi muốn buộc gió lại / Cho hương đừng bay đi”.
Nhưng mà chỉ có thế thôi thì cũng chưa có gì đặc biệt lắm. Annie Ernaux phải lòng trai trẻ, yêu điên cuồng, hết?
Chính ở nửa sau cuốn sách, khi người tình rời xa và tác giả phải dần đối diện với những cảm xúc của mình, nhận thấy những ảo vọng về tình yêu và thực tại va đập vào nhau, tài năng của nhà văn đoạt giải Nobel mới tỏa sáng chói lọi.
Phần này của cuốn sách làm mình nhớ đến album Melodrama của Lorde. Melodrama là “cuốn nhật ký” về lần thất tình đầu tiên của một thiếu nữ 19 tuổi, trong đó, Lorde kịch tính hóa mọi cảm xúc, mọi nỗi đau, nỗi căm hờn cô cảm nhận khi mối tình đầu của cô rời xa. Nhưng sau cùng, Lorde nhận thức rõ rằng tất cả những cảm xúc được cô đẩy lên đến cùng cực này mãnh liệt như vậy là vì cô muốn nó mãnh liệt như thế, như thể cô muốn tin rằng nó là một trải nghiệm quan trọng.
Lorde viết trong bài gần kết Album: “And maybe all this is the party / Maybe the tears and the highs we breathe, oh no / And maybe all this is the party / Maybe we just do it violently”. (Có lẽ đây chỉ là một bữa tiệc / Có lẽ những giọt nước mắt và cơn phê pha là một phần của bầu không khí / Có lẽ tất cả là một trải nghiệm tiệc tùng / Có lẽ chúng ta đã khiến nó mãnh liệt như thế).
Cơn cuồng si Annie Ernaux cảm nhận với người đàn ông nọ là cơn cuồng si trong tâm trí bà. Người đàn ông nọ có thể là nguồn gốc của cơn cuồng si, là nguồn cảm hứng cho cơn cuồng si, nhưng người đó và người trong trí óc Ernaux không phải là một. Chính Ernaux cũng nhận thức rõ điều này khi bà gặp lại A ở gần cuối sách. Nhận thức được điều này, Annie Ernaux như tìm lại được sự thanh thản.
Cơn cuồng si ấy mãnh liệt như vậy là vì Annie Ernaux khuyến khích nó. Bà muốn cảm nhận nó, muốn đắm mình trong nó. Với bà, niềm đam mê này tựa như chất Adrenaline chảy trong mạch máu, hay một dạng serotonin; đó là khái niệm tình yêu được nghệ thuật tôn sùng tự muôn thuở.
Cơn cuồng si ấy giải thoát Annie Ernaux, cho bà trải nghiệm mà mọi người/thế giới xung quanh luôn tôn sùng - trải nghiệm yêu. Vậy nên, việc A ngoài đời có phải A trong tâm trí hay không với Annie Ernaux không quan trọng, có "xứng đáng" với cơn cuồng si của bà hay không không quan trọng. Sau cùng, người này đã dẫn Annie Ernaux đến với cảm giác yêu đương, đã "nối bà vào với thế giới nhiều hơn".
Sách Cơn cuồng si của Annie Ernaux. Ảnh: A.Đ. |
Mình thấy đây là một góc nhìn rất tinh tế của Annie Ernaux. Vẫn rất gãy gọn trong câu từ, nhưng không khô khan như các tác phẩm khác, ở Cơn cuồng si, ta cảm nhận được nhiệt huyết trong con chữ của Ernaux. Nhịp văn hối hả tựa như nhịp đập trái tim bà. Câu chuyện chưa đến 100 trang, nhưng sắc bén và giàu tính chiêm nghiệm. Sự chiêm nghiệm ấy, chính Annie Ernaux cũng khám phá ra trong quá trình viết cuốn sách này.
Và bằng việc viết ra, một cách thẳng thắn và dũng cảm, Annie Ernaux chia sẻ trải nghiệm và những khám phá trong cuộc sống riêng của bà (cũng chính là một phần của chung). Qua tình yêu, qua hư cấu, qua nghệ thuật, khả năng của con người là vô biên: “Tôi đã phát hiện được người ta có khả năng làm những gì, tức là mọi thứ. Những ham muốn tuyệt đỉnh hay chết người, không có phẩm giá, những niềm tin cùng hành xử mà tôi từng thấy ngớ ngẩn ở những người khác chừng nào chính tôi còn chưa viện đến chúng".
Tên tiếng Pháp của tác phẩm này là Passion simple (dịch sát nghĩa là "niềm đam mê giản đơn"), nhưng tôi nghĩ tác phẩm này không hề giản đơn. Với Ernaux, một lần nữa, “less is more” (nói ít hiểu nhiều).
Bài viết của độc giả An Đỗ, 21 tuổi, sinh viên tại Hà Nội.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng