Một trong những điểm thú vị từ các cuốn sách của Haruki Murakami nằm ở chỗ nhiều tác phẩm được ông viết vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.
Đó là thời điểm Murakami ở độ tuổi hai mươi, ba mươi và ông lấp đầy các trang giấy bằng kỷ niệm, ký ức cùng những niềm vui và nỗi buồn trong thế hệ mình. Đây cũng là điểm tương đồng mà mình tìm thấy trong Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con của Hoàng Nhật.
Trong 7 truyện ngắn Hoàng Nhật viết có niềm vui, những niềm vui được ẩn giấu sau những câu văn hài hước cười ra nước mắt, và cũng có không ít nỗi buồn, sự cô đơn và tổn thương mà thế hệ 8X và 9X đời đầu Việt Nam mới có thể cảm nhận trọn vẹn.
Kết cấu 7 truyện ngắn trong Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con đều có những điểm chung như: sự mất mát, sự thiếu vắng của người cha, người mẹ, sự cô lập khi nhân vật chính là một đứa trẻ rơi vào cảnh éo le.
Xuyên suốt từng truyện ngắn, Hoàng Nhật luôn đưa vào trong nội dung những mẩu đối thoại hài hước nhưng trào phúng và thâm thúy. Đây là điểm mạnh và cũng là phong cách văn chương của Hoàng Nhật: sắc sảo, câu văn dài những gãy gọn và có ít nhiều sự “đanh đá trong ngôn từ”.
Ví dụ trong truyện ngắn Đứa trẻ đáng ghét nhất quận Đống Đa là một minh chứng, khi Hồng tuyên bố đầy đanh thép trước đám bạn đầu gấu rằng; “Tao không sợ chúng mày đâu. Bọn mày chỉ bắt nạt những đứa nhát gan thôi. Mẹ tao bảo những con ranh hư hỏng như chúng mày sau này chắc chắn sẽ làm đĩ!”.
Một điểm khác biệt của Hoàng Nhật giữa nhiều cây viết 8X bây giờ là anh có thể tận dụng những “nguyên liệu” đơn giản nhất nhưng gắn bó với tuổi thơ và niên thiếu của thế hệ mình để biến thành những ý tưởng cho các truyện ngắn một cách tài tình. Từ đồ chơi Trung Quốc bán tràn ngập ngay trước cổng trường, cho tới âm nhạc gắn liền với các boyband Mỹ như Backstreet Boys, phim hành động, truyện tranh Nhật Bản và cả Harry Potter đều là những hoài niệm và dĩ vãng đối với nhiều nam nữ thế hệ 8X, đầu 9x trong đó có mình.
Khi đọc từng truyện ngắn trong Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con, có thể nói rằng mình đã mua một vé để quay trở lại những ký ức của 20 năm về trước. Có những đoạn Nhật viết, mình như cảm thấy mùi nắng tỏa ra từ những con đường vắng lặng khi đến trường vào đầu giờ trưa. Mình cũng ngửi thấy mùi ẩm mốc của bàn ghế, của các bức tường đã bong tróc vốn là điều quen thuộc trong những năm tháng đi học.
Khi đọc Những chàng trai thiên niên kỷ trong Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con, một kỷ niệm hồi học lớp 5 ùa về trong mình. Tối mùa hè năm ấy, mình có hẹn một bạn gái mình thích ở lớp lúc đó đi dạo để mình xin lỗi vì hôm trước đã trêu chọc quá trớn. Trong khi đi bộ, bọn mình dừng lại ở một cửa hàng lưu niệm nằm phía sau trường Kinh tế để lắng nghe bài Show Me the Meaning of Being Lonely của Back Street Boys được phát trên kênh MTV.
Từ câu chuyện cho tới kỷ niệm có sự kết nối và đồng điệu với nhau. Đó chính là sức mạnh của ngôn từ khi chúng có thể lay động được những ký ức chúng ta thông qua câu chuyện của tác giả. Mình không biết thế hệ mà Murakami đã viết trong tiểu thuyết của ông như thế nào. Nhưng thông qua những gì Murakami viết, mình tìm thấy những sự tương đồng với câu chuyện ông kể.
Sách Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con. Ảnh: Đức Nhân. |
Và những truyện ngắn của Hoàng Nhật trong Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con cũng đã lay động được nội tâm và ký ức của mình như vậy. Mình luôn đọc từng truyện ngắn trong những cuốn sách Hoàng Nhật viết. Nhưng mình có sự đồng cảm với các nhân vật trong sách hơn cả.
Mình cũng là một thằng bé cô độc và từng bị cô lập khi ở trường. Mình cũng bị bạn bè hay đám trẻ xung quanh trêu đùa vì hoàn cảnh gia đình. Và mình cũng đôi khi phải sửa chữa sai lầm khi gây ra hậu quả nào đó. Nhưng sai lầm không phải là tai ương trong những truyện ngắn của Hoàng Nhật. Trái lại sai lầm chính là cách để nhận ra những điều tốt đẹp.
Các nhân vật trong Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con dù trong hoàn cảnh nào cũng gây ra sai lầm. Đôi khi sai lầm đó phải trả giá bằng sự cô độc và mất mát quá lớn. Tuy nhiên từng nhân vật, từng đứa trẻ lại tìm thấy chính mình và ý nghĩa tốt đẹp ở đoạn kết câu chuyện.
Trên Sao Hỏa chỉ có trẻ con là một cuốn sách văn học hiếm hoi có thể nói lên những gì mà một người thuộc thế hệ trẻ trước đây muốn truyền đạt cho các bạn Gen Z.
Trong thế giới của thế hệ 8X và 9X đời đầu đã có một tuổi thơ và niên thiếu không biết điện thoại thông minh hay mạng xã hội như TikTok và Facebook là gì.
Đó là một thế giới mà những đứa trẻ quen biết nhau thông qua những gì mà thế giới hé lộ một cách lặng lẽ và âm thầm từ phim ảnh, sách báo và sự tương tác với nhau thông qua hoàn cảnh, biến cố, niềm vui và nỗi buồn.
Bài viết của độc giả Đức Nhân, sinh năm 1989, sống và làm việc tại Hà Nội.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.