Một trong những hình tượng người thầy đẹp nhất trong văn chương đối với tôi là nhân vật Đuy-sen trong tác phẩm Người thầy đầu tiên của đại văn hào Chingiz Aitmatov.
Tôi đến với cuốn sách một cách ngẫu nhiên. Đó là một buổi chiều mùa thu, khi cảm giác hoài niệm trong tôi chợt trỗi dậy và muốn đọc hết các tác phẩm được trích trong sách giáo khoa cũ. Đoạn trích "Hai cây phong" là thứ đầu tiên tôi nghĩ đến. Sau một hồi tìm kiếm, tôi mới biết đây là một phần trong tác phẩm Người thầy đầu tiên.
Càng tình cờ hơn, tôi đã mua cuốn sách này từ hồi đầu năm để tặng một người đặc biệt. Nhưng vì nhiều lý do tôi đành giữ lại cho mình. Trong hơn một trăm trang sách, tôi nghĩ mãi về hình tượng thầy Đuy-sen. Có rất nhiều phân đoạn khiến tim tôi như lạc nhịp.
Đuy-sen là một người thanh niên yêu nước, nghe theo tiếng gọi của cách mạng đến các vùng quê hẻo lánh để dạy học. Điểm đến của anh là làng Ku-ku-rêu, nơi cô bé An-tư-nai đang sinh sống. Người dân nơi đây khá lạc hậu, họ không coi trọng việc học và chỉ muốn con trẻ lớn lên lao động phụ giúp gia đình. Thầy Đuy-sen đã phải mất rất nhiều công sức xây dựng lớp học và vận động gia đình trong làng cho trẻ đến trường. Gọi là trường nhưng thực ra đó là một cái chuồng ngựa mà thầy Đuy-sen cải tạo lại.
Mùa đông đến, đám trẻ phải lấy ki-giắc rải xuống đất cho ấm. Sự mến mộ thầy Đuy-sen ngày càng lớn dần trong lòng cô bé An-tư-nai. Nhờ thời gian đến trường, cô bắt đầu có những suy nghĩ chín chắn, trưởng thành hơn. Dẫu vậy, cuộc sống của An-tư-nai lại không mấy êm ả. Đối với vùng quê nghèo như làng Ku-ku-rêu, tảo hôn là chuyện bình thường mà bé gái nào cũng phải trải qua, An-tư-nai không hề là ngoại lệ.
Tuy nhiên, thầy Đuy-sen đã cứu cô bé khỏi những tình huống ngặt nghèo nhất. Sự ân cần, chu đáo, minh triết của một người thầy khiến An-tư-nai cảm thấy một thứ tình cảm mãnh liệt nảy nở, sinh sôi mãnh liệt. Đó là lòng kính trọng vô bờ bến dành cho người thầy đầu tiên của mình. Đuy-sen đã dạy An-tư-nai về đấu tranh chính nghĩa, vùng lên khỏi sự cơ hàn.
Không gian trong lớp học của thầy Đuy-sen không xuất hiện quá nhiều, nhưng chính vì vậy người đọc mới cảm nhận được sự nhỏ bé của nó trong một cảnh quan núi rừng rộng lớn tại nước Nga lúc bấy giờ. Dường như lớp học đó lọt thỏm giữa các rừng cây, triền đồi, ngọn núi lớn, nó là trái tim của ngôi làng Ku-ku-rêu. Từng nhịp đập đều từ đó vang lên như tiếng đọc bài của lũ trẻ.
Tình thầy trò của An-tư-nai và Đuy-sen đem đến cho tôi cảm giác thiêng liêng mà gần gũi. Thầy Đuy-sen có thể hy sinh mọi thứ chỉ để bảo vệ lớp học, bảo vệ học trò của mình. Sau này, khi An-tư-nai lớn lên, cô nhìn những người cựu chiến binh, cô lại nhớ đến Đuy-sen. Thành công của cô không bao giờ vắng bóng người thầy đầu tiên của mình.
Tôi đã không thể cầm được nước mắt khi gấp lại tác phẩm của Aitmatov. Nó chỉ là một câu chuyện ngắn hơn so với rất nhiều cuốn sách tôi đọc nhưng nó hàm chứa nhiều ý nghĩa lớn lao. Thầy Đuy-sen đã trở thành một hình tượng bất hủ trong tôi. Tôi nghĩ rằng với nhiều người đọc tác phẩm này cũng cảm thấy vậy. Không nói quá khi khẳng định rằng Đuy-sen đã dạy tôi cách yêu con người và trân trọng nghề giáo.
"Thôi thế là em sắp đi. Chúc em hạnh phúc, An-tư-nai nhé. Và cái chính là em phải học, phải học…", trích đoạn thầy Đuy-sen chia tay An-tư-nai.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.