Các khu vực dân cư ven biển đang chứng kiến mực nước biển dâng cao nhanh gấp bốn lần tốc độ trung bình toàn cầu, một nghiên cứu mới được công bố cho biết, theo CNN.
Các hoạt động khai thác nước ngầm, sản xuất và khai thác tài nguyên trong lòng đất đa phần diễn ra gần khu vực ven biển khiến đất lún sâu, làm trầm trọng thêm tác động của tình trạng mực nước biển dâng.
Nhiều thành phố lớn và đông dân nhất thế giới được xây dựng tại vùng đồng bằng châu thổ các con sông lớn, đây là nơi những con sông kết nối gần với đại dương.
Dù đa phần các vùng ven biển không có người sinh sống, nhưng tại những nơi con người định cư, xu hướng mực nước biển dâng càng thêm trầm trọng.
Theo nghiên cứu, mực nước biển tăng trung bình 2,5 mm/năm trong 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, tại những nơi con người sinh sống đông đúc, gây ra tình trạng đất đai sụt lún, nước biển dâng nhanh ở mức 7,8-9,9 mm/năm.
Đất ven biển đang chìm dần
Báo cáo mới được công bố là nghiên cứu đầu tiên về các tác nhân về đất đai sụt lún trong quan sát hiện tượng nước biển dâng toàn cầu.
"Chúng tôi thực sự định lượng được (mức nước biển dâng) và tính toán được mức độ tương đối. Và con số lớn đáng kinh ngạc. Vấn đề ở đây là biến đổi khí hậu gây ra tình trạng nước biển dâng tồi tệ", Robert Nicholls, giám đốc Trung tâm Tyndall nghiên cứu vế biến đổi khí hậu của Anh - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Ông Nicholls cho biết bên cạnh các nguyên nhân khác gây ra nước biển dâng, biến đổi khí hậu là tác nhân khiến tình trạng thêm trầm trọng.
Nước biển tấn công một khu dân cư ở phía Đông Australia. Ảnh: AFP. |
"Không quan trọng là nước biển dâng hay đất lún xuống, vấn đề là người dân ở các vùng ven biển đang hứng chịu tác động tiêu cực", ông Nicholls cho biết.
Nước biển dâng đang tác động tới nhiều khu vực trên thế giới. Tại những nơi đất liền được nâng cao, nước biển dâng không phải vấn đề lớn. Dù vậy, phần lớn người dân không sống ở những vùng đất liền được nâng cao tự nhiên.
Ở các vùng đất lún, mực nước biển trung bình dâng lên nhanh hơn, và không may thay, đậy lại là những khu vực con người tập trung sinh sống.
Khoảng 20% người dân trên Trái Đất sống ở các vùng ven biển nơi có mực nước biển dâng với tốc độ 10 mm/năm hoặc cao hơn, dù các khu vực này chỉ chiếm 1% đường bờ biển trên thế giới.
Tại một số khu vực, biến đổi địa chất tự nhiên không phải là tác nhân dẫn đến đất đai sụt lún.
"Có những nơi đất hầu như không dịch chuyển. Điều duy nhất chúng ta nhìn thấy là tác động của mực nước biển dâng ngày càng lớn", Brian McNoldy, chuyên gia của Đại học Mianmi, cho biết.
Một trong những tác nhân lớn nhất khiến đất đai ở một số khu vực chìm dần là tác động của đồng bằng châu thổ.
"Các đồng bằng là nơi những con sông mang phù sa ra biển. Trọng lượng cùng sức ép từ phù sa gây ra hiện tượng xói mòn. Vì vậy, đất đai không được nâng lên mà sẽ chìm xuống, hiện tượng này càng thêm trầm trọng do hoạt động bơm nước ngầm và thoát nước tự nhiên", ông Nicholls nói.
"Tốc độ sụt lún đất đai ở các vùng đồng bằng, đặc biệt là các thành phố ở vùng đồng bằng châu thổ cũng xuất phát từ con người, chủ yếu do khai thác nước ngầm, khai thác dầu mỏ và khí đốt, các con đập, hoạt động chống lũ, khai thác cát và khoáng sản", ông Nicholls cho biết.
Các nhà khoa học nhận thức được biến đổi khí hậu do con người tác động tới tốc độ nước biển dâng, nhưng nghiên cứu mới được công bố là lần đầu tiên yếu tố đất liền dâng lên hoặc lún xuống do con người được xem xét tới.
"Quá trình chúng ta đang thảo luận ở đây phụ thuộc vào nơi con người lựa chọn sinh sống. Thực tế là con người khiến tình trạng sụt lún trầm trọng thêm", ông Nicholls nói.
Dẫu vậy, một số vùng đất nâng cao hoặc sụt xuống do hiện tượng tự nhiên. Theo nghiên cứu, các thềm băng tan chảy từ hàng nghìn năm trước khiến đất tại vịnh Hudson, Canada được nâng cao tự nhiên. Hiện tượng này vẫn tiếp diễn tới ngày nay.
Châu Á và Bắc Mỹ lâm nguy
Khu vực ven biển ở châu Á là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng do đất đai sụt lún, nguyên nhân bởi có nhiều đồng bằng và các thành phố lớn tại đây.
Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á là những nơi đáng chú ý, khu vực này tập trung 71% dân số ven biển toàn cầu sống dưới độ cao 10 m tính từ mặt nước biển, nghiên cứu chỉ ra.
"Tại Jakarta, đất sụt lún hơn 10 cm/năm. Một số nơi thậm chí còn nhanh hơn. Đây là nơi rất nhiều người sinh sống", ông Nicholls cho biết.
Một khu vực ở Jakarta ngập nước khi triều cường. Ảnh: Getty. |
Jakarta là thành phố có nhiều sông ngòi và kênh rạch đan xen các khu vực dân cư. Dân số khổng lồ tới 10,56 triệu người cùng điều kiện tự nhiên đặc thù khiến thủ đô của Indonesia đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nước biển dâng.
Ở Mỹ, những thành phố như New Orleans nằm gần đồng bằng sông Mississippi cũng đang lún xuống. Hiện tượng này xảy ra đồng thời với ghi nhận mức nước biển tăng nhanh nhất cả nước.
Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ, mực nước biển trung bình tăng nhanh nhất được ghi nhận tại vùng duyên hải Louisiana và Đông Nam Texas.
"Nơi chứng kiến tác động kết hợp của đất đai sụt lún và nước biển dâng là phía bắc Vịnh Mexico, bờ biển Louisiana", ông McNoldy cho biết.
Tại Galveston, Texas, nước biển tăng 6,62 mm/năm trong giai đoạn 1957-2011. Và tình trạng này không có dấu hiệu cải thiện.
Khi được hỏi có thể làm gì để giải quyết vấn đề hiện nay, ông Nicholls nói giảm thiểu các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu là điều quan trọng nhất.
"Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện Hiệp định Paris", ông Nicholls nói.