Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhiều thi thể sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ đến nhà xác trên máy xúc

Do thiếu nguồn lực cứu hộ, nhiều cư dân Thổ Nhĩ Kỳ phải tự đào bới đống đổ nát và tìm kiếm người thân, trong khi thi thể của một số nạn nhân được chuyển đến nhà xác bằng máy xúc.

dong dat anh 1

Suốt 60 giờ, Barış Yapar cố gắng đào thi thể của ông bà dưới đống đổ nát trong ngôi nhà của họ. Cùng với cha Habip và mẹ Sevcan, chàng sinh viên tâm lý học lâm sàng 27 tuổi phải tự tìm kiếm người thân trong vô vọng.

Hai ngày sau trận động đất tàn khốc hôm 6/2, cơ quan ứng phó thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ mới đến được thị trấn Samandağ, tỉnh Hatay, gần biên giới với Syria. Khi họ đến nơi, số lượng nhân viên quá ít cũng không thể đáp ứng nhu cầu cứu hộ, theo Guardian.

Yapar dõi theo các nhân viên cứu hộ khi họ kéo thi thể nạn nhân ra khỏi đống bê tông. Nhiều người trong số đó đã quen biết gia đình anh từ lâu.

Khi thấy xác của Hasan, người bạn thời thơ ấu của mình, “không còn xe để chở anh ấy đến nhà xác”, Yapar nói.

“Ý tôi là, rất nhiều người đang vận chuyển xác chết bằng ôtô. Vì vậy, phương tiện duy nhất còn lại là máy xúc. Tôi nhìn họ đặt người bạn thời thơ ấu của mình phía trước máy xúc. Sự cùng cực khiến tôi tan nát. Chúng tôi thậm chí không xứng đáng được chuyển thi thể đến nhà xác một cách tử tế sao?”, anh nghẹn ngào.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang hứng chịu nhiều chỉ trích vì hoạt động ứng phó chậm trễ sau trận động đất hôm 6/2. Tại nhiều khu vực, lực lượng cứu hộ không để đáp ứng tình hình và thiếu công cụ hoạt động. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 8/2 cũng đã thừa nhận "thiếu sót" khi tới thăm tỉnh Hatay - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hồi chuông báo tử

Các nhân viên cứu hộ từ thành phố Istanbul đã đến hỗ trợ Yapar tìm kiếm người thân, nhưng họ vẫn thiếu nguồn lực.

“Họ nhìn vào (đống đổ nát) và nói: ‘Chúng tôi không có công cụ để đưa họ ra’”, anh kể.

“Cha tôi là một kỹ sư xây dựng, ông nói với họ: 'Nhìn này, tôi có công cụ, hãy kéo họ ra ngoài vì chúng tôi không tự thực hiện được’. Cha tôi là một kỹ sư, không phải nhân viên cứu hộ”, Yapar giải thích.

dong dat anh 2

Căn bếp của gia đình Barış Yapar bị hư hại nặng nề sau trận động đất. Ảnh: Alessio Mamo/The Observer.

Samandağ - thị trấn có khoảng 120.000 người - đã bị phá hủy sau trận động đất hôm 6/2. Tiệm bánh bị nhấn chìm hoàn toàn trong đống đổ nát, bệnh viện buộc phải đóng cửa vài ngày và chỉ mở cửa trở lại với một phòng phẫu thuật tạm thời ở tầng trệt. Ngay cả nhà tang lễ của Samandağ cũng không còn an toàn, trần nhà có một lỗ hổng lớn với những mảnh kim loại lơ lửng.

Giống như nhiều cư dân khác, Yapars và cha mẹ anh hiện ngủ trong ôtô, không dám vào nhà vì sợ nó có thể bị sập. Một lớp bụi mịn, trắng, xốp từ đống đổ nát đã thổi qua thị trấn, phủ lên mọi thứ.

Các nhân viên cứu hộ cố gắng làm giảm tiếng ồn của ôtô để xem liệu họ có thể tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống dưới đống đổ nát hay không, nhưng những dấu hiệu đó rất ít và xa vời.

Trong khi đó, sự hiện diện của chính phủ vẫn rất hạn chế. Các quan chức an ninh và một nhóm nhân viên cứu hộ hoạt động rải rác, cố gắng tìm kiếm các thi thể bị mắc kẹt. Nhiều người trong số những người đến giúp phân phát thực phẩm, thuốc men và viện trợ được cử đến từ Istanbul có liên hệ với đảng đối lập lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Guardian, thị trấn Samandağ dường như đã bị bỏ lại và phải tự cứu lấy mình.

“Chúng tôi không nhận được sự giúp đỡ mà lẽ ra chúng tôi phải nhận được. Chúng tôi như bị bỏ rơi trong bóng tối và mọi người chỉ biết làm những gì họ có thể”, Yapar chia sẻ với CBC tối 7/2.

Những người may mắn sống sót đang nỗ lực cứu bạn bè và hàng xóm khỏi đống đổ nát. Họ lo sợ trận động đất khiến cộng đồng của họ sụp đổ. Người dân địa phương nói rằng chính quyền trung ương ở Ankara từ lâu đã bỏ bê tỉnh Hatay - dải đất màu mỡ và xanh tươi với những vườn ô liu, một bên giáp với tỉnh Idlib của Syria và một bên là Địa Trung Hải.

Họ nói hậu quả của trận động đất cho thấy chính phủ ít quan tâm đến việc bảo tồn tỉnh này và cả cộng đồng dân cư đa dạng tại đây - những giáo phái đã cùng chung sống qua hàng thiên niên kỷ.

Tỉnh Hatay đã tồn tại qua nhiều trận động đất, bao gồm cả trận động đất ở Antioch vào năm 115 sau Công nguyên ước tính có cường độ tương tự trận động đất chết người hôm 6/2.

Song những người sống sót ở Samandağ cho biết họ lo sợ thảm họa mới nhất sẽ là hồi chuông báo tử cho cộng đồng địa phương, buộc người gốc Armenia, Alawite và người Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Arab di tản khắp đất nước vì không thể tiếp tục sinh tồn tại thị trấn này.

Đi hay ở?

Sau trận động đất đầu tiên vào rạng sáng 6/2, những người sống sót lập tức cố gắng giải cứu những người hàng xóm bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Chủ một cửa hàng kim khí, ông Lami Doğru, đã lôi dụng cụ ra và góp sức với người dân địa phương.

“Tôi bắt đầu ở đó”, ông Doğru nói và chỉ vào ngôi nhà của cháu trai mình, phía trước một đống bê tông với các đường ống và cột đèn nằm rải rác bên cạnh điều hòa, ghế và lưới sắt. “Tôi đã cứu được 3 người, một trong số họ là anh họ của tôi, nhưng anh ấy đã không qua khỏi”.

Ông Doğru cố gắng hy vọng về tương lai của Samandağ và rằng chính phủ sẽ hỗ trợ tái xây dựng thị trấn. “Sẽ mất một thập kỷ để đưa mọi thứ trở lại như cũ nếu nhà nước giúp đỡ. Nếu không, có thể phải mất đến 15 năm. Đây thực sự là một thị trấn đẹp”, ông nói.

dong dat anh 3

Barış Yapar và cha mẹ anh hiện sống ở quảng trường trung tâm Samandağ và ngủ trong ôtô của họ. Ảnh: Alessio Mamo/The Observer.

Sau trận động đất, nhiều người sống sót đã rời Samandağ, từ bỏ đống đổ nát để đến các thành phố lớn hơn.

Yapar và cha mẹ anh cũng đang tranh luận về việc liệu họ có nên ở lại hay không. “Khi chúng tôi xếp hàng chờ ở nhà xác, câu hỏi đầu tiên họ hỏi chúng tôi là: Anh sẽ làm gì sau khi chôn cất người chết? Anh có đi không?’”, Yapar nói.

Nhiều ngày sau khi tìm thấy thi thể của ông bà và tự chuyển họ đến nhà xác trong những chiếc túi đựng xác tạm thời vì không có ai giúp đỡ, gia đình anh quay lại và bắt đầu chuẩn bị chôn cất.

“Khi chúng tôi tìm kiếm ông bà trong nhà xác, tôi thấy bà Gönül Sakallı (hàng xóm của nhà Yapar) và con gái đang nằm cạnh nhau trong túi đựng xác”, anh kể.

“Chúng tôi đang mở những chiếc túi để xác định danh tính mọi người thì bất ngờ tìm thấy họ. Tôi chợt nghĩ rằng một phần lớn thời thơ ấu của tôi trong khu phố này đã bị xóa sạch”, anh trải lòng.

Vết nứt lớn từ góc nhìn trên cao sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ Sau trận động đất 7,8 độ rạng sáng 6/2, một vết nứt lớn đã xuất hiện tại tỉnh Kahramanmaraş, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề hàng đầu do động đất.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hơn 100 người sau trận động đất hủy diệt

Khi số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vượt qua con số 28.000, Ankara ngày càng bị chỉ trích vì phản ứng chậm và dung túng cho các công trình xây dựng kém chất lượng.

Liên Hợp Quốc: Số người chết trong động đất Thổ Nhĩ Kỳ có thể gấp đôi

Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths cho biết số người chết sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 có thể "tăng hơn gấp đôi".

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm