Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tiến hành “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Ngay sau tuyên bố của ông Putin, các lực lượng vũ trang Nga đồng loạt tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào nước láng giềng Đông Âu.
Các tiếng nổ đã được ghi nhận tại thủ đô Kyiv và một số thành phố lớn khác. Một số điểm dân cư ở vùng Donbas cũng đã rơi vào tay lực lượng ly khai miền Đông Ukraine.
Phương Tây thống nhất
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chỉ trích cuộc tấn công “phi lý và không có sự khiêu khích trước” của Nga nhằm vào Ukraine, cũng như khẳng định Mỹ và các đồng minh “sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm”.
“Tổng thống Putin đã lựa chọn một cuộc tấn công có mưu đồ từ trước. Cuộc chiến này sẽ gây ra tổn hại lớn về sinh mạng và đau khổ cho người dân”, ông Biden tuyên bố. “Nga chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những thiệt hại về sinh mạng và tổn thất mà cuộc tấn công mang lại”.
“Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ phản ứng một cách thống nhất và quyết liệt. Thế giới sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm”, ông tuyên bố.
Binh sĩ Ukraine trên một xe vận tải tại thành phố Mariupol, tỉnh Donetsk, Ukraine. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi hôm nay “là ngày tồi tệ với Ukraine và là ngày đen tối với châu Âu”. Ông chỉ trích hành động của Nga và gọi đây là sự phá vỡ luật pháp quốc tế một cách “phi lý và hiển nhiên”.
Ông cho biết Berlin sẽ tham vấn các đối tác thuộc nhóm G7, NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Pháp sẽ hợp tác với đồng minh để ngăn chặn cuộc tấn công.
“Nga phải lập tức dừng các hoạt động quân sự”, ông Macron viết trên Twitter. “Nước Pháp đoàn kết với Ukraine”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố cảm thấy “kinh hoàng” trước tình hình tại Ukraine, cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Ukraine Zelensky về các động thái đáp trả. “Nước Anh và các đồng minh sẽ đáp trả một cách quyết đoán”, ông viết trên Twitter.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị gói trừng phạt “mạnh nhất, cứng rắn nhất” từ trước tới nay nhằm vào Moscow.
Mục tiêu của gói trừng phạt là “sự ổn định ở châu Âu và trật tự hòa bình trên toàn thế giới”, bà von der Leyen tuyên bố. Gói trừng phạt này sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra ngay trong ngày 24/2.
“Các biện pháp trừng phạt sẽ làm yếu cơ sở của nền kinh tế Nga và khả năng hiện đại hóa của họ”, bà von der Leyen cho biết.
Một số quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu như Bỉ, Tây Ban Nha, Ba Lan, Cộng hòa Czech… cũng lên tiếng chỉ trích Moscow và tuyên bố sẽ thảo luận cùng các đồng minh để đề ra phương án đối phó.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg lên án cuộc tấn công “vào một quốc gia độc lập, có chủ quyền” của Moscow. Cuộc tấn công “khiến vô số sinh mạng dân thường bị đe dọa”, cũng như là “sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng an ninh châu Âu - Đại Tây Dương”.
Các đại sứ NATO sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp trong ngày 24/2 để thảo luận về vụ việc này.
Nước cấm vận, nước từ chối gọi “xâm lược”
Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố các lệnh cấm vận của nước này nhằm vào Nga sẽ trở thành luật trong ngày 25/2. Tuy vậy, chúng sẽ chưa có hiệu lực cho tới cuối tháng 3.
Ông Morrison cho biết nguyên nhân nước này đưa ra các biện pháp cấm vận là vì các cuộc tấn công hay mối đe dọa mà Nga nhằm vào Ukraine cần phải trả giá.
“Hành động của ông Putin và chính quyền Nga không thể không gánh chịu hậu quả”, ông Morrison nói.
Một mảnh tên lửa rơi xuống thủ đô Kyiv ngày 24/2. Ảnh: AP. |
Canada cũng phản đối hành động của Nga. Thủ tướng Justin Trudeau cam kết sẽ thảo luận với các đối tác trong nhóm G7 để đề ra phản ứng chung, “bao gồm áp đặt thêm lệnh cấm vận so với các biện pháp được đưa ra vào tuần trước”.
Về Trung Quốc, trong buổi họp báo thường kỳ chiều 24/2 tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ cụm từ “xâm lược” mà một nhà báo phương Tây dùng để mô tả hành động của Nga.
“Vấn đề Ukraine có bối cảnh lịch sử phức tạp”, bà Hoa tuyên bố. “Điều chúng ta nhìn thấy hôm nay là sự giao thoa của các yếu tố phức tạp này”.
Bà Hoa tuyên bố Trung Quốc “theo dõi sát sao” tình hình, cũng như bày tỏ kỳ vọng các bên liên quan “không đóng cánh cửa dẫn tới hòa bình, đồng thời cần cam kết đối thoại và thương lượng”.
Tại Moldova, nước láng giềng của Ukraine, Tổng thống Maia Sandu cho biết bà sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp, cũng như khẳng định sẵn sàng tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn từ Ukraine.
“Chúng tôi sẽ giúp đỡ người những ai cần hỗ trợ”, bà nói.
Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết lực lượng vũ trang của nước này không tham gia vào hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
"Quân đội của chúng tôi không tham gia vào chiến dịch này", ông Lukashenko nói sau khi lực lượng biên phòng Ukraine tuyên bố các cuộc tấn công đến từ cả biên giới giữa nước này và Belarus.