Nhằm giúp bà con Vĩnh Long "giải cứu cam sành", anh Hồ Khắc Vĩnh (27 tuổi, người có hơn 1 triệu lượt theo dõi trên một số nền tảng mạng xã hội) đã cùng anh Trần Thiện Dương (34 tuổi, chủ thương hiệu Laman Juice) cho xe tải xuống tận vườn chở cam lên TP.HCM bán.
Hiện anh Vĩnh và anh Dương bán cam tại 2 điểm ở đường Trường Sa (quận Phú Nhuận) và đường An Dương Vương (quận 5) với giá 60.000 đồng cho 10 kg cam. Bên cạnh việc bán cam tươi, cửa hàng cũng bán thêm nước cam vắt sẵn với giá 6.000 đồng cho ly 700 ml.
Nhiều nơi tại TP.HCM giải cứu cam sành với giá 6.000 đồng/kg. Ảnh: Vinhthichanngon, Lê Châu. |
Mua 1 ly nước 15.000 đồng, tặng 1 kg cam
Thay vì bán cam như anh Vĩnh, anh Tống Viết An Thịnh - CEO Tập đoàn pha chế KenGroup - lại "giải cứu" bằng cách bán hồng cam ngũ vị.
Anh Thịnh đang mở một gian hàng bán nước trước sảnh công ty nằm trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7), mỗi khách hàng khi mua 1 ly nước hồng cam ngũ vị sẽ được tặng kèm 1 kg cam tươi và công thức pha chế.
"Khi khách hàng uống nước thấy ngon, nếu họ muốn tự làm thì có thể sử dụng công thức của tôi. Tôi muốn thông qua việc này để mọi người biết đến các món nước được làm từ cam, qua đó nâng sản lượng tiêu thụ cam của bà con Vĩnh Long", anh nói thêm.
Sau 12 ngày bán, anh Thịnh đã tiêu thụ được 42 tấn cam. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, anh Thịnh cho biết mỗi ngày anh bán trung bình khoảng 1.500 ly, ngày cao điểm lên đến 3.000 ly nước. Chỉ sau 12 ngày bán, anh đã tiêu thụ được 42 tấn cam.
"Thực ra, nếu tính chi phí nhân sự, nguyên vật liệu, giá này tôi bán không lời, thậm chí còn lỗ nếu trừ thêm phí phát sinh khi khách đặt nước qua ứng dụng giao hàng. Nhưng tôi thực sự hạnh phúc với điều mà tôi đang làm. Nếu vụ sau cam rớt giá, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm để ủng hộ bà con", anh tâm sự.
Thực tế, trên mạng xã hội những ngày gần đây, không ít nhà sáng tạo nội dung và chủ doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tham gia vào cuộc "giải cứu" này.
FPT Shop cho biết đã thu mua hơn 20 tấn cam để ủng hộ nhà vườn và gửi tặng số cam này đến các khách hàng tại 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ thống bán lẻ này dự kiến nếu sắp tới giá cam ở miền Tây chưa được cải thiện, công ty sẽ tổ chức cho nhân viên tiếp tục đến nhà vườn để thu mua cam và tặng khách hàng.
Tương tự, một chuỗi làm đẹp tại TP.HCM cũng vừa cho biết đã "giải cứu" 500 kg cam giúp bà con nông dân Vĩnh Long, và dùng số trái cây này để dành tặng khách hàng của mình.
Vì sao cam sành rớt giá?
Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, ông Nam Lý - chủ vườn cam tại huyện Trà Ôn, Vĩnh Long cho biết giá cam sành đang rớt mạnh xuống còn 500-3.000 đồng/kg, chưa bao gồm công hái và phí vận chuyển.
Cam vào mùa, sản lượng tăng vọt khiến giá cam rớt mạnh, về còn 500-3.000 đồng/kg. Ảnh: Vinhthichanngon. |
"Do vào mùa, sản lượng tăng mạnh nên cam rớt giá, giờ không có người thu, cam rơi rụng từ dưới mương lẫn trên bờ, bà con ai trồng cam cũng khổ.
Thương lái tới ép giá còn 1.000-2.000 đồng/kg, vườn nào cam đẹp may ra còn được 2.000-3.000 đồng/kg. Thậm chí có người còn không chịu mua cam theo kg mà mua thu mua cả vườn với giá rẻ bèo cỡ vài trăm đồng/kg", ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Lý, bản chất cây cam nếu đến thời gian thu hoạch thì buộc phải bán, nếu không thu hoạch mà neo trái chờ giữ giá, cây sẽ bị kiệt sức và ảnh hưởng tới năng suất mùa sau. "Do vậy, giá rẻ chúng tôi cũng buộc phải ngậm ngùi bán", ông tâm sự.
Trên thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (PTNT) tỉnh Vĩnh Long cho biết diện tích trồng cam sành đã liên tục tăng theo tốc độ rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây, đến nay đã tăng gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2020, bởi lợi nhuận mang lại từ cây trồng này quá hấp dẫn.
Giá cam những năm 2015-2020 luôn ở mức cao, đặc biệt trong mùa nghịch giá cam có thể đạt mức 13.000-18.000 đồng/kg. Trong khi đó, nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác nên năng suất cam sành không ngừng cải thiện, tăng từ 36,6 tấn/ha trong năm 2021, lên đến 44,1 tấn/ha trong năm 2023, cá biệt có nhiều vườn còn cho năng suất gần 100 tấn/ha.
Trước mắt, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ các địa phương xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm cam sành tại thị trường miền Trung, phía Bắc và những nước lân cận. Về lâu dài, ông đề nghị cơ quan này đàm phán để cam có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của ZNews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.