Nếu có thể tự rèn luyện để tạm biệt những "thói xấu", sống thoải mái hơn, chúng ta sẽ thấy có ích cho bản thân. Sức ảnh hưởng của nó sẽ lan tỏa ra cả những người xung quanh. Chỉ với điều đơn giản như vậy thôi chúng ta sẽ trở thành người có sức hấp dẫn hơn.
Được sự đồng ý của Thái Hà Books, Zing trích đăng một phần cuốn sách Thói quen xấu ơi, chào mi của tác giả Koike Ryunosuke.
Thích "thể hiện" liệu có phải là xấu?
Có rất nhiều người khổ sở vì đòi hỏi một công việc thể hiện được cái tôi của mình. Ví dụ, họ cho rằng công việc được giao nhạt nhẽo nên thường xuyên chuyển việc hay không biết mình thực sự muốn làm gì. Vì thế, họ rơi vào tình trạng mất phương hướng.
Việc theo đuổi ảo tưởng cái gọi là “cái tôi” hay “cái riêng thể hiện bản thân” chẳng qua chỉ là cảm giác muốn thỏa mãn lòng tự tôn.
Bằng cách phát huy cá tính của mình trong công việc, họ muốn khẳng định rằng “trên thế giới này chỉ có duy nhất mình họ”.
Có lẽ, trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta đánh giá bản thân dựa vào công việc, đã khiến môi trường làm việc trở nên phức tạp và khó cảm nhận sự tồn tại của bản thân thông qua đó.
Ở thời đại trước kia, mọi người coi việc cống hiến hết mình vì xã hội, gia đình là điều tất yếu. Vì thế, người ta dễ dàng tìm ra giá trị của công việc, dễ dàng đam mê những công việc cần làm trước mắt.
Vì năng lực mỗi cá nhân được mài giũa, vì thế mà nền kinh tế Nhật Bản rất phát triển. Nhưng, ý nghĩa của công việc trong xã hội hiện đại không chỉ là “cái tôi của bản thân”.
Dù bản thân mình không yêu thích công việc, nó đem lại cho ta những lợi ích như nuôi dưỡng gia đình, thu nhập cao hay công việc mang tính ổn định. Tuy chỉ làm việc vì nhu cầu thiết yếu ăn, mặc, ở và khiến con người thỏa mãn, thế là đủ.
Đừng để việc thể hiện bản thân thái quá làm mất đi những giá trị cốt lõi của bạn. Ảnh: Thái Hà Books. |
Những con người cả đời cố gắng vì điều đó sẽ có được kết quả và sự đánh giá. Mặt khác, nếu người ta không thể tập trung công việc trước mắt, từ bỏ công việc đã được giao, thì chắc chắn sẽ không có được kết quả tốt đẹp.
Lối suy nghĩ “công việc này không phù hợp mình” khiến họ không muốn làm việc và đó chính là dấu hiệu của bị mắc kẹt giữa sự “thể hiện bản thân”.
Không quá bận tâm vì “công việc mơ ước”
Tôi từng được nghe giãi bày rằng “rất lo lắng vì không tìm thấy điều mình muốn làm”. Đây cũng chính là bằng chứng cho thấy họ đang mắc kẹt giữa sự “thể hiện bản thân”.
Thực ra, không thấy điều mình muốn làm cũng không sao. Dù có hướng mắt vào sự thật là “công việc là hoạt động kinh tế”, “điều muốn làm” hoàn toàn không liên quan “điều cần làm” - yếu tố tạo thành cái cốt lõi của kinh tế.
Điều quan trọng không phải là “điều muốn làm” mà là “điều cần làm”. Bạn không cần phải băn khoăn, trăn trở để tìm ra “điều cần làm”. Đó đôi khi là điều bản thân chúng ta thích nhưng cũng có khi không phải vậy, nhưng chắc chắn một điều rằng luôn tồn tại “điều cần làm”.
Đó vừa là việc mang lại miếng cơm manh áo cho cuộc sống đồng thời nếu nghĩ đến sự thất vọng của đối phương khi bị từ chối thì việc làm cho họ điều gì đó khi họ nhờ vả mình cũng là “điều cần làm”.
Hơn nữa, “điều cần làm” suy cho cùng có tiền đề là “sẽ làm” nên là việc “có thể thực hiện”. Ngược lại, khi con người tìm kiếm “việc muốn làm”, thường có khuynh hướng là chọn việc “có vẻ không thể thực hiện được”.
Các phương tiện thông tin đại chúng cũng thường nói đến những người tìm kiếm “công việc mơ ước”, họ nghĩ đến “điều muốn làm”. Bởi vì, những điều “có vẻ như không thể” thường được người khác ngưỡng mộ, cũng như tạo nên sự hứng thú vì chưa ai làm được.
Tuy nhiên, những công việc như vậy rõ ràng là khung cửa hẹp nên khả năng lớn là không thể thực hiện được “điều muốn làm”, khi đó sẽ tạo ra cảm giác chán nản, thất vọng khiến tâm hồn u ám.
Vậy nên, việc bận tâm đến “điều muốn làm” hay “công việc mơ ước” khiến người ta luôn cảm thấy không thỏa mãn với hiện tại, tâm trạng lúc nào cũng u uất. Bạn hãy cố gắng làm những “điều cần làm” chẳng phải sẽ thoải mái hơn chăng?