Hồi tháng 9, Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon chính thức cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh. Động thái đã kết thúc quan hệ ngoại giao kéo dài 36 năm qua giữa đảo quốc Nam Thái Bình Dương và hòn đảo Đài Loan.
Trung Quốc xem đây là một chiến thắng quan trọng trong nỗ lực cô lập Đài Loan trên trường quốc tế. Nhiều nghị sĩ cảm thấy quan ngại. Đài Bắc phản ứng giận dữ trước sự thay đổi của Solomon. Một đảo quốc khác trong khu vực là Kiribati cũng từ bỏ quan hệ với Đài Loan chưa đầy 2 tuần sau đó, làm cho Australia đau đầu trước sức ảnh hưởng ngày một lớn của Bắc Kinh tại khu vực.
Theo điều tra của Guardian, nhiều nghị sĩ Solomon cho biết Trung Quốc và cả Đài Loan đã đề nghị tặng họ hàng trăm nghìn USD để đổi lấy sự ủng hộ. Phó thủ lĩnh phe đối lập, Peter Kenilorea Jr, nói “những vụ việc này luôn liên quan đến tiền” và đây là “một bí mật mở”.
Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Kenilorea là một trong những nghị sĩ phản đối việc thay đổi quan hệ ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh. Ông nhận định đây là “một cú tát vào năm quy trình nghị viện”. Những nghị sĩ tham gia quyết định thay đổi quan hệ ngoại giao nhận từ 246.000 - 615.000 USD từ Trung Quốc.
Daniel Sudaini, thống đốc đảo Malaita, tỉnh lớn nhất của Solomon, tiết lộ ông được đề nghị một khoản hối lộ để bớt gay gắt với Bắc Kinh. Ông nhận được cuộc gọi đề nghị đổi chác trước khi Solomon cắt quan hệ với Đài Bắc. Trả lời Solomon Star, Sudaini nói ông được hứa tặng 123.000 USD nếu theo phe ủng hộ Trung Quốc. Cảnh sát Solomon đã tiến hành điều tra tuyên bố của vị thống đốc.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đã diễn ra một cách minh bạch.
“Không có lời đồn đại hay bôi nhọ nào có thể ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon”, cơ quan này nhấn mạnh.
Nghị sĩ Titus Fika lại cáo buộc Đài Loan cố lũng đoạn quá trình làm việc của quốc hội Solomon, tiết lộ ông cũng được tiếp cận với khoản tiền 2 triệu USD, chia làm hai khoản, để giữ quan hệ với Đài Bắc.
Phía Đài Loan đã bác bỏ cáo buộc của ông Fika. Joanne Ou, người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Bắc khẳng định họ “không bao giờ chọn chính sách đối ngoại bằng đồng tiền”, cạnh tranh với Trung Quốc theo kiểu đấu giá chỉ để “làm dày thêm túi cho những chính trị gia tham nhũng”.