Chính quyền Solomon xác nhận thỏa thuận ký giữa một trong các chính quyền địa phương, cho tập đoàn Trung Quốc thuê trọn hòn đảo Tulagi, là văn bản trái pháp luật và buộc phải hủy, theo Reuters.
Chi tiết thỏa thuận cho thuê dài hạn hòn đảo Tulagi và một số đảo lân cận được New York Times tiết lộ vào tuần qua. Hợp đồng được ký giữa tỉnh Trung Solomon và China Sam Enterprise Group (China Sam) trong cùng giai đoạn đảo quốc Nam Thái Bình Dương cắt quan hệ với Đài Bắc và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
China Sam được mô tả là tập đoàn công nghệ, đầu tư và năng lượng có trụ sở ở Bắc Kinh. Tập đoàn được thành lập vào năm 1985 với danh nghĩa là công ty quốc doanh.
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare gặp lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh vào đầu tháng 10. Ảnh: Reuters. |
Theo "thỏa thuận hợp tác chiến lược" ký ngày 22/9, China Sam sẽ thuê lại quyền phát triển cơ sở hạ tầng tại hòn đảo trong vòng 75 năm kèm theo điều khoản gia hạn. Thỏa thuận bao gồm nhiều nội dung về xây dựng trạm hậu cần đánh bắt cá, trung tâm điều hành, và "xây mới hoặc cải tiến sân bay".
Phụ lục thỏa thuận cho biết China Sam sẵn sàng xem xét khả năng xây dựng trạm dầu và khí đốt tại Tulagi, dù chưa đơn vị thăm dò nào xác định được trữ lượng dầu trong khu vực quần đảo Solomon. China Sam cũng có thể phát triển "đặc khu kinh tế hoặc khu công nghiệp bất kỳ phù hợp cho mọi loại hình phát triển", theo New York Times.
Bộ trưởng Tư pháp John Muria cho biết chính quyền tỉnh và công ty Trung Quốc không có tư cách pháp lý để ký kết một hợp đồng với quy mô lớn như trên mà không có sự tham gia của chính quyền trung ương hai nước.
"Thỏa thuận không được trình cho văn phòng Bộ trưởng Tư pháp trước khi ký kết", ông Muria ngày 24/10 cho biết.
Bộ trưởng Muria nhấn mạnh thỏa thuận cho thuê đảo Tulagi và những đảo lân cận là hợp đồng "trái pháp luật, không có hiệu lực và buộc phải hủy ngay lập tức".
Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh đầu tháng 10. Ảnh: AP. |
Thống đốc tỉnh Trung Solomon, ông Stanley Manetiva, chưa đưa ra bình luận chính thức về phát biểu của Bộ trưởng Muria. Trước đó, ông tuyên bố thỏa thuận phù hợp với pháp luật và quyền của người sở hữu đất đai tại đây vẫn được tôn trọng. Tuy nhiên, ông khẳng định thỏa thuận chưa chính thức hoàn thiện vì chưa có "con dấu của chính quyền tỉnh".
Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện diện và mối quan hệ với các nước Nam Thái Bình Dương.
Yao Ming, Phó đại sứ Trung Quốc tại Papua New Guinea, ngày 23/10 phát biểu tại thủ đô Honiara của Solomon rằng Bắc Kinh sẽ xây tặng nước này nhiều công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có một sân vận động.
Ông Yao bác bỏ các cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc đang đẩy Nam Thái Bình Dương vào bẫy nợ, đồng thời cho rằng những nước như Anh và Mỹ mới sử dụng những chính sách đẩy nước khác vào khủng hoảng tài chính.