Từ cuối tháng 8 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch tuyển dụng tập trung cuối năm với quy mô hàng trăm nhân sự.
Ồ ạt tuyển dụng số lượng lớn
Thậm chí, con số nhân sự cần tuyển dụng của HDBank trong đợt này lên tới 1.000 người, tập trung các mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Theo đó, các vị trí tuyển dụng chủ yếu của HDBank đợt này là chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp; trưởng bộ phân, chuyên viên cao cấp quan hệ khách hàng doanh nghiệp; trợ lý quan hệ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp…
3/4 ngân hàng lớn nhất hệ thống đã công bố kế hoạch tuyển dụng đợt cuối năm. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Vietcombank mới đây cũng thông báo về đợt tuyển dụng tập trung tháng 10. Đây là đợt tuyển dụng thứ 3 của ngân hàng này trong năm nay, sau 2 đợt diễn ra vào tháng 4 và tháng 7. Trong đợt tuyển dụng cuối năm, Vietcombank tập trung vào các nhóm vị trí cán bộ quan hệ khách hàng, giao dịch viên, kế toán, nhân viên hỗ trợ kinh doanh trực tiếp.
Trong khi đó, Vietinbank đang triển khai đợt tuyển dụng thứ 6 trong năm nay với 56 chỉ tiêu tại 21 chi nhánh trên toàn hệ thống. Dự kiến thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 29/9.
Các vị trí tuyển dụng lần này chủ yếu là quan hệ khách hàng doanh nghiệp, quan hệ khách hàng cá nhân, giao dịch viên… Trước đó, trong đợt tuyển dụng thứ 4 và 5, nhà băng này đã tuyển dụng gần 200 chỉ tiêu cho các chi nhánh trên hệ thống.
Đến nay, 3/4 ngân hàng trong nhóm Big4 (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank) đã đăng thông tin tuyển dụng cuối năm.
Trước đó, BIDV đã công bố kế hoạch tuyển dụng khoảng 400 nhân sự tại một số chi nhánh vào cuối tháng 9, chuẩn bị cho tuyển tập trung vào đầu tháng 10.
Cũng trong cuối tháng 9, loạt ngân hàng khác đã công bố kế hoạch tuyển dụng như VIB, MBBank, SeABank, Sacombank… Riêng Sacombank công bố kế hoạch tuyển dụng 700 tập sự là sinh viên năm cuối từ các đại học chuyên ngành tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán, ngoại thương...
Theo chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự tài chính, lý do của các đợt tuyển dụng tập trung này do biến động nhân sự tại các chi nhánh của ngân hàng, bao gồm sự sụt giảm nhân sự đến từ nghỉ việc, về hưu, và nhu cầu mở rộng quy mô chi nhánh và phòng giao dịch.
Cạnh tranh giành nhân sự chất lượng cao
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tư nhân tại Hà Nội nói với Zing.vn, nhu cầu nhân sự ngành này đang rất cao, tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng không nhiều.
Nhu cầu mở rộng quy mô của các ngân hàng tăng liên tục qua từng năm trong khi nguồn nhân lực chỉ có giới hạn. Điều này khiến việc tuyển dụng ngày càng khó khăn, nhất là nhân sự chất lượng cao”, vị này chia sẻ.
Ông cũng cho biết thực tế nhân lực ứng tuyển vào các ngân hàng hiện nay đều là người trong ngành và là nhân lực cũ của ngân hàng khác, ứng tuyển do nhảy việc.
Điều này đồng nghĩa với việc cạnh tranh nhân sự giữa các ngân hàng trở lên gay gắt hơn.
“Nếu để ý sẽ thấy hiện nay các ngân hàng rất hạn chế việc công bố lương, thưởng của nhân viên. Nguyên nhân do nguồn nhân lực khan hiếm, việc công bố công khai lương thưởng có thể khiến thị trường lao động mất cân bằng”, ông nói.
Khảo sát qua báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng cho thấy, nhiều đơn vị đang gia tăng nhanh số lượng nhân viên từ đầu năm nhưng một vài trường hợp lại cắt giảm rất mạnh.
Đơn cử, ngân hàng mẹ VPBank nửa đầu năm nay đã cắt giảm 1.986 nhân viên, con số kỷ lục của ngành ngân hàng. Những năm trước đó, VPBank luôn là ngân hàng tuyển thêm rất nhiều nhân viên sau mỗi kỳ. Tính riêng 3 tháng của quý II, số nhân viên tại nhà băng này đã giảm 1.466 người.
Ngược lại, Vietcombank, VIB, và MBBank là 3 ngân hàng có số lượng nhân viên gia tăng nhiều nhất nửa đầu năm với quy mô xấp xỉ 1.000 người mỗi ngân hàng.