Trả lời chất vấn về biện pháp nâng cao sản phẩm từ cây dừa của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) vào sáng 6/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đây là cây thế mạnh sẽ được quan tâm trong thời gian tới, nhất là bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Cây dừa mà tập hợp tốt sẽ trở thành cây tỷ phú được, không có vấn đề gì cả”, ông Cường nói.
Cây dừa được xác định là đối tượng sản xuất phù hợp tại Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông cho biết Việt Nam đang tập trung các nhóm giải pháp để phát triển sản phẩm từ cây dừa, trong đó có nghiên cứu nhân giống vô tính. Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh muốn phát triển cây dừa thành hàng hóa thì không thể trồng theo kiểu hữu tính như hiện nay, mà nhân giống vô tính để nâng cao quy mô.
"Khi đó chúng ta sẽ nghiên cứu vùng nào trồng, vùng nào tổ chức sản xuất, chế biến thực phẩm, phục vụ công nghiệp chế biến thì sẽ rất hiệu quả”, ông nói.
Không chỉ cây dừa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn cho biết Việt Nam còn nhiều loại nông sản tiềm năng có thể đạt giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD. Ông trình bày sắp tới, Việt Nam tập trung vào 3 nhóm sản phẩm để phát triển.
Trục thứ nhất, ông Cường cho biết các sản phẩm vốn đã có thế mạnh như cá tra, tôm, lúa gạo... sẽ tập trung nâng cao chất lượng. Song song với đó là nâng cao hiệu quả các sản phẩm khác.
“Sữa và xuất khẩu thịt gà Việt Nam đã xuất khẩu được và sắp tới cũng sẽ đạt giá trị 1 tỷ USD. Cây dừa mà làm tốt cũng trở thành mặt hàng 1 tỷ USD”, Bộ trưởng nói.
Trục thứ hai là sản phẩm cấp tỉnh như gà đồi, vải thiều, quả na... Nếu tập trung, chỉ đạo tốt, những sản phẩm này cũng đạt 500-700 triệu USD/năm và tiến tới tương lai không xa đạt 1 tỷ USD.
Trục sản phẩm thứ ba thuộc chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mục tiêu tới 2020, Việt Nam phấn đấu có 2.000 sản phẩm OCOP.
"Việc đưa sản phẩm vào OCOP đã khích lệ bà con sản xuất đạt tiêu chuẩn, có những sản phẩm tốt để nay mai đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Cường nhấn mạnh.