Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, cho biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang thi công hoàn thiện một số đoạn nền đường, dù trước đó nhà đầu tư tuyên bố đã chạy xe thực nghiệm thông tuyến từ điểm đầu đến điểm cuối.
Sau khi kiểm tra toàn tuyến, Sở GTVT Tiền Giang chỉ ra nhiều vấn đề mà nhà đầu tư BOT cần hoàn thiện như trải cấp phối, lắp đặt bổ sung các biển báo, bổ sung phương án cứu thương, cứu hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường, chuẩn bị lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông...
Xe cộ di chuyển trên mặt đường cấp phối đá dăm của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tạo ra lượng khói bụi lớn. Ảnh: Ngọc Tân. |
Sở GTVT yêu cầu nhà đầu tư đến 29/1 phải hoàn thiện hết các nội dung trên. Sau đó, tỉnh Tiền Giang sẽ mời Tổng cục Đường bộ xuống kiểm tra lần cuối trước khi quyết định cho lưu thông tạm 10 ngày Tết.
Ông Bon lưu ý chỉ trong trường hợp quốc lộ 1 ùn tắc kéo dài thì phương tiện mới được điều tiết vào đường mới. Trường hợp không ùn tắc thì cho xe cộ chạy quốc lộ 1 để đảm bảo an toàn hơn.
"Hiện nay tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận hầu như là chạy trên cấp phối đá dăm, dù tốc độ cho phép chỉ 40 km nhưng vẫn rất bụi. Nhà đầu tư nói sẽ liên tục tưới nước, nhưng cấp phối tưới nước rồi cho xe chạy thì sẽ bung lên, mất liên kết", ông Bon lo ngại.
Ngoài ra, các nút giao dọc tuyến cũng chưa sử dụng được. Xe cộ đi vào từ nút giao Thân Cửu Nghĩa chỉ có thể đi một mạch đến điểm cuối tại nút giao An Thái Trung.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Tiền Giang, dòng xe từ TP.HCM đi Mỹ Thuận vào trước Tết sẽ dễ dàng kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Nhưng đến sau Tết, dòng xe từ Mỹ Thuận về sẽ phải vòng qua trạm thu phí, sang quốc lộ 1, gây ùn tắc từ trạm thu phí đến nút giao Thân Cửu Nghĩa.
"Ùn tắc ở đó sẽ còn phức tạp hơn là ùn trên quốc lộ 1 trước đây, vì phương tiện từ Trung Lương đi TP.HCM sẽ xung đột với lưu lượng từ TP.HCM về, thậm chí gây tắc cả cao tốc TP.HCM - Trung Lương", ông Bon lo ngại và cho biết đã yêu cầu nhà đầu tư BOT phải xem xét lại phương án giao thông qua khu vực này.
Để đảm bảo việc điều tiết giao thông, ông Bon cho biết sẽ huy động nhân lực của nhà đầu tư BOT, thanh tra giao thông và lực lượng công an, chính quyền địa phương.
Nói về tiến độ dự án, lãnh đạo Sở GTVT nói nhà đầu tư và địa phương đang lập kế hoạch chi tiết để khánh thành công trình vào dịp 2/9 năm nay. Các hạng mục khánh thành sẽ bao gồm cả đường chính và các nút giao dọc tuyến. Đối với đường gom dân sinh 2 bên cao tốc, tiến độ hoàn thành có thể chậm hơn.
Trao đổi với Zing, đại diện Tập đoàn Đèo Cả xác định trước và sau Tết Tân Sửu, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ phục vụ việc đi lại nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1.
Nhà đầu tư cho biết người dân sẽ sử dụng tạm nền đường được trải cấp phối đá dăm để di chuyển trong dịp Tết. Sau khi thông tuyến, đơn vị thi công tiếp tục công tác dỡ tải, hoàn thiện phần móng đường và mặt đường bê tông nhựa, các hạng mục an toàn giao thông, điện chiếu sáng, trạm thu phí… để đảm bảo đưa toàn tuyến vào vận hành khai thác trong năm 2021.