Ngày 14/7, Genki Japan House khẩn trương chuyển hàng hóa đến các siêu thị đối tác trên địa bàn TP.HCM, lượng hàng dự kiến đủ bán trong vòng 10 ngày. Các đơn hàng sỉ cho các chuỗi bán lẻ hải sản cũng sẽ được giao sớm trong ngày mai.
Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, Giám đốc Genki, cho biết đã sẵn sàng đóng cửa tạm thời trụ sở ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) trong thời gian tới. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn, hàng hóa sẽ được chuyển từ các tỉnh khác như Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng đến trực tiếp các điểm bán ở TP.HCM, chứ không thông qua kho tổng ở trụ sở như trước.
Chia sẻ với Zing, bà Kim Huyền cho biết hoàn toàn có thể sắp xếp chỗ ăn ở cho người lao động như phương án "3 tại chỗ" mà TP.HCM yêu cầu. Tuy nhiên, tâm lý của nhân viên không tốt.
Nhiều doanh nghiệp chấp nhận tạm dừng sản xuất từ 0h ngày 15/7. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Pouyuen đã tạm ngưng sản xuất
"Khi dịch bùng phát mạnh, có 4-5 nhân viên đã đồng ý ở lại, nhưng từ ngày Khu chế xuất Tân Thuận bị phong tỏa thì họ thấy việc đi lại, ăn ở khó khăn nhiều nên về. Bây giờ họ vẫn tình nguyện ở lại công ty để làm việc, nhưng tôi chọn phương án dừng hoạt động để đảm bảo an toàn và tâm lý tốt nhất cho nhân viên", bà Kim Huyền nói.
Theo ghi nhận của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, phần lớn doanh nghiệp trong ngành cũng chấp nhận tạm ngưng sản xuất do số lượng công nhân ở lại không đảm bảo để duy trì hoạt động.
"Thứ nhất là cơ sở vật chất của nhà máy không thể đáp ứng. Thứ hai là tâm lý của người lao động không tốt, nhiều lắm là cỡ 1/3 lao động chịu ở lại, mà như vậy thì không thể sản xuất được", ông phân tích.
Với những doanh nghiệp quyết định đóng cửa tạm thời, ông Hồng cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ lương cho công nhân tùy khả năng, bởi ưu tiên cao nhất hiện nay là đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Đây là một sự đứt gãy lớn của nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp hiện nay không còn nghĩ đến thiệt hại nữa
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Agtek
"Đây là một sự đứt gãy lớn của nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp hiện nay không còn nghĩ đến thiệt hại nữa, họ chỉ quan tâm đến an toàn cho xã hội và chính người lao động của mình. Tình hình đến đâu thì doanh nghiệp sẽ ứng phó đến đó", ông Hồng nhìn nhận.
Sau cuộc họp với hơn 70 doanh nghiệp và đại diện các hội ngành nghề thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch Chu Tiến Dũng cũng cho rằng sau ngày 15/7 sẽ có nhiều doanh nghiệp chấp nhận tạm dừng hoạt động.
Ngay chính Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn nơi ông làm việc đã thực hiện các biện pháp bảo vệ nhà máy và hoàn thiện các công đoạn sản xuất để cho một số công ty con nghỉ một thời gian, trừ những đơn vị chuyên sản xuất hàng thiết yếu và có đơn hàng xuất khẩu.
Ông lý giải hiện nay, các địa phương xung quanh TP.HCM cũng đang áp dụng Chỉ thị 16, do đó hàng hóa khó lưu thông và khó tiếp cận người mua. Do đó, dù có cố gắng bố trí để tiếp tục sản xuất cũng không hiệu quả.
Trong ngày hôm qua, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân), với hơn 56.000 lao động cũng phải dừng sản xuất để phòng chống dịch sau khi lãnh đạo nhà máy làm việc với chính quyền địa phương.
Theo đề nghị của quận Bình Tân, Pouyuen chỉ được sản xuất khi khi bố trí toàn bộ công nhân ở lại nhà máy, cứ 3 ngày tất cả lao động phải được xét nghiệm nCoV. Tuy nhiên phía Công ty đã không đáp ứng được yêu cầu này.
Đại diện công ty cho biết nhà máy không thể bố trí tất cả lao động ăn ở tại nhà máy bởi số lượng quá lớn, trong khi diện tích nhà xưởng đều lắp máy móc. Công ty đã tính phương án giảm sản xuất, từ đó giảm số lao động ở thời gian TP HCM áp dụng Chỉ thị 16. Nhưng nếu duy trì sản xuất mức tối thiểu 30%, số người ở lại nhà máy đã hơn 16.000 người. Công ty khó đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt lượng người lớn như vậy trong 10 ngày.
Doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu ứng phó ra sao?
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu đều phải cố gắng đáp ứng yêu cầu của UBND TP.HCM để có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Theo ông Chu Tiến Dũng, đa số những đơn vị này đã có sự chuẩn bị từ trước nên không quá hoang mang.
Thực tế, đại diện Tập đoàn Kido cho biết đã bố trí cho khoảng 700 công nhân ở lại 2 nhà máy sản xuất dầu ăn từ cách đây một tháng. Nhà máy sản xuất kem cũng áp dụng "3 tại chỗ" với khoảng 330 nhân sự trong 10 ngày qua.
Ngoài 3 bữa ăn chính mỗi ngày, doanh nghiệp cung cấp thêm các loại thực phẩm khác như nước cam, sữa chua để tăng cường sức khỏe cho công nhân. "Vài ngày đầu một số người lao động còn hơi khó chịu, nhưng sau đó thì đã ổn định tâm lý trở lại. Họ xác định ở lại đến khi hết dịch", đại diện Kido chia sẻ.
Tương tự, ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - cũng cho hay đã xây dựng phương án cho nhân sự ăn ở tại công ty từ cách đây vài tuần để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất là có F1.
Một số doanh nghiệp bố trí chỗ ăn ở cho người lao động tại nhà máy theo phương án "3 tại chỗ". Ảnh: Thạch Thảo. |
"Sau đó, UBND quận 12 cũng có hướng dẫn về '3 tại chỗ', tôi thấy không khác gì nhiều, chỉ thay đổi một số chi tiết để đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng. Nay TP.HCM bắt buộc thực hiện, chúng tôi chỉ cần kích hoạt lại. Địa phương đã thông báo công ty có thể tiếp tục hoạt động, ngày mai sẽ có đoàn xuống kiểm tra", ông Thiện cho biết.
Theo vị này, nhờ diện tích rộng và có nhà kho mới xây, Vĩnh Thành Đạt có điều kiện để cải tạo nhà kho thành chỗ lưu trú cho khoảng 150 nhân sự. Số lượng này đủ để duy trì hoạt động bình thường, cung ứng hàng hóa cho TP.
Là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, chúng tôi bằng mọi giá phải có phương án dự phòng chu đáo, không thể để ngừng hoạt động
Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Vĩnh Thành Đạt
"Là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn mặt hàng trứng gia cầm, chúng tôi bằng mọi giá phải có phương án dự phòng chu đáo, không thể để ngừng hoạt động", ông nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng những doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị từ trước thì sẽ khó xoay xở trong vòng một ngày. Nếu theo phương án "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải bố trí nơi lưu trú của người lao động khác với khu vực sản xuất, đảm bảo mỗi người cách nhau tối thiểu 2 m, do đó ít nhất phải có mặt bằng.
Chưa kể, doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm và thỏa thuận với đơn vị cung cấp thực phẩm, đảm bảo 3 bữa ăn mỗi ngày và bữa phụ buổi tối cho những công nhân tăng ca.
Với giải pháp còn lại là "1 cung đường - 2 địa điểm", ông Chu Tiến Dũng lại đánh giá việc tìm kiếm khách sạn, nhà nghỉ, kí túc xá trong giai đoạn này không đơn giản.
Kết luận cuộc họp báo cáo về tình hình công tác phòng chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp trên địa bàn ngày 13/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu doanh nghiệp chỉ được phép tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai điều kiện sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ", gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ.
Thứ hai, doanh nghiệp thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm", chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định các doanh nghiệp; thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, chi phí do doanh nghiệp tự chi trả.
Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7 cho đến khi có chỉ đạo mới.