Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều đô thị như miếng áo vá vì những khu đất nham nhở

"Địa phương càng khó khăn thì càng trông chờ vào doanh nghiệp, nhưng chủ đầu tư lại biến đô thị thành những khu đất nham nhở, thích chỗ nào xây nhà chỗ đó", bà Thanh Bình nói.

Trình bày quan điểm tại hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sáng 15/8, bà Trịnh Thị Thanh Bình (thành viên Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre) đặt vấn đề về cơ chế thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư mới.

Chỗ ở có thể bị thu hồi để làm dự án

Theo bà Thanh Bình, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có đề cập đến nguyên tắc khi Nhà nước thu hồi đất nhưng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cách thức và tiêu chí khi thu hồi đất ở, đất canh tác của người dân để thực hiện các khu đô thị mới thì chưa rõ ràng.

"Khi đất của người dân đang sinh sống, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để làm khu đô thị mới, nếu ra sản phẩm tốt, nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân thì rất mừng. Nhưng nhiều dự án lấy đất một cách cẩu thả, có biểu hiện thâu tóm đất, phân lô bán nền...", bà Bình đặt vấn đề.

Theo bà, tình trạng trên gây ra nhiều hệ lụy, trong đó biến các đô thị từ chỗ là trung tâm của địa phương trở thành một "đô thị doanh nghiệp". Những địa phương càng khó khăn về ngân sách thì càng trông cậy vào sự đầu tư của doanh nghiệp, ngược lại nhà đầu tư cũng lợi dụng sự khó khăn của địa phương để thâu tóm đất.

"Mục đích ban đầu của chủ đầu tư có thể tốt đẹp, nhưng sản phẩm tạo ra lại là những khu đất nham nhở, chỗ nào thích thì lấy. Có những chỗ bộ mặt đô thị như miếng áo vá, người dân bất an vì không được đảm bảo quyền lợi", bà Bình nói.

Luat dat dai sua doi anh 1

Các chuyên gia phản biện việc dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa có quy định cụ thể về cơ chế thu hồi đất để làm khu đô thị. Ảnh: Chí Hùng.

Vì vậy, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre kiến nghị cần quy định rõ nếu dự án mới do Nhà nước đầu tư thì Nhà nước thu hồi đất, còn nếu do doanh nghiệp đầu tư thì phải thực hiện bằng cách thỏa thuận với dân theo cơ chế thuê hoặc chuyển nhượng hoặc góp vốn.

Phản biện ở góc độ khác, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng trước thời điểm Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường vào năm 1991, đất nông nghiệp của hợp tác xã nhưng đất phi nông nghiệp là của Nhà nước.

Sau khi chuyển sang cơ chế thị trường, tất cả quỹ đất này lại thuộc sở hữu của doanh nghiệp tư nhân hoặc chuyển sang hộ gia đình cá nhân. Nguồn lực đất đai của Nhà nước vì thế bị thất thoát. Trong khi đó, quy định chưa làm rõ thế nào là "đất công".

"Cơ quan soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi nên lưu ý việc này, bởi nếu không quan tâm thì đất công lại lọt vào tay tư nhân, đây là quy luật. Chúng ta cần quy định rõ thế nào là đất công, cách thức quản lý đất công và ban hành cơ chế cụ thể để đất công không bị thất thoát", GS Võ góp ý.

Cần quy định lại thành phần của hội đồng thẩm định giá đất

Tại báo cáo tổng hợp ý kiến trình bày tại hội nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhiều ý kiến nhận định một số quy định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết 18 của Trung ương. Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Hiện, dự thảo đã bỏ quy định về hệ thống khung giá đất và hệ số biến động 5 năm một lần, thay vào đó là quy định về bảng giá đất và điều chỉnh biến động mỗi năm một lần. Đây được cho là điểm tiến bộ so với Luật Đất đai hiện hành.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quy định làm sao để đây không phải thủ tục, biện pháp hành chính mà là công cụ điều tiết thị trường; phương pháp khoa học, khách quan, thực hiện công khai, minh bạch có kiểm soát phòng chống thao túng về giá.

"Vì vậy cần làm rõ hơn việc xác định như thế nào được cho là giá đất phổ biến trên thị trường có sự biến động để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất", đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đưa quan điểm.

Luat dat dai sua doi anh 2

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 15/9. Ảnh: Quang Vinh.

Ngoài ra, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị cần quy định lại thành phần của hội đồng, tính độc lập của cơ quan thẩm định giá đất và cơ chế kiểm soát khi cơ quan có thẩm quyền quyết định bảng giá đất; quy định về lộ trình bỏ khung giá đất.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ 18 ý kiến góp ý trực tiếp cùng nhiều ý kiến thông qua tham luận.

"Dự thảo này đã hoàn chỉnh được khung, nhưng còn kỹ thuật soạn thảo, câu chữ, tính logic, có nhiều nội dung chưa thể hiện được đầy đủ việc thể chế hóa từ mục tiêu, giải pháp và điều kiện đảm bảo chính sách được thực thi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến để xem xét", ông Hà nói.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Tích tụ, tập trung đất đai

Sử dụng đất nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp không phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, do đó tích tụ, tập trung đất đai là tất yếu để giải quyết rào cản.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lấn biển

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lấn biển.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm