Trong công bố tuyển sinh của nhiều trường đại học năm 2022, bên cạnh yếu tố năng lực học tập, không ít nơi đưa các tiêu chí như hoạt động xã hội, văn thể mỹ, tài năng thể thao... để đánh giá toàn diện năng lực sinh viên.
Ngoài ra, hình thức xét tuyển học bạ của các trường cũng có nhiều điểm mới, nhằm tạo ra nhiều cơ hội cũng như ủng hộ quá trình phấn đấu của học sinh trong 12 năm học.
Xét tuyển năng lực toàn diện
Khi công bố đề án tuyển sinh năm 2022, ĐH Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) lần đầu tiên xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức.
Theo lý giải của nhà trường, việc mở rộng phương thức xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao nhằm giải quyết được câu chuyện tuổi nghề của các tài năng thể thao Việt Nam. Đây là phương án giúp họ có thể vừa yên tâm thi đấu hết mình, vừa có được cơ hội gặt hái nhiều thành công hơn nữa sau khi giải nghệ.
Trong khi đó, trong đề án tuyển sinh của ĐH Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm 2022, ngoài các hình thức cũ như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực, xét chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài… trường dự kiến sẽ tuyển sinh theo hình thức kết hợp nhiều tiêu chí.
Các thí sinh đã bắt đầu vào “mùa” nộp hồ sơ xét tuyển đại học. Ảnh: Chí Hùng. |
Cụ thể, để đánh giá được toàn diện năng lực thí sinh, ĐH Bách Khoa sẽ dựa trên năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn.
Về tiêu chuẩn “hoạt động xã hội”, nhà trường chia sẻ bất kỳ đóng góp nào cho xã hội đều trân quý, ví dụ như học sinh tham gia các hoạt động dịch COVID-19 vừa qua, tình nguyện hoạt động đóng góp cho cộng đồng tại địa phương...
Với phương thức này, ĐH Bách khoa kỳ vọng tuyển sinh, đào tạo ra lớp sinh viên không chỉ giỏi kiến thức mà còn phải có nhiều năng lực cần thiết khác và hoạt động xã hội.
Cụ thể, năng lực học tập bao gồm: kết quả học THPT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực… và các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế. Trong đó, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực là một thành tố quan trọng khi thí sinh trúng tuyển bằng kết quả kỳ thi này đang thể hiện tốt năng lực học tập tại trường.
Cũng tương tự, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng đưa ra ưu tiên người có thành tích văn thể mỹ.
Theo đó, năm 2022, nhà trường bổ sung phương thức tuyển thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố; thí sinh đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao... với tối đa 5% chỉ tiêu.
Trong khi đó, điểm đáng chú ý trong việc tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là những học sinh giỏi của 70 trường THPT phía Nam đã ký liên kết với trường nếu có nguyện vọng, có thư giới thiệu của hiệu trưởng, đỗ tốt nghiệp THPT thì sẽ được ưu tiên xét tuyển.
Linh hoạt trong xét tuyển học bạ
Trong tuyển sinh 2021, xét tuyển bằng học bạ là một trong những phương thức được nhiều trường lựa chọn với chỉ tiêu khá lớn. Vì sự thành công cũng như việc mở ra thêm nhiều cơ hội cho thí sinh, không ít trường tiếp tục lựa chọn hình thức xét tuyển này trong năm 2022. Các trường cũng linh hoạt trong việc xét tuyển để các thí sinh được phát huy tối đa ưu điểm và thế mạnh trong quá trình học tập.
Ngoài một số trường đại học chọn cách xét tuyển học bạ lấy điểm của 5 học kỳ (bốn học kỳ lớp 10, 11 và học kỳ lớp 12) như trước giờ, nhiều trường đã linh hoạt hơn bằng cách xét tuyển 3 học kỳ nhằm đảm bảo được thí sinh có thể khai thác tối ưu tiềm năng của mình.
Trường UEF linh hoạt trong phương thức tuyển sinh để thí sinh có thể phát huy được tối đa tiềm năng. Ảnh: UEF. |
Điển hình, trong phương án tuyển sinh của ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) dự kiến tổ chức 8 đợt xét tuyển học bạ từ ngày 15/2 đến 31/8. Theo đó, trường xét tổng điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp 3 môn học và xét kết quả 3 học kỳ THPT (bao gồm HK1, HK2 năm lớp 11 và HK1 năm lớp 12). Cả 2 phương thức này đều yêu cầu tổng điểm thí sinh phải đạt tối thiểu là 18 điểm.
ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết trong trường hợp các đợt đầu đã tuyển đủ chỉ tiêu, nhà trường sẽ không nhận hồ sơ các đợt còn lại như dự kiến. Thí sinh quan tâm phương thức xét tuyển học bạ nên cân nhắc nộp hồ sơ ở đợt đầu để giảm mức độ cạnh tranh, tăng cơ hội trúng tuyển.
Ngoài hai phương thức xét học bạ, trường còn xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong thời gian xét tuyển đợt 1 đến ngày 31/3, UEF sẽ nhận hồ sơ xét tuyển đối với 35 ngành đào tạo tại trường.
Zing News phối hợp trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) thực hiện tuyến nội dung “Tiếp bước đại học, vững bước tương lai”, nhằm cung cấp cho các sĩ tử hành trang thi cử, tuyển sinh đại học trước thềm vượt vũ môn.
Năm 2022, UEF tiếp tục thu hút thí sinh xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và trao nhiều suất học bổng tuyển sinh, tài năng cho tân sinh viên từ 25%, 50% đến 100% học phí. Bên cạnh đó, 17 chuyên ngành được doanh nghiệp tài trợ học bổng 30% toàn khóa học. Trường nổi bật với chương trình đào tạo song ngữ, học thực tế tại doanh nghiệp, trải nghiệm học kỳ quốc tế dành cho sinh viên trúng tuyển qua mọi phương thức. Thí sinh đăng ký tìm hiểu thông tin về trường tại đây.