Thị trường bất động sản vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn trầm lắng. Ảnh: Việt Linh. |
Thị trường bất động sản gần đây bất ngờ ghi nhận trường hợp chủ đầu tư Việt Nam sẵn sàng ứng trước các chi phí truyền thông cho đại lý (dao động 1-3% tùy loại hình sản phẩm), theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI).
Trước đây chỉ có các chủ đầu tư nước ngoài áp dụng chính sách này đối với những đại lý tại Việt Nam. Tuy nhiên, với mong muốn nhanh chóng “làm nóng” thị trường, nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh tay chi thêm gấp 2,5-3 lần đối với chi phí tìm kiếm, ưu đãi và chăm sóc khách hàng.
Không chỉ vậy, kể từ đầu năm đến nay, chủ đầu tư đã tăng thêm phí môi giới từ 1,5-2 lần để hỗ trợ và thu hút đại lý tham gia bán hàng. Thậm chí, nhiều “ông lớn” trong ngành còn thanh toán trước một phần phí môi giới ngay sau khi khách hàng đặt cọc, thay vì đợi đến khi giao dịch thành công.
Nhiều chủ đầu tư cũng đã tăng phí môi giới thông qua việc thưởng “nóng” cho nhân viên kinh doanh. Chẳng hạn như tại dự án The Rivana (TP Thuận An, Bình Dương), mức thưởng cho mỗi sản phẩm đã tăng từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng.
Một dự án khác là Green House (TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng tăng thưởng từ 5 triệu đồng lên 15 triệu đồng. Dự án Lumiere Boulevard (TP Thủ Đức, TP.HCM) hiện có mức thưởng cho mỗi sản phẩm lên tới 35-80 triệu đồng, trong khi con số này trước đây chỉ là 50 triệu đồng.
Trong trường hợp khác, chủ đầu tư lại mở rộng điều kiện nhận thưởng đối với môi giới viên. Tại dự án Fiato City, nhân viên kinh doanh sẽ được thưởng 10-20 triệu đồng nếu như khách hàng thanh toán nhanh, bên cạnh mức thưởng giao dịch 10-20 triệu đồng/sản phẩm. Ngoài ra, môi giới viên có nhiều khách đặt giữ chỗ nhất sẽ được thưởng thêm 5 triệu đồng.
Tương tự, dự án Tumys Phú Mỹ sẽ thưởng cho nhân viên kinh doanh 6,8 triệu đồng nếu đạt đủ chỉ tiêu về lượng khách đặt giữ chỗ. Môi giới viên còn được nhận thêm voucher khi dẫn khách tham quan Sales Gallery.
Theo DXS-FERI, động thái này được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh chi phí đầu vào của đại lý tăng quá cao, thời gian chăm sóc khách hàng của nhiều môi giới viên kéo dài gấp 3-4 lần bình thường.
Ngoài ra, giữa thời điểm nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa hàng loạt, môi giới viên liên tục bỏ nghề, nhiều chủ đầu tư có xu hướng chọn và giao nhiệm vụ bán hàng cho 1-2 đơn vị môi giới uy tín, có nguồn lực phù hợp để làm tổng đại lý phân phối dự án.
Bên cạnh đó, để san sẻ khó khăn đối với các sàn giao dịch, hiện các chủ đầu tư cũng không còn yêu cầu đại lý ký quỹ hoặc chỉ ký quỹ ở mức tượng trưng để thể hiện thiện chí đôi bên.
Nhận định chung về thị trường bất động sản trong tháng 4, DXS-FERI cho biết một số chủ đầu tư đã giới thiệu dự án mới, nhưng tổng thể nguồn cung mới vẫn khan hiếm do vướng mắc pháp lý và thị trường.
Trong khi đó, nhu cầu ở mức cao nhưng khách hàng vẫn trong trạng thái thăm dò và quan sát thêm thị trường. Lãi suất cho vay tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho việc ra quyết định từ người mua.
Với bối cảnh này, giá bán sơ cấp tiếp tục tăng 5-10% theo năm tại Hà Nội và TP.HCM, trong khi giá thứ cấp giảm trung bình 10-20%.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.