Theo South China Morning Post, giới chức trách tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã khiển trách hai nhà phát triển bất động sản ở địa phương vì đã giảm giá nhà mới hơn 25%. Mức chiết khấu tối đa theo quy định hiện hành chỉ là 15%.
Cái kết của chiến dịch siêu chiết khấu
Cơ quan quản lý nhà ở thành phố Côn Sơn (tỉnh Giang Tô) cho biết hai công ty là Kunshan Jiabao Wangshang Properties và Kunshan Changtai Properties đã “giảm giá nhà một cách tùy tiện”.
Quyết định giảm giá nhà của hai công ty trên được cơ quan chức năng nhận định là “hành vi xấu” và có thể làm hỗn loạn thị trường bất động sản, gây ra bất ổn xã hội. Doanh nghiệp đã được yêu cầu khắc phục vấn đề ngay lập tức và đóng đơn đăng ký mua nhà tại các dự án.
Thời gian qua coanh nghiệp bất động sản ở Trung Quốc liên tục tung ra nhiều chương trình chiết khấu cao nhằm thu hút khách hàng. Ảnh: Bloomberg. |
“Chúng tôi hy vọng các nhà phát triển bất động sản sẽ rút ra bài học kinh nghiệm và nghiêm túc tuân thủ luật pháp cũng như các quy định trong ngành”, cơ quan quản lý nhà ở thành phố Côn Sơn cho biết.
Đồng thời, cơ quan này khẳng định họ sẽ tăng cường giám sát các doanh nghiệp địa ốc sử dụng “chiến thuật bán hàng sai trái”.
Trước đó, hai nhà phát triển này đã tung ra các chiến dịch giảm giá để thúc đẩy doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ vừa qua.
Người mua sẽ không khó để bắt gặp những bài đăng rao bán nhà đi kèm với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Một số dự án thậm chí còn tặng chỗ đậu xe miễn phí cho khách hàng mua căn hộ.
Một chủ đầu tư khác lại tung ra chính sách chiết khấu lên tới 26%. Nhờ chương trình này, một ngôi nhà có diện tích 86 m2 trước đây có giá 21.733 nhân dân tệ/m2 (3.137 USD/m2), nay sẽ chỉ còn 16.000 nhân dân tệ/m2 (2.309 USD/m2).
Hồi tháng 2, một dự án khu dân cư mới ở thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) còn đại hạ giá căn hộ xuống còn khoảng 300.000 nhân dân tệ (43.304 USD), giúp người mua tiết kiệm tới 600.000 nhân dân tệ (86.608 USD). Chương trình khuyến mãi này chỉ kéo dài một ngày trước khi bị chính quyền yêu cầu dừng lại.
Thế khó của doanh nghiệp
Các chính sách ưu đãi về giá được tung ra trong bối cảnh thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Trong tháng 4, doanh số bán nhà mới ở Côn Sơn giảm 14% so với tháng trước đó do tâm lý người mua nhà suy yếu.
Theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Bất động sản China Index Academy (CIA), giới chức lãnh đạo đang buộc các nhà phát triển bất động sản phải tham gia công cuộc ổn định giá nhà và khôi phục lòng tin của người mua.
“Khi tâm lý thị trường gần đây bị suy giảm, các doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá nhà để thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, giới chức địa phương sẽ có động thái điều tiết trong ngắn hạn để ổn định giá nhà và giữ gìn sự ổn định xã hội”, cơ quan này bình luận.
Chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng cần thông cảm cho những khó khăn của doanh nghiệp. Ảnh: Bloomberg. |
Kể từ năm 2021, các giới hạn gắt gao về mức chiết khấu cũng đã được đưa ra tại nhiều thành phố ở Trung Quốc, bao gồm Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông), Côn Minh (tỉnh Vân Nam) và Nam Thông (tỉnh Giang Tô).
“Việc giảm giá ở mức cao như vậy có thể gây ra phản ứng dây chuyền và tác động lớn đến thị trường nhà ở”, ông Zhang Bo, người đứng đầu bộ phận phân tích tại Viện Nghiên cứu Bất động sản 58 Anjuke, nhận định.
Vị này cho rằng các chiến dịch giảm giá còn có thể tác động đến hoạt động kinh doanh đất đai của chính phủ và các tỉnh thành. Trong nhiều năm qua, nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã thu về nguồn lợi lớn thông qua việc đấu giá đất đai.
Thực tế, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn đang phục hồi. Theo dữ liệu của chính phủ, trong tháng 3, giá nhà mới ở các thành phố hạng hai và hạng ba đã giảm lần lượt 0,2% và 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫu vậy, các nhà phân tích của Anjuke cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải tiếp tục giảm giá nhà để tự “cứu” lấy chính mình. Bên cạnh đó, những chuyên gia kêu gọi giới chức địa phương xem xét hoàn cảnh khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường hiện tại để có cái nhìn thông cảm hơn.
“Chính quyền địa phương không nên áp dụng các án phạt đối với doanh nghiệp. Thay vào đó, họ nên xem xét những thách thức mà các nhà phát triển đang phải đối mặt để từ đó thúc đẩy đầu tư nhiều hơn”, các chuyên gia của Anjuke cho biết.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.