Giá nhà ở Singapore vẫn nóng lên từng ngày bất chấp sự sụt giảm của ngành bất động sản trên toàn cầu. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, cô Sonam, một nhân viên công nghệ 33 tuổi, đang thấy hoang mang vì "không biết điều gì đang xảy ra với thế hệ chúng tôi". "Tôi không biết mình cần làm gì để có thể tồn tại ở Singapore", cô chia sẻ.
Sau khi chủ nhà tăng giá thuê 70%, cô quyết định chuyển tới Thái Lan.
Đối với Đảng Hành động Nhân dân (PAP), chính đảng cầm quyền tại Singapore từ năm 1959, ưu tiên hàng đầu là xoa dịu những bất bình đối với thị trường bất động sản.
Áp lực lớn
Tháng trước, Singapore trở thành nước đánh thuế bất động sản đối với người mua nước ngoài cao nhất thế giới, sau khi tăng gấp đôi mức thuế lên 60%.
Những năm qua, các hạn chế chống dịch gắt gao đã thúc đẩy giới siêu giàu Trung Quốc chuyển tới Singapore. Số lượng văn phòng gia đình tại thành phố - chuyên quản lý tài sản cho người giàu - vẫn đang tăng lên.
Chi phí cho mọi thứ từ nhà ở, xe sang đến chi phí hội viên của câu lạc bộ golf đều tăng vọt. Tất cả làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Nhà ở đang trở thành vấn đề nóng bỏng của Singapore. Giới chức nước này cũng tăng thuế đối với các giao dịch mua nhà giá trị cao.
Giới chức Singapore cũng đưa ra một số biện pháp nhằm giải phóng quỹ đất, từ đó gia tăng nguồn cung nhà ở và hạ nhiệt giá cả.
Áp lực về giá nhà đang đè nặng lên giới chức Singapore. Ảnh: Bloomberg. |
Trong một bài phát biểu hồi tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong thừa nhận rằng giá cả đã tăng vọt, nhưng thu nhập của cư dân vẫn theo kịp.
Những lo ngại về lĩnh vực địa ốc đã giáng đòn lên một trong các chính sách trụ cột của PAP. Đó là cung cấp nhà ở xã hội cho khoảng 80% dân số. Với chính sách này, Singapore trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, các điều kiện để được áp dụng chương trình này khá gắt gao. Chương trình này thường ưu tiên những cặp vợ chồng thay vì người độc thân như cô Sonam.
Theo Bộ Phát triển Quốc gia Singapore, số đơn đăng ký nhà ở xã hội đã tăng đáng kể trong thời gian qua.
Đi ngược xu hướng chung
Giá nhà ở Singapore vẫn nóng lên từng ngày bất chấp sự sụt giảm của ngành bất động sản trên toàn cầu. Theo Bloomberg Intelligence, giá nhà có thể tăng tới 5% trong năm nay, sau khi tăng 3,2% ở quý đầu tiên.
Giá nhà đã tăng trong 12 quý liên tiếp, ngay cả khi các thành phố lớn như Hong Kong và London đều ghi nhận đà suy yếu.
Nhu cầu thuê nhà đã tăng vọt một phần do giá mua quá cao. Trong tháng 3, giá thuê của các căn hộ thuộc những dự án tư nhân và nhà ở xã hội tăng lần lượt 32% và 27% so với một năm trước đó.
Singapore thậm chí vượt New York về tốc độ tăng trưởng của tiền thuê bất động sản cấp cao.
Giá thuê tăng cao khiến người nước ngoài ở Singapore lao đao, nhiều người đã tính tới việc rời đi. Nhưng theo một cuộc khảo sát vào năm ngoái, ngay cả đối với các cư dân Singapore trong độ tuổi 22-29, cứ 3 người thì 2 người chọn thuê nhà vì không đủ tiền tiết kiệm.
Nỗi lo ngại về nhà ở sẽ sớm tác động tới chính trị. Theo một cuộc thăm dò của Blackbox Research, đa số cư dân địa phương cho rằng giới chức Singapore đã làm chưa tốt trong việc kìm hãm lạm phát. Chi phí liên quan tới nhà ở xếp đầu bảng trong danh sách các chỉ số giá gây bất bình.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò của YouGov vào tháng 12 cho thấy 2/3 người được hỏi tin rằng chính phủ cần tập trung nhiều hơn vào khả năng chi trả cho nhà ở.
"PAP còn nhiều việc phải làm để đảm bảo với người dân rằng, đây vẫn là một nơi đáng sống, để làm việc và nuôi gia đình", chuyên gia phân tích Eugene Tan - giáo sư về luật tại Singapore Management University - nhận định.
Tại Singapore, giá nhà tăng vọt một phần do tình trạng thiếu hụt nguồn cung vì hoạt động xây dựng bị đình trệ trong thời kỳ đại dịch.
Chính phủ Singapore đã đưa ra các biện pháp thúc đẩy đầu tư và tốc độ xây dựng, nhưng một số chính sách vẫn vấp phải ý kiến trái chiều.
Chẳng hạn, Singapore đã tăng trợ cấp nhà ở trong năm nay. Nhưng chính sách này bị cho là sẽ tạo ra một vòng xoáy đẩy nhu cầu và giá cả tăng liên tiếp. Thêm vào đó, không phải ai cần nhà cũng nhận được trợ cấp từ phía chính phủ.
Đối với chương trình thí điểm cấp nhà ở xã hội cho người độc thân thu nhập thấp, trên mạng xã hội, nhiều người mô tả chúng trông chẳng khác gì nhà tù.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.