Ngày 29/8, ông Nguyễn Hùng Em, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng, trực tiếp đi kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn khi có thông tin nhiều cửa hàng hết nhiên liệu để bán. Theo ông Hùng Em, toàn tỉnh có hơn 450 cửa hàng xăng dầu nhưng gần 100 cửa hàng nhận được nhiên liệu nhỏ giọt từ doanh nghiệp đầu mối.
Dùng can mua xăng dầu từ cửa hàng khác
Theo ghi nhận của Zing vào chiều cùng ngày, trên Quốc lộ 1 có nhiều xe máy chở các can xăng, dầu loại 20 lít. Số nhiên liệu này được di chuyển từ cửa hàng xăng dầu hướng phường 10 (TP Sóc Trăng) đến cửa hàng khác tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên.
Chủ cửa hàng xăng dầu gần chùa Chén Kiểu cho biết bà không nhận được xăng dầu từ đầu mối trong 3 ngày liên tiếp. Trưa 28/8, cửa hàng chỉ nhận được khoảng 1.000 lít xăng, dầu nên vừa bán vừa cho nhân viên đi mua lẻ thêm tại các cửa hàng khác.
Người đàn ông chở nhiều dầu chứa trong can nhựa tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: Việt Tường. |
“Có vài ngày tôi mở cửa chơi chứ không có xăng bán. Trước đây mỗi ngày đều được nhận xăng, dầu nhưng hiện nay 3-4 ngày mới có. Tôi có nhiều khách hàng thân thiết, không có xăng, dầu bán cho họ thì khó lắm. Mấy hôm nay tôi phải dùng can nhựa mua xăng, dầu tại một số cửa hàng khác mang về bán cho khách quen để họ chạy máy bơm nước”, chủ cửa hàng xăng dầu chia sẻ.
Theo nhân viên các cửa hàng xăng dầu tại huyện Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), trong lúc nhiên liệu được đấu mối cung ứng nhỏ giọt thì người dân lại mua nhiều xăng, dầu vì doanh nghiệp nhận định giá điều chỉnh sẽ tăng vào ngày 1/9.
Bán mỗi lít dầu lỗ 800 đồng
Ông Phạm Văn Rư, Giám dốc Công ty TNHH Dư Hoài (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) có hơn 10 cửa hàng xăng dầu bị thiếu hụt nhiên liệu để bán suốt 9 ngày qua. Theo ông Rư, nếu như tháng trước hệ thống xăng, dầu Dư Hoài bán hơn một triệu lít thì tháng này chỉ nhận được khoảng 700.000 lít nên không đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Vài ngày qua có nơi mình mua với giá cao mà họ nói không có xăng, dầu để bán. Một số nơi bán xăng, dầu cho chúng tôi với giá một lít cao hơn 400 đồng so với giá bán lẻ. Chúng tôi chấp nhận lỗ thêm 400 đồng tiền vận chuyển, thuê nhân viên và các thứ khác nhưng hàng về rất nhỏ giọt”, ông Rư khẳng định.
Một cửa hàng xăng, dầu ở Sóc Trăng mua nhiên liệu lẻ từ nơi khác để đảm bảo nguồn hàng bán cho khách quen. Ảnh: Việt Tường. |
Theo ông Rư, việc 7 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu bị cơ quan chức năng rút giấy phép là một trong những nguyên nhân khiến nguồn hàng thiếu hụt. Vấn đề thứ 2 là giá bán lẻ xăng, dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm trong khi giá dầu thế giới tăng nên nhập khẩu nhiều để bán lúc này sẽ lỗ nặng.
Để đảm bảo đủ xăng, dầu cho người dân, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng lên kế hoạch cùng Cục QLTT làm việc với các doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng, dầu.
Cục trưởng Cục QLTT Sóc Trăng Nguyễn Hùng Em cho rằng doanh nghiệp xăng, dầu không phải ghim hàng nhưng nhập về nhiều sẽ lỗ nhiều. Vì vậy, một số đại lý chấp nhận hoa hồng 0 đồng và lỗ thêm chi phí vận chuyển vẫn không mua được hàng để bán.