Nhiệt độ châu Âu có thể phá kỷ lục 48 độ C trong tuần này
Thứ năm, 2/8/2018 20:56 (GMT+7)
20:56 2/8/2018
Các chuyên gia cảnh báo thời tiết tại khu vực Tây Nam châu Âu sẽ vô cùng nóng trong cuối tuần này, đặc biệt khu vực bán đảo Iberian có thể xô đổ kỷ lục 48 độ C của lục địa già.
Nhiều vùng ở miền Nam và miền Tây châu Âu sẽ đạt nhiệt độ rất cao trong cuối tuần này. Khu vực bán đảo Iberian (bao gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) sẽ có thời tiết nóng kỷ lục. Đợt không khí nóng từ châu Phi di chuyển lên phía bắc đang tạo ra một mùa hè oi bức chưa từng thấy ở châu Âu. Trong một buổi lễ ở Vatican tuần qua, lính cứu hỏa phải dùng vòi rồng để giải nhiệt cho mọi người. Ảnh: AP.
Mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu là 48 độ C tại thành phố Athens, Hy Lạp vào năm 1977. Cột mốc này có thể được tái lập ở Tây Ban Nha. Đợt không khí nóng mùa hè năm nay thậm chí có thể xác lập một kỷ lục mới. Tại Đức, chính quyền thành phố Bochum phải huy động xe cứu hỏa để chống hạn hán. Ảnh: Reuters.
Nhiệt độ các khu vực quanh Địa Trung Hải dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh vào cuối tuần này, theo Guardian. Các khu vực sâu trong đất liền sẽ có nhiệt độ cao hơn các vùng duyên hải. Nhiều nơi đã vượt ngưỡng 40 độ C. Ở Pamplona, trẻ em thường đổ ra các đài phun nước công cộng để tránh nóng. Ảnh: AP.
Người dân ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, cũng đang chịu đựng một mùa hè nóng kỷ lục. Nhiều người "trốn" vào các nhà hàng để không phải chịu cái nắng ngoài đường phố. Theo AP, giới chức nước này đã phát cảnh báo sức khỏe tại 40 trong số 50 địa phương. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, Bồ Đào Nha cũng đã phát cảnh báo nhiệt độ tại các thành phố lớn có thể đạt mức 47 độ C, đe dọa sức khỏe người dân. Ảnh: AP.
Người dân và khách du lịch lấy nước tại đài phun nước Barcaccia, quảng trường Piazza di Spagna ở Rome. Miền Nam châu Âu tuần này không những đón nhận không khí nóng từ châu Phi, mà còn phải đối phó với hiện tượng bụi từ sa mạc Sahara di chuyển qua Địa Trung Hải vào đất liền. Ảnh: Reuters.
Nông dân ở Frankfurt, Đức, thu hoạch khoai tây giữa trưa hè oi bức. Tình trạng khô hạn kéo dài đã gây hại không nhỏ đối với mùa màn các nước khu vực phía bắc châu Âu. Nhiều chuyên gia dự đoán sản lượng lúa mạch tại châu Âu sẽ đạt mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Ảnh: AP.
Khu vực các nước Tây Âu và Bắc Âu cũng không tránh khỏi được ảnh hưởng của bão nhiệt. Tại Thụy Điển, dòng sông băng trên núi Kebnekaise đã tan chảy và không còn là đỉnh cao nhất của đất nước. Nhiệt độ ở tây nam nước Pháp dự kiến cũng vượt ngưỡng 30 độ C. Ảnh: AP.
Nông dân các nước Liên minh châu Âu (EU) đang khốn đốn vì tình hình nắng nóng trên toàn châu lục. Nhiệt độ tại Seville những ngày qua có lúc đạt gần 45 độ C. Ít nhất 8 trong số 28 thành viên EU đã đề nghị liên minh linh hoạt hơn trong các quy chuẩn về đa dạng hóa cây trồng và bảo vệ môi trường để đối phó với thời tiết khắc nghiệt hiện nay. Ảnh: AFP.
Đợt hạn hán tồi tệ không chỉ khiến nông dân Australia mất vụ mùa mà còn phải chật vật tìm cách nuôi sống gia súc. Nhiều người lo lắng khi vẫn chưa có dấu hiệu của những trận mưa.
Các chuyên gia nhận định thời tiết khắc nghiệt hoành hành ngày càng thường xuyên khắp Bắc bán cầu là hệ quả trực tiếp từ hiện tượng ấm lên toàn cầu do con người gây ra.