Nắng nóng kỷ lục tại châu Âu: Đức 4 tháng gần như không có mưa
Thứ hai, 30/7/2018 08:35 (GMT+7)
08:35 30/7/2018
Nắng nóng kỷ lục hoành hành tại châu Âu, gây hạn hán, cháy rừng, khiến sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Hơn 80 người chết trong vụ cháy dữ dội ở khu nghỉ dưỡng Mati, Hy Lạp. “Hy Lạp đang trải qua một bi kịch không thể nói nên lời”, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói ngày 24/7. Đây được coi là vụ cháy gây thiệt hại nặng nề nhất trong 10 năm qua tại nước này. Trong ảnh, cảnh tan hoang còn lại sau trận cháy tại Mati. Ảnh: AFP.
Cháy rừng cũng đang hoành hành tại nhiều nước khác. Ở Thụy Điển, nhiệt độ trung bình tháng 7 là 34 độ C, cao nhất trong 250 năm qua. Nắng nóng bất thường đã gây ra ít nhất 40 vụ cháy rừng. Gió mạnh tạo điều kiện cho ngọn lửa bùng lên và gây khó khăn cho lực lượng cứu hỏa. Đội cứu hộ từ Italy, Na Uy, Pháp và Đức đang hỗ trợ nước này chống chọi với những đám cháy. Trong ảnh, khói bốc lên tại Sarna, Thụy Điển. Ảnh: AP.
Phần Lan cũng đang phải hứng chịu hậu quả của những trận cháy rừng do khí hậu khô, nóng. Trước nguy cơ đám cháy lan nhanh, hàng chục người đã phải di tản tại miền Nam nước này. Trong ảnh, đám cháy quét qua khu rừng lớn ở Phần Lan ngày 18/7. Ảnh: AP.
Tại Đức, sân bay Hanover đã phải tạm ngừng hoạt động do đường băng bị ảnh hưởng bởi nhiệt. Người phát ngôn của sân bay cho biết ngày 25/7, 41 chuyến bay khởi hành đi và 44 chuyến tới Hanover đã bị hoãn. Trong ảnh, bờ sông khô cằn ở Magdeburg, Đức. Ảnh: Getty.
“Trời gần như không có hạt mưa nào từ tháng 4”, Juliane Stein, một nông dân cho biết. Theo giới chức nước này, hạn hán đã khiến ít nhất 30% vụ mùa bị thiệt hại. Joachim Rukwied, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Đức, ước tính thiệt hại có thể lên tới 1,6 tỷ USD. Nông trại cằn cỗi vì nắng hạn ở Brandis, phía nam Berlin, Đức. Ảnh: Reuters.
Thủ đô Paris, Pháp đã đặt cảnh báo nắng nóng ở mức 3 trên 4. Nhiều người dân tìm đến công viên có hồ nước để giảm nhiệt. Ảnh: Reuters.
Tại Hà Lan, lúc nắng nóng đỉnh điểm, ngoài trời lên đến gần 40 độ. Nhà tại Hà Lan hoàn toàn không có điều hoà hay quạt điện trong khi quạt máy tại các cửa hàng đều cháy hàng. Trong ảnh, người dân Hà Lan đổ ra các con kênh để tránh nóng. Ảnh: Amsterdamian.com.
Chị Hồng Thanh, người Việt đang có mặt tại Hà Lan, chia sẻ: "Nắng nóng đỉnh điểm ở đất nước của cối xay gió, ngoài trời lên đến gần 40 độ. Trong gia đình nào cũng có lò sưởi hoặc tấm sưởi, nhưng hoàn toàn không có điều hòa hay quạt điện. Ngủ đêm ở đây giống hệt Hà Nội những đêm hè mất điện, nhưng Hà Nội còn có quạt nan, ở đây quạt bằng quyển sách! Chạy ra các siêu thị điện máy mua quạt thì các cửa hàng đều 'bán hết' và cháy hàng". Ảnh: Hồng Thanh.
Nắng nóng khiến nhựa đường chảy, làm chiếc xe tải mắc kẹt trên một con phố ở Newbury, Anh.
Phó tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Elena Manaenkova cho rằng nhiệt độ tăng cao bất thường vài tuần qua trùng khớp với những gì con người đã dự đoán về tác động của biến đổi khí hậu gây ra bởi hiệu ứng nhà kính. Ảnh: Thames Valley Police.
Hạn hán kéo dài khiến bãi cỏ bên ngoài Quảng trường Quốc hội tại London chỉ còn trơ đất. Hè này, lượng mưa tại nhiều khu vực ở London chỉ chiếm 6% so với bình thường. Nhiều bể chứa nước đều cạn khô. "Thường thì chúng ta có các đợt sóng nhiệt tại một số khu vực trên hành tinh, nhưng nay toàn bộ Bắc bán cầu đang bị nung nóng, điều này khiến tôi choáng váng", AFP dẫn lời giáo sư Anders Levermann từ Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Postdam nhận định. Ảnh: AP.
Tàu điện tại thủ đô London cũng nóng ngột ngạt. "Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nữa, thật kinh khủng", nhân viên ga tàu nói. Trong ảnh, một người đàn ông phải cởi áo để giảm nhiệt khi đợi tàu. Ảnh: Daily Mail
Chính phủ các nước đang nghĩ cách đối phó với nắng nóng và khuyên người dân uống nhiều nước, tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời trực tiếp và chú ý bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ. Trong ảnh, lực lượng cứu hỏa Đức phải dùng vòi phun nước hạ nhiệt cho người dân. Ảnh: AFP.
Hàng nghìn người dân đã được sơ tán khỏi nhiều khu vực ở bang California do cháy rừng lan rộng. Giới chức địa phương lo ngại "mùa cháy rừng" chỉ mới bắt đầu.
Các chuyên gia nhận định thời tiết khắc nghiệt hoành hành ngày càng thường xuyên khắp Bắc bán cầu là hệ quả trực tiếp từ hiện tượng ấm lên toàn cầu do con người gây ra.
Ông Trump hôm 22/12 tiết lộ “bản xem trước” về nhiệm kỳ thứ 2 thông qua bài phát biểu dài 90 phút, chủ yếu nhắc tới vấn đề nhập cư, biên giới, chủ nghĩa thức tỉnh và kênh đào Panama.