Những tuần qua, nhiều đợt sóng nhiệt bất thường hoành hành từ châu Á sang châu Âu, khiến hàng triệu người tại hàng chục quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. Các nhà khoa học cảnh báo thời tiết khắc nghiệt đi kèm những đợt sóng nhiệt bất thường ngày càng thường xuyên chính là hậu quả của biến đổi khí hậu.
Thời tiết khắc nghiệt toàn cầu
AFP cho biết từ Na Uy tới Nhật Bản, nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận khắp tại Bắc bán cầu. Tại Hy Lạp, nắng nóng trong mùa hè không phải là điều quá xa lạ. Tuy nhiên, đợt sóng nhiệt vừa qua đã gây ra trận cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, khiến ít nhất 82 người thiệt mạng.
Tuy chính phủ Hy Lạp cáo buộc có người đã phóng hỏa vì "động cơ chính trị", thời tiết nắng nóng khiến việc chữa cháy trở nên khó khăn.
Cháy rừng hiện hoành hành tại Hy Lạp. Ảnh: AFP. |
Ở Bắc Âu, đợt sóng nhiệt những ngày qua được coi là đặc biệt hiếm có. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự đoán nhiệt độ sẽ tiếp tục phá kỷ lục trung bình tháng, từ Ireland tới bán đảo Scandianiva cũng như tại vùng Baltic, và kéo dài tới giữa tháng 8.
Tại Thụy Điển, nhiệt độ trung bình trong tháng 7 là 34 độ C, cao nhất trong 250 năm qua. Hạn hán và cháy rừng gây ảnh hưởng lớn tới môi trường thiên nhiên cũng như con người, đặc biệt là những người chăn tuần lộc.
Tại Nhật Bản, gần 50 người đã thiệt mạng trong tháng 7 do nắng nóng bất thường. Nhiệt độ đạt 41,3 độ C, kỷ lục trong nhiều thập kỷ, được ghi nhận tại các khu vực quanh thủ đô Tokyo.
Trong khi đó, người dân cả hai bờ Đông - Tây của nước Mỹ cũng đang chật vật trong mùa hè khắc nghiệt. Sau gần 2 tuần bờ Đông chịu sự hoành hành của sóng nhiệt, bờ Tây nước Mỹ hiện chìm trong nắng nóng, hạn hán và cháy rừng. Nhiệt độ vượt trên 45 độ C tại hàng loạt thành phố tại bờ Tây, trong đó Chino ở California ghi nhận mức nhiệt 48,9 độ, cao nhất trong lịch sử.
"Thường thì chúng ta có các đợt sóng nhiệt tại một số khu vực trên hành tinh, nhưng nay toàn bộ Bắc bán cầu đang bị nung nóng, điều này khiến tôi choáng váng", AFP dẫn lời giáo sư Anders Levermann từ Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Postdam nhận định.
Người dân Pakistan dùng nước hạ nhiệt trong nắng nóng tại Karachi. Ảnh: AFP. |
Biến đối khí hậu là nguồn cơn
"Rất khó để đổ lỗi cho hoạt động của con người chỉ vì những sự kiện riêng lẻ", chuyên gia khí hậu người Pháp Jean Jouzel nói với AFP.
Tuy nhiên, Phó tổng thư ký WMO Elena Manaenkova cho rằng nhiệt độ tăng cao bất thường vài tuần qua trùng khớp với những gì con người đã dự đoán về tác động của biến đổi khí hậu gây ra bởi hiệu ứng nhà kính.
Một nghiên cứu đăng tải trên trang tin của Tổ chức Khí tượng học Mỹ hồi tháng 12/2017 kết luận ấm lên toàn cầu là nguyên nhân khiến nhiệt độ cao kỷ lục toàn cầu trong năm 2016 cũng như các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt khắp châu Á.
Giáo sư Levermann nhận định dù nhiệt độ đã ở ngưỡng cao nhất trong lịch sử từng được ghi nhận, câu hỏi nên đặt ra hiện giờ là "liệu chúng ta có gặp phải điều này (khí hậu nóng bất thường) thường xuyên hơn nếu không giảm phát thải khí nhà kính?".
"Đây là câu hỏi mà chúng ta có thể khẳng định câu trả lời là có", ông Leverman nói.
Mưa lớn bất thường gây lũ lụt lịch sử tại Nhật Bản đầu tháng 7. Ảnh: Kyodo News. |
Năm 2012, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc đưa ra báo cáo cảnh báo các mô hình dự báo thời tiết cho thấy thời tiết khắc nghiệt bất thường sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn trong những thập kỷ tới.
Ngay cả khi các nước có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 2 độ C cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp như thỏa thuận tại Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, các chuyên gia dự đoán lũ lụt, hạn hán. sóng nhiệt và bão tố ngày càng tồi tệ sẽ vẫn diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Climate Change năm 2017 cảnh báo ngay cả khi các cam kết trong Hiệp định Paris được thực thi, khoảng 50% dân số thế giới vẫn sẽ chịu tác động từ các đợt sóng nhiệt được đánh giá là chết chóc vào năm 2100, so với con số 30% dân số toàn cầu như hiện nay.
"Năm nào chúng ta cũng chứng kiến nhiệt độ lập kỷ lục mới từ Nga cho tới Pháp rồi tới Nhật Bản", chuyên gia Jouzel cho biết.
Ông Jouzel cảnh báo những trận sóng nhiệt khắc nghiệt như năm 2003, từng giết chết 70.000 người tại châu Âu, có nguy cơ xảy ra thường xuyên vào giữa thế kỷ 21.
Và khi thời tiết ấm hơn kết hợp với đất đai khô cằn hơn, cháy rừng và hỏa hoạn sẽ xảy ra rất thường xuyên.
Theo thống kê của Ủy ban châu Âu, 2017 là năm cháy rừng hoành hành mạnh nhất tại lục địa già. Khoảng 800.000 hecta rừng đã bị thiêu rụi tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy.
Mới đây, bản báo cáo PESETA II của Ủy ban châu Âu tính toán diện tích rừng có nguy cơ hỏa hoạn tại Nam Âu sẽ tăng lên khoảng 50-100% vào cuối thế kỷ 21, với mức độ tăng tùy thuộc vào tốc độ ấm lên của nhiệt độ Trái Đất.