Thế giới đối lập: Nơi lạnh như sao Hỏa, nơi nóng như lò đốt
Thứ năm, 11/1/2018 13:34 (GMT+7)
13:34 11/1/2018
Trong khi Bắc Mỹ đang trải qua một mùa đông giá rét bất thường thì Australia chứng kiến những ngày hè nắng nóng kỷ lục 80 năm qua, còn sa mạc Sahara thì lại có tuyết rơi.
Lục địa Bắc Mỹ đang trải qua một mùa đông bất thường với nền nhiệt giảm sâu nguy hiểm ở nhiều khu vực đến mức "lạnh như sao Hỏa". "Bom bão tuyết" Grayson càn quét vùng Bờ Đông nước Mỹ cũng như Canada từ ngày 2 đến 6/1 mang theo lớp tuyết dày hơn 60 cm khiến giao thông và sinh hoạt của người dân bị đình trệ. Ảnh: AFP/Getty.
AP cho hay các trận gió với vận tốc lên tới 145 km/h đã tràn qua núi Washington ở New Hampshire, đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc Mỹ, khiến nhiệt độ ở mức -37 độ C nhưng cảm giác như -69 độ C. Do tuyết và gió, hoạt động tại nhiều sân bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhiều chuyến bay bị muộn hoặc hủy. Ảnh: AFP/Getty.
Sau khi bão tuyết đi qua, người dân bắt đầu dọn dẹp và quay lại cuộc sống bình thường. Những chiếc xe bị bao phủ bởi lớp tuyết dày, "không khác gì hộp băng" dù đã bật máy sưởi. Tại các bệnh viện, nhiều người được điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan đến thời tiết như đau tim, tê cóng hoặc thương tích do máy thổi tuyết.
Ít nhất 22 người thiệt mạng trong đợt giá lạnh. Ảnh: AFP/Getty.
Các chuyên gia lo ngại rằng mùa đông lạnh bất thường ở Bắc Mỹ có liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu nhưng mối quan hệ này chưa hoàn toàn rõ ràng và còn gây tranh cãi, theo New York Times. Một trong những cách lý giải là Bắc Cực đang dần ấm lên khiến các dòng tia, vốn có nhiệm vụ tập trung khí lạnh xung quanh địa cực, đang trở nên yếu đi. Từ đó, khí lạnh từ Bắc Cực di chuyển mạnh hơn và nhiều hơn về phía nam. Ảnh: AFP/Getty.
Tại vùng Bờ Tây nước Mỹ, lũ bùn đã tấn công một khu vực ở phía nam California khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, nhiều xe cộ bị chôn vùi, hư hại. Khu vực này từng xảy ra cháy rừng cuối năm ngoái nên khi mưa lớn, đất không giữ được nước và sạt lở dễ xảy ra. Toàn bang California cũng đang nằm trong tác động của cơn bão lớn. Lượng mưa kỷ lục 800 mm được ghi nhận ở San Francisco hôm 8/1, phá vỡ kỷ lục cũ là 600 mm từ năm 1972. Ảnh: AFP/Getty.
Tại Trung Quốc, đợt bão tuyết đầu năm 2018 đã quét qua các tỉnh miền Trung và miền Đông nước này từ 3 đến 5/1 khiến nhiệt độ giảm thấp và phụ nữ phải "trùm chăn bông" khi ra đường. Lượng tuyết rơi dày đến 30 cm khiến hàng loạt tuyến đường cao tốc và ít nhất 3 sân bay phải đóng cửa trong khi nhiều chuyến tàu điện bị hủy. Ảnh: QQ.
Một đợt bão tuyết mới lại tiếp tục tràn qua hầu khắp các tỉnh miền Trung, miền Bắc và thậm chí cả các địa phương phía Nam Trung Quốc chỉ vài ngày sau đó. Theo Tân Hoa xã, ít nhất 15 người đã thiệt mạng vì thời tiết giá lạnh. Ảnh: Xinhua.
Ở một thái cực khác, ngày 7/1 được xem là ngày nóng nhất trong 80 năm qua tại Sydney khi nhiệt độ lên đến 47,3 độ C. Một giải thi đấu tennis quốc tế dự kiến diễn ra cùng ngày ở thành phố này đã phải hủy bỏ vì thời tiết nắng nóng. Nhiều vùng khác ở Australia cũng đang trải qua những ngày hè nóng kỷ lục khiến người dân đổ xô ra các bãi biển. Ảnh: AFP/Getty.
Trong khi đó, sa mạc Sahara, địa điểm được coi là nóng nhất thế giới, lại chứng kiến tuyết rơi. Năm 2016, vùng sa mạc châu Phi cũng từng có tuyết rơi, gây kinh ngạc cho nhiều người vì lần gần nhất tuyết rơi ở Sahara được ghi nhận là vào năm 1979. Hôm 7/1, lượng tuyết rơi dày đến 15 cm, theo Washington Post. Ảnh: Twitter.
Đường phố Singapore biến thành sông sau trận mưa lớn hôm 8/1. Các chuyên gia cảnh báo lượng mưa trung bình năm tại nước này đang tăng dần qua các năm, đồng thời nền nhiệt trung bình cũng ngày càng cao hơn. Đảo quốc sư tử được cho là sẽ phải đối diện với tình trạng thời tiết cực đoan nhiều hơn khi Trái Đất ấm lên. Ảnh: Straits Times.
Tại Bangladesh, nơi 160 triệu người dân đã quen với mùa đông ôn hòa, nhiệt độ rơi xuống mức thấp nhất 70 năm hôm 8/1, theo AFP. Nhiều vùng tại đất nước cận nhiệt đới chứng kiến mức nhiệt 2,6 độ C, thấp hơn kỷ lục năm 1968 (2,8 độ C). Chính quyền đã phát hàng chục nghìn tấm chăn cho người nghèo để giúp họ chống chọi với cái lạnh. Ảnh: AFP/Getty.
Ít nhất 13 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị hủy hoại do mưa lớn đổ bùn và đá tảng từ những ngọn đồi tháng trước vừa trải qua vụ cháy rừng khổng lồ ở Nam California.
Cảnh sát, quân đội và lực lượng cứu hộ đã dành hơn 15 giờ để giải thoát cho hàng nghìn người bị kẹt cứng trong khoảng 4.000 chiếc xe trên đường cao tốc bởi tuyết rơi quá dày.