Quân Shotgun-cái tên được người mang trong mình chút máu nghệ sĩ tự đặt để làm nick trên các trang diễn đàn về và mạng xã hội được đông đảo giới mê ảnh biết đến. Anh tên thật là Vũ Minh Quân, từng tốt nghiệp hai trường đại học, là cử nhân tiếng Anh và Kinh tế, có nhiều năm trải qua công việc kinh doanh và quảng cáo. Nhưng rồi đích cuối lại đưa chàng trai Hà thành đến với con đường "bấm cò máy". Quân phân bua, "Shotgun vốn là cái súng săn, nhiều người thường gọi máy ảnh là 'súng', biệt danh ‘Súng ngắn’ của mình cũng có từ đó".
Bạn bè Quân nhận xét, các tác phẩm của anh luôn mang một nét riêng biệt. Anh thường chụp được những góc mà không phải ai ở trong tình huống đó cũng phát hiện ra và làm được. Cách lấy bố cục hiện đại, lạ, ánh sáng khá đẹp bởi khả năng quan sát rất tinh tế. "Với một người mới cầm máy được vài năm đã có ngay những bức ảnh xuất sắc khiến nhiều người trầm trồ như vậy ở Việt Nam không nhiều", anh Phú, một phóng viên báo điện tử ca ngợi.
Nhiếp ảnh gia Quân "Súng ngắn" trong chuyến sáng tác tại Ấn Độ. Ảnh: NVCC. |
Quân vừa chụp hình kiếm tiền vừa triển khai được phóng sự ảnh đăng báo. Con đường đến với nghề bấm máy của anh khá bình lặng, không ồn ào, nhưng khi các sản phẩm từ chiếc Nikon D3 hay Canon 5D Mark 3 của anh ra đời lại thường gây xôn xao trên cộng đồng mạng.
Quân vào nghề không có thầy dạy. Năm 2006 anh bắt đầu tự mua máy ảnh về chụp. Hai năm sau anh bắt đầu kiếm được tiền từ chụp ảnh cưới. "Hồi học cấp 2 đã cầm máy chụp bạn bè, thời này chụp bằng máy phim, là loại tự động cho dân du lịch. Lúc đó rất ao ước bao giờ có được cái máy to như các chú thợ ảnh ở công viên, bờ hồ Hà Nội”, Shotgun hồi tưởng.
Trong gần 8 năm đeo đuổi cả công việc chụp cô dâu, chú rể cho các cuốn album nghệ thuật cả sáng tác các chủ đề về người đẹp, thiên nhiên mà người trong nghề gọi vui là "chim hoa cá gái" rồi thực hiện phóng sự ảnh cho các báo điện tử, Quân kiếm được khá nhiều tiền.
Mỗi một chuyến đi xa như Mộc Châu, Phan Thiết, Đà Nẵng, Hội An hay Nha Trang anh lại thu lời vài chục triệu đồng. Một tháng chỉ cần 5 đến 7 hợp đồng anh có thể kiếm lời 100 triệu. "Tuy nhiên với bản tính thích sáng tạo nên làm mãi vẫn thấy mình bị đi theo một lối mòn. Nhận thấy không thể làm mới được cho từng cặp uyên ương trong các shoot hình khác nhau trong cuốn album, tôi quyết định chuyển sang kinh doanh chụp ảnh món ăn cho các nhà hàng, khách sạn, mặc dù thu nhập chỉ còn bằng 1/10 so với trước", Quân tâm sự.
Người đàn ông có cân nặng "khủng" cũng không ngần ngại chia sẻ, thời buổi mà nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh và dân mê chơi ảnh ở Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều thì sức cạnh tranh cũng tăng theo quy luật. Trước mắt anh đang là nhiều thách thức lớn, đặc biệt là ngã rẽ từ một người chuyên ảnh tạo dáng sang thể loại cần yêu cầu cao về ánh sáng, kỹ thuật, màu sắc để chụp ảnh món ăn. Bởi thời chưa đến ba chục tuổi, anh cũng từng thành công và rồi thất bại với hai nghề kinh doanh gốm và quảng cáo.
Trong gần 10 năm theo nghề, Quân "Súng ngắn" lang thang khắp nơi để sáng tác ảnh, chủ yếu vì niềm yêu thích. Người thanh niên tuổi Mùi bồi hồi nhớ lại tấm hình đầu tiên được đăng báo. Đó là năm 2008, trong một lần đi qua khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM), anh đã lọt vào khu tập thể dành cho nữ công nhân và chụp bức ảnh hàng trăm chiếc quần áo phơi kín ở cầu thang và ban công. Tác phẩm đã được một tờ báo đề nghị sử dụng và trả nhuận bút.
Nói về việc cộng tác với một số tờ báo lớn, tạp chí ở Việt Nam, Quân tiết lộ, anh cũng say nghề như các phóng viên "xịn", chỉ cần mỗi khi rảnh rỗi mà có đề tài hay là xách ba lô lên và đi. Các sự kiện như 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hay lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp anh đều góp mặt. Chưa kể những vụ việc khác như tuyết rơi ở Sa Pa, băng giá trên đỉnh Mẫu Sơn hay ngay tại Hà Nội vào mùa mưa thường bị ngập, anh lại xắn quần ra lội phố. "Hễ có thời gian là tôi lao vào săn ảnh ngay bất kể tác phẩm ra đời có được đăng báo hay không. Tòa soạn không dùng thì về đăng báo Facebook khoe bạn bè", Quân cười khoái chí.
Kể lại, có lần rủ bạn bè lên bãi rác Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) thức trắng đêm để chờ đến giờ công nhân nhặt rác tập kết rồi chụp ảnh. “Nơi đó mùi khó ngửi khủng khiếp, đã vậy lại phải lội trong một biển rác đầy ruồi muỗi bâu nhằng nhằng quanh mặt. Trời tối thui, chỉ có thể nhìn rõ vị trí nào có đèn pin chiếu rọi. Người đi mót rác thì bịt kín mặt, còn mình chỉ đeo mỗi chiếc khẩu trang nhưng vẫn luôn phải dùng tay bịt mũi vì không quen”, Quân nói.
Yêu nghề, say mê thế, có nhiều người hâm mộ là vậy nhưng duyên nợ với các giải thưởng nhiếp ảnh chưa bén với anh. Mỗi một cuộc thi liên quan anh đều chọn ra những tác phẩm ưng ý và hợp chủ đề nhất để gửi đến ban tổ chức, tuy nhiên mới chỉ đạt được ở một số giải khuyến khích hoặc nhì ba.
Không đoạt giải không có nghĩa là sản phẩm của Quân ở mức trung bình, ảnh của người đàn ông 36 tuổi này luôn khiến nhiều người phải "phê", kể cả các bức mà anh cho là sến sẩm như chụp về hoa, gánh hàng rong hay những khoảnh khắc lạ trên đường phố Hà Nội thường được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá khá cao.
Vũ Minh Quân trong một chuyến đi xuyên Việt để sáng tác. Ảnh: NVCC. |
Quân từng tự chi phí khá nhiều tiền để có các cuộc ngao du sáng tác, bỏ bê cả công việc ở nhà. Ngoài những chuyến xuyên Việt đến các địa danh đẹp của Việt Nam, năm 2012 anh từng cùng bạn bè đi Ấn Độ để tham dự lễ hội màu Holi độc đáo, cũng khoảng thời gian đó chỉ sau vài tháng anh lại tự túc mua vé máy bay sang chụp ảnh Tết té nước ở Thái Lan. Mỗi một lần ra khỏi biên giới anh phải trả từ 10 đến vài chục triệu đồng. “Nhớ mãi kỷ niệm ấy, khi về gửi đăng trên một tờ báo điện tử nước nhà được vẻn vẹn 90.000 đồng và 200.000 đồng cho mỗi bài, chả bù nổi nhưng vui là chính”, Quân cười nói.
Người nghệ sĩ quê gốc Hà thành đang ấp ủ trong hai đến ba năm tới sẽ ra được tập sách ảnh hoặc triển lãm cá nhân cho riêng mình trước khi bước vào tuổi 40, thời kỳ mà nhiều người cho rằng sẽ không còn có nhiều sức để vác chiếc balo nặng hơn chục kg với một loạt ống kính, thân máy trên vai chạy lăng xăng khắp mọi nơi.
Dưới đây là một số tác phẩm ảnh của Vũ Minh Quân:
Em bé ngộ nghĩnh đáng yêu trong "Nhà của Pao" nơi được dụng trong phim Chuyện của Pao - xã Sủng Là (Hà Giang). Đây là bức ảnh mà Vũ Minh Quân tâm đắc nhất sự nghiệp cầm máy của mình kể từ trước tới nay. |
"Cửa hàng thời trang" tại khu công nghiệp Tân Tạo, Sài Gòn 2008. Bức ảnh đầu tiên được đăng báo của tác giả. |
Tác phẩm về món ăn, đồ uống mà Quân tâm đắc. |
Một buổi tập thể dục trong sân trường của lớp tiểu học Hang Kia (Mộc Châu). |
Người phụ nữ đang di chuyển thuyền về bến đỗ sau khi chèo thuyền chở khách (Tràng An, Ninh Bình). |
Người đàn ông chở hàng đồng nát trong nắng sớm trên đường Phan Đình Phùng, Hà Nội. |
Người đi xe máy bị kẹp giữa hàng dàn xe buýt trong trận lụt lịch sử 2008 tại Hà Nội. |
Hè về, người dân kéo nhau ra sông hồ tắm tại Sơn Tây 2009. |
Cứ 3h sáng hàng ngày, nghìn người không quản rét mướt mưa gió để vào khu xử lý rác thải Nam Sơn tìm kiếm những thứ còn sót lại có thể bán ra tiền. |
Nắng sớm tại thành phố Đà Lạt mộng mơ. |
Thợ làm hương làng Cao Thôn (Hưng Yên). |
Người tập thể dục buổi sáng ở bãi sông Hồng. |
Lễ hội té nước tháng 4 hàng năm tại Thái Lan. |
Phố cổ Hội An. |
Những em bé ném bột mầu vào người đi đường trong lễ hội Holi diễn ra tháng 3 hàng năm tại Ấn Độ. |
Không ngần ngại lao vào giữa đàn ong để làm phóng sự ảnh về nghề nuôi ong rong ruổi của người thanh niên từ Tây Nguyên ra Mộc Châu (Sơn La). |